Phóng to |
Thầy Quang và các em học sinh ở lớp học tiếng Anh tí hon - Ảnh: Bảo Châu |
Lớp học không có bảng, cũng chẳng có bục giảng, tất cả học trò đều ngồi quây quần bên chiếc giường 3m2 của thầy, ê a học tiếng Anh, đơn giản vì suốt 24 năm nay, thầy Nguyễn Minh Quang (69 tuổi) gần như liệt hẳn từ phần cổ trở xuống.
Ổ trứng gà quý của tôi
Người vợ tận tụy Thầy vui một, còn có một người vui mười, đó là bà Nguyễn Thị Đức (62 tuổi), người vợ đã âm thầm, tận tụy luôn ở bên thầy, chăm sóc từng li từng tí để thầy yên tâm lên lớp hơn 20 năm qua. Cứ hết một ca dạy, thầy lại cất tiếng gọi vợ để bà giúp thầy nằm xuống, xoay người vào trong nghỉ ngơi chừng 30 phút để tiếp tục ca tiếp theo. Mỗi bữa thầy ăn, bà chăm từng miếng cơm, chén canh vì tay thầy yếu, ngay cả ăn uống cũng khó khăn. Năm 1990, khi thầy ngã bệnh, một tay bà vừa chằm rổ rá vừa hái đậu mướn nuôi sáu con nhỏ, chạy gạo từng bữa, thêm việc chăm sóc, thuốc thang cho chồng, nhưng người phụ nữ nhỏ bé này chưa bao giờ bỏ cuộc vì tình thương chồng, con. Đến tận bây giờ, buổi tối ngủ, cứ hai giờ bà lại phải dậy để giúp thầy đi vệ sinh, những giấc ngủ chập chờn không bao giờ tròn. Thầy Quang cũng tự hào nói về hậu phương vững chắc của mình: “Không có vợ thì chắc không thể có tôi ngồi đây làm thầy giáo như bây giờ”. |
Trước giờ vào lớp, Vương Hoàng Long (lớp 6 Trường THCS Nguyễn Văn Xơ) ngồi trò chuyện vui vẻ với các bạn cùng học bằng tiếng Anh. Tuy còn nhiều ngập ngừng nhưng phát âm của các em đều rất chuẩn xác và tự nhiên. Hỏi có thích học tiếng Anh không, tất cả đều tíu tít đồng thanh: “Dạ có!”.
Để vun đắp được niềm yêu thích môn tiếng Anh ở vùng quê xa xôi này, nơi mà hầu hết cha mẹ các em đều làm nông với vốn tiếng Việt còn chưa rành, là một việc làm không dễ dàng, đặc biệt khi thầy Quang đã bước vào tuổi thất thập và mang nhiều bệnh tật. Tuy nhiên từ sáng tới chiều, bữa học nào của thầy Quang cũng kín học trò ngồi quây quần bên chiếc bàn nhỏ được đặt sát giường thầy ngồi. Có hôm đông học trò quá, thế là các em nhỏ nhất được ưu tiên ngồi luôn trên giường của thầy. Đôi mắt tròn xoe nhìn thầy giảng bài, khuôn miệng nhỏ nhắn tập phát âm theo từng chữ tiếng Anh thầy nói, rồi lại cười khi nghe thầy pha trò, tất cả các em, dù chỉ mới 7-8 tuổi, đều thể hiện sự yêu thích môn học một cách rất hồn nhiên, vô tư. “Ổ trứng gà quý của tôi đó!” - thầy Quang vừa cho các em tập viết vừa nói vui.
Từng có thời gian học tiếng Anh tại Mỹ, rồi trở thành giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường THCS Nguyễn Văn Xơ, đến năm 1990, khi 45 tuổi, một cơn tai biến ập đến làm thầy tê liệt gần như toàn thân, chỉ có phần cổ trở lên là cử động được. Đầu óc tỉnh táo, mong muốn đứng trên bục giảng còn hăng say, nhưng cơ thể lại không thể cử động, thầy rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy sụp. Vậy mà chỉ một năm sau, thầy đã quyết tâm bắt đầu lại. Bài học “vỡ lòng” của chặng đường đời mới này, thầy học cùng con trai út. Khi con tập viết chữ, thầy cũng ngồi kế bên tập viết theo, gò từng con chữ vuông vức bằng bàn tay trái yếu ớt. Học bài thuộc lòng, con đọc một dòng, thầy cũng đọc một dòng tiếp theo để luyện trí nhớ. Đến năm 1992, sợ quên vốn ngoại ngữ tích lũy, thầy ngỏ ý dạy tiếng Anh không lấy tiền cho con nít trong xóm. Vậy là hành trình của lớp học trên giường bệnh suốt hơn 20 năm qua bắt đầu...
Tiếng Anh phải đi cùng tiếng Việt
Trong không gian nhỏ hẹp của giường bệnh, ngay cả ly uống nước cũng phải có ống hút vì tay thầy không đủ sức cầm ly, vậy mà tiếng giảng bài không bao giờ dứt, hết lớp cho học trò nhỏ buổi sáng đến lớp của người lớn buổi tối, lúc cao điểm có thể đến bảy lớp/ngày. Không bảng, không phấn, thầy cũng không dùng quá nhiều sách vở, tất cả bài học đều giống như buổi trò chuyện giữa bạn bè với nhau để tạo niềm yêu thích tiếng Anh cho các em. Bắt đầu từ cách dạy phát âm và đánh vần, thầy so sánh giữa âm, vần tiếng Việt và tiếng Anh để các em dễ hình dung, ví dụ đánh vần tên mình theo tiếng Việt khác với đánh vần tiếng Anh ra sao, cách sắp xếp tính từ - danh từ tiếng Việt khác tiếng Anh thế nào... Thầy chậm rãi nói với các em: “Mình chỉ là người Việt biết thêm một ngoại ngữ, tiếng Việt mà không rành thì học tiếng Anh cũng khó giỏi, nên hai thứ tiếng này mình phải học đàng hoàng!”.
Nâng lên một bước, lấy khung sườn là chương trình học lấy chứng chỉ ngoại ngữ (bằng A, bằng B), thầy tự soạn, viết tay giáo án rồi nhờ học trò đánh máy, phát miễn phí tài liệu cho các em dễ học thi. Tất cả đều “cây nhà lá vườn” như thế nhưng suốt thời gian qua, học trò của thầy nếu đã được “ra ràng” cho đi thi thì đều đậu, nhiều em chỉ mới lớp 5 nhưng đã đạt điểm 9, 10 trong mỗi phần thi. Và rất nhiều học trò từ lớp học tí hon này đã nuôi tình yêu ngoại ngữ để trở thành giáo viên dạy tiếng Anh, bước tiếp con đường của thầy. Ông Võ Văn Hùng, phụ huynh của hai em Võ Tuấn Kiệt (đã vào đại học) và em Võ Nhật Vy (lớp 5), cho biết: “Nhà tui có hai con đều học thầy hết, từ nhỏ tới lớn rồi. Hồi xưa ở đây xa xôi, nghèo khó, kiếm chỗ học tiếng Anh hiếm lắm, có thầy ai nấy cũng mừng. Con mình học được chữ nào hay chữ đó vì mình làm nông suốt ngày, biết gì đâu dạy nó để đi thi với người ta. Thầy khó nhưng tụi nhỏ khoái lắm!”.
Cái khó nhất của thầy đó là luôn đòi hỏi học trò phải học nghiêm túc. Hôm nay trong lớp có một em học sinh không làm bài tập, sau khi la một hồi, dường như đã nguôi giận, thầy dịu dàng hỏi lại: “Thầy la là thầy thương em hay ghét em? Ba má em phải đi làm vất vả, chẻ nan làm từng cái rổ, cái rá nuôi em ăn học, mình không học vậy thì tình thương của ba mẹ em quăng đâu mất rồi?”. Cậu học trò chừng như cũng biết lỗi, sau giờ học còn nán lại làm cho xong bài mới dám về...
Niềm vui không đong đếm
Ngày nào cũng vậy, hết giờ học nhiều em còn ở lại chơi với thầy, hỏi han thân thiết, có em nhìn răng thầy xong nhăn nhăn trán: “Thầy rụng hết răng rồi làm sao ăn cơm được, tội nghiệp thầy quá!”, có em còn đem qua trái mít, mấy cái trứng gà của nhà rụt rè tặng thầy. Ngay cả mức học phí 200.000-300.000 đồng/tháng hiện nay cũng là do phụ huynh tự đặt ra và đóng, còn thầy từ đầu đã chủ trương dạy không lấy tiền. Ví dụ lớp hôm nay có 14 học sinh nhưng chỉ một em đóng tiền, thầy vẫn dạy như thường. Cứ thế, dù đã lâu không đứng trên bục giảng, không đặt chân đến trường lớp, mỗi năm đến ngày 20-11 nhà thầy luôn đông chật học trò về thăm và thầy cũng không quên tên, quên mặt học trò nào, kể cả những lứa đầu tiên. Hỏi thầy sao đã lớn tuổi mà vẫn dạy nhiều như vậy, thầy nhẹ nhàng: “Tại vì vui mà, dạy học làm tôi thấy mình là người có ích, không phải là gánh nặng của vợ con, xã hội. Mỗi ngày mình đều cố gắng thêm một chút, làm thêm được một điều gì đó mới, nhất là dạy cho mấy đứa nhỏ, thấy tụi nó giỏi lên mình cũng rất mừng!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận