Chiều 25-7, cơn mưa nặng hạt vừa dứt, hàng chục đứa trẻ đeo cặp sách kéo nhau đến lớp học tình thương của anh Đỗ Thiện Thành ở mái hiên miếu Bà Ấp Thượng (khu phố Châu Thới, phường Bình An, TP Dĩ An, Bình Dương).
Mỗi đứa trẻ mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung một ước mơ là biết chữ.
Giấc mơ con chữ
Bà Hồng (61 tuổi) ngồi bệt dưới thềm miếu Bà Ấp Thượng sau khi đi bộ hơn 30 phút để dẫn cháu nội 8 tuổi đến lớp học của thầy Thành.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa làm được giấy khai sinh nên cháu bà Hồng không thể đến trường. "Tôi ở trọ cách đây xa lắm, ba mẹ cháu đi làm nên tôi dắt bộ đưa cháu đến lớp học để biết chữ", bà Hồng nói.
Gần 70 em đủ mọi lứa tuổi được chia từng nhóm từ lớp 1 đến lớp 5 bắt đầu ê a đánh vần, tập viết, làm toán. Những quyển sách cũ nhàu, có trang bị rách rời ra nhưng đôi mắt những đứa trẻ luôn chăm chú dõi theo.
Em Huỳnh Thiên Phúc (18 tuổi, bị bệnh thiếu máu não bẩm sinh) đang theo học lớp 5 cố gắng đọc bảng cửu chương một cách chậm chạp.
Bàn tay co quắp run run, nói chuyện khá khó khăn nhưng Thiên Phúc vẫn cười tươi khoe thành tích học tập từ lớp 1 tới nay. "Ngày nào con cũng đi bộ đến học với thầy Thành, con học tới lớp 5 rồi", Phúc run rẩy nói từng chữ.
Đang học phép tính cộng, bé Nguyễn Ngọc Như Ý (7 tuổi, học lớp 2) khoe hôm nay bán được 120 tờ vé số xong sớm nên đến lớp học sớm.
Hằng ngày bé Ý phụ bà ngoại bán vé số xong thì tự đến lớp học. 7 giờ tối học xong lại quay về phụ ngoại bán tiếp vé số cho ngày hôm sau.
Em Bùi Võ Đăng Khoa (lớp 4) cũng khoe vừa rồi em mới nhận được giải thưởng "Gương thiếu nhi vượt khó học tốt tỉnh Bình Dương năm 2024". Cha mẹ đi làm ăn xa, Khoa và bà ngoại ở trọ, không có điều kiện đến trường nên suốt bốn năm qua em theo lớp học ở ngôi miếu này.
Dịp hè, những đứa trẻ vui hơn khi có các anh chị trong đội Mùa hè xanh của Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đến dạy phụ thầy Thành. Mỗi bạn kèm 2-3 em nắn nót từng con chữ, chỉ từng phép tính cộng trừ.
12 năm gắn bó với lớp học tình thương
Lớp học tình thương tại miếu Bà Ấp Thượng được thành lập năm 2007 nhưng phải di chuyển nhiều nơi và chính thức về đây năm 2010.
Đến 2012, thấy lớp không có ai chủ nhiệm, chàng sinh viên Đỗ Thiện Thành (Trường cao đẳng Bình Dương) xin địa phương được dạy các em.
Cho tới bây giờ anh Thành vẫn không hiểu tại sao mình có thể gắn bó với lớp học này suốt một thời gian dài như thế. Anh chia sẻ: "Chắc là do mình lỡ thương tụi nhỏ".
Thương nhất là mỗi khi mưa gió lớp học sẽ bị tạt ướt, các em phải nép sát vách hoặc vào miếu trú.
12 năm chủ nhiệm lớp học tình thương, thầy Thành không nhớ hết những học sinh của mình lên đến con số hàng trăm. Có những em sau khi tốt nghiệp, lập gia đình, đi làm có tiền cũng quay về phụ giúp thầy Thành một tay để lo cho các em.
Lê Nguyễn Không Tin (20 tuổi) học hết lớp 5 tại lớp học này, giờ làm tài xế với mức lương ổn định nên thường xuyên quay về gửi quà cho lớp cũ. "Nhờ có lớp của thầy Thành mà em biết chữ, vợ chồng em đi làm thu nhập cũng ổn định nên hay quay trở về thăm thầy", Không Tin kể.
Gắn bó với lớp học từ khi còn là sinh viên, nay đã hơn 30 tuổi, vẫn ở trọ nhưng anh Thành luôn dành hết tâm huyết của mình cho những đứa trẻ nghèo không có điều kiện tới trường.
Người dân xung quanh hết sức cảm phục thầy giáo Đỗ Thiện Thành. "Làm được như thầy Thành khó lắm, thương tụi nhỏ và đến lớp mỗi tối dạy học" - bà Xuân, một người dân, chia sẻ.
Bà Vũ Thị Hiền (chủ tịch UBND phường Bình An) cho biết địa phương rất ủng hộ lớp học tình thương của anh Đỗ Thiện Thành. Lớp học xuất phát từ một chương trình của thanh niên địa phương nên đến nay vẫn chưa có cơ chế cụ thể cho lớp học.
Cũng theo bà Hiền, phía địa phương đang nghiên cứu phương án để trình lên cấp có thẩm quyền hỗ trợ. Riêng phía miếu Bà Ấp Thượng hỗ trợ hoàn toàn chi phí điện nước cho lớp học của anh Đỗ Thiện Thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận