Gần hai năm trước đây, cô Mai Thy khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định chuyển từ một trường tư thục có thu nhập cao về một trường công với mức lương nhà nước để "được là chính mình".
Rộn ràng, vui tươi
"Hình này chụp lớp chúng ta bên chiếc xe tăng gì?" - cô Đinh Thị Mai Thy, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/2 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM, đặt câu hỏi cho các học sinh trong tiết "Dạy học lịch sử, địa lý địa phương" vào hôm 13-11.
Sau lời cô, nhiều cánh tay các em học sinh giơ lên: "Thưa cô, hình này lớp ta chụp bên chiếc xe tăng 390 trong Hội trường Thống Nhất ạ".
Cứ như vậy, một học sinh thuyết trình về các bức tranh hoặc tấm hình mà các bạn mang theo, cô đặt thêm câu hỏi, cả lớp xoay quanh câu hỏi vừa bàn luận vừa trả lời. Lớp học rôm rả, rộn những tiếng cười, các nhóm đều có học sinh giơ tay để có điểm thưởng.
Bốn góc lớp học đều có giá để tranh, vì thế vị trí nào trong lớp học cũng có thể trở thành tâm điểm của các phút thuyết trình và học sinh nào cũng được hòa mình vào bài học.
Chỉ trong vòng vài phút, từ điểm thuyết trình dành cho học sinh trên bục giảng, giáo viên đã chuyển điểm thuyết trình sang góc phải lớp khi yêu cầu một học sinh đứng lên đặt bức ảnh lên giá và giới thiệu về bức ảnh mà bạn đang có.
Sau đó, địa điểm trung tâm thuyết trình bài học lại được chuyển xuống phía dưới lớp học ở góc trái. Rồi điểm thuyết trình lại chuyển sang cuối lớp góc bên phải... Lớp học được chia thành nhiều nhóm và học sinh nào cũng được tương tác với bài học, khiến các em rất hứng khởi, thoải mái, vui vẻ...
Kết thúc tiết học, chúng tôi hỏi một học sinh: "Giờ này con đói chưa? Con học có vui không?". Học sinh này nhoẻn miệng cười, vui vẻ trả lời: "Giờ học nào cũng vui lắm cô. Con và các bạn giơ tay để trả lời liên tục ạ".
Còn cô Đinh Thị Mai Thy cho biết dụng ý của cô trong việc bố trí lớp học với bốn góc đều có thể là bục giảng là nhằm "di chuyển đến từng bàn, từng nhóm học sinh. Trong tiết học, nhóm học sinh nào cũng được tham gia xây dựng bài học, để các em tập trung mà vẫn thoải mái thể hiện bản thân".
Theo cô Mai Thy, việc bố trí lớp học như vậy là một trong những điều mà cô cảm thấy được là chính mình, được sáng tạo, được hạnh phúc. "Đó là điều khác biệt mà tôi cảm nhận rõ ràng khi tôi đầu quân cho trường công" - cô Mai Thy chia sẻ.
Vì sao lựa chọn trường công?
Cô Đinh Thị Mai Thy mới đầu quân về Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm từ năm 2022, sau kỳ thi tuyển viên chức nhiều cam go. Sinh năm 1995, tốt nghiệp khoa giáo dục tiểu học Trường đại học Sài Gòn, cô có 4 năm làm việc tại một hệ thống trường tư thục quốc tế có tiếng ở TP.HCM với mức lương cao, đãi ngộ tốt.
Có cả bằng cấp tiếng Anh, nói tiếng Anh ổn, cô Mai Thy có nhiều cơ hội thăng tiến tại hệ thống trường tư này.
Nhưng vì sao cô lại lựa chọn "làm lại từ đầu" ở trường công lập với mức lương khởi điểm?
"Nhiều người cũng hỏi tôi câu hỏi này. Có nhiều lý do để tôi lựa chọn thi viên chức, trở thành giáo viên ở một trường công lập. Thực tình, trong những ngày làm việc ở trường tư, dù nhận lương cao nhưng tôi vẫn cảm thấy môi trường chưa phù hợp với tính cách và quan điểm nghề nghiệp của bản thân.
Tôi là người muốn có những giờ dạy sáng tạo, muốn có thể dạy các em học sinh nhiều về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam..." - cô Mai Thy tâm sự.
Hơn nữa, với cô, môi trường giáo dục công lập còn cho cô sự "ổn định" như lời ba mẹ và chị gái - cũng là những nhà giáo đi trước - mách bảo. Cô chia sẻ: "Ba mẹ cũng nói với tôi rằng trong môi trường giáo dục công lập, tôi sẽ hiểu hơn nhiều về các chiến lược phát triển giáo dục của Nhà nước.
Vì thế sẽ cho tôi những kinh nghiệm, kỹ năng để tôi làm tốt nhất vai trò người thầy, vai trò người giáo viên. Và tôi thực sự cũng rất muốn trải nghiệm, muốn sống với vai trò này tại một môi trường công lập".
Giờ đây, trải qua hai năm dạy học tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cô Mai Thy thấy những lý do để cô chọn dạy học ở trường công lập rất đúng đắn với bản thân: "Tôi cảm nhận rõ ràng những giúp đỡ của đồng nghiệp với một giáo viên trẻ như tôi. Tôi cảm nhận những giờ dạy hết mình với học sinh, được thỏa sức sáng tạo với các bài dạy.
Tôi đã hòa mình vào các công tác đoàn thể, kết nối với hệ thống giáo dục công lập, đưa học sinh đến với các bài học về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam... Tôi cũng được phụ huynh tin cậy gửi gắm học sinh. Vì thế, tôi cảm nhận sâu sắc về hạnh phúc trong vai trò người thầy như hiện nay".
"Sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong chuyên môn, trong các công tác khác... ở môi trường công lập thật đáng trân quý. Tôi cũng luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong công việc cho những đồng nghiệp khác để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau làm tốt vai trò của người thầy" - cô Mai Thy nói.
Quả ngọt đầu mùa
Sôi nổi, nhiệt tình, hăng hái say mê với công việc, cô Đinh Thị Mai Thy cùng các đồng nghiệp Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đoạt giải nhì trong hội thi "Cán bộ công chức, viên chức giỏi, thân thiện, sáng tạo trong cải cách hành chính, chuyển đổi số năm 2023" do UBND - Liên đoàn Lao động và Quận Đoàn quận 1 tổ chức hồi tháng 10-2023.
Với cô Mai Thy, đó là quả ngọt của sự hợp sức, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp, sự hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận