16/04/2017 17:53 GMT+7

​Lớp học nghĩa tình chốn thị thành

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Những đứa con thơ theo cha mẹ lang bạt rày đây mai đó, mưu sinh giữa Sài Gòn, bỗng một ngày được đến lớp học chữ dù không có giấy tờ tùy thân. "Đứng lớp” là những đoàn viên. Lớp đã duy trì suốt hai năm nay.

Lớp học chữ là nơi sẻ chia yêu thương của các bạn trẻ với gia đình những lao động nhập cư khó khăn - Ảnh: Ngọc Hiển
Lớp học chữ là nơi sẻ chia yêu thương của các bạn trẻ với gia đình những lao động nhập cư khó khăn - Ảnh: Ngọc Hiển

Như tên gọi, lớp học “chắp cánh ước mơ” của chi đoàn khu phố 2 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) vừa dạy chữ, vừa truyền ngọn lửa yêu thương, sẻ chia của những bạn trẻ thị thành với người lao động nhập cư vào TP.HCM.

Như một giấc mơ

Căn nhà nhỏ của chốt dân phòng khu phố 2 nằm sát con rạch Cầu Ván cứ đêm đến lại sáng đèn. Bên trong, sáu dãy bàn được kê ngay ngắn luôn chật kín học sinh. Các em là con anh thợ hồ, chú “thợ đụng”... có đứa cha mẹ “khước từ”, phải sống với ông bà đều cố gắng đến lớp mỗi ngày.

Tất cả các em đều có điểm chung: là dân ngoại tỉnh, không có giấy tờ tùy thân, chuyện học hành càng xa vời! Từ chỗ mù chữ, không biết đến sách vở là gì, bỗng một ngày các em được đến lớp, biết đọc, biết viết sành sỏi.

Nhiều phụ huynh các em xem lớp học này như một giấc mơ... Câu chuyện bắt đầu từ giữa năm 2015 khi thấy quá nhiều em theo cha mẹ đến trọ trên địa bàn nhưng không được đi học, chi đoàn và ban điều hành khu phố 2 đã mời những người lao động nhập cư tham gia một “hội nghị Diên Hồng” bàn về chuyện học.

Có người còn e ngại khoản tiền bạc, người lại sợ không duy trì được, rồi có phụ huynh lo con ham học bỏ luôn chuyện đi làm. Nhưng sau một hồi “bàn thảo”, tất cả đều giơ hai tay ủng hộ. Lớp học chữ ra đời liền sau đó ngay tại chốt dân phòng.

Những ngày đầu các bạn trẻ phải mượn bàn ghế, lắp bảng, lên giáo án rồi sắp lịch để 42 em đều có thể đi học. “Khi đó khó khăn lắm, lớp chỉ có 10m2, bàn ghế lại thiếu thốn. Sau này được đầu tư xây dựng mới, khang trang hơn nên dễ thở cho cả thầy và trò” - bạn Trương Huy Mân (bí thư chi đoàn khu phố 2) chia sẻ.

Cả chi đoàn có 13 đoàn viên tham gia giảng dạy, có người còn đi học, có người đã đi làm nên phải luân phiên nhau đứng lớp. Có những hôm các bạn bận đột xuất, ông Trần Văn Anh (phó ban điều hành khu phố 2) xắn tay ra dạy các em học chữ, làm toán.

Chính vì thế, chưa có buổi học nào các em phải nghỉ giữa chừng. Tuy chỉ là lớp học tình thương nhưng trong lớp vẫn có đầy đủ lớp trưởng, lớp phó phụ trách mảng, thể hiện tinh thần “Tiên học lễ, hậu học văn”, lễ phép chào thầy cô khi bước vào và khi tan học như ở trường chính quy. Mân cho biết làm như thế để các em có cảm giác đến trường thực sự và không cảm thấy tủi thân so với bạn bè đồng trang lứa.

“Mang ơn lớp dữ lắm”

Chập choạng tối, chị Nguyễn Thị Khéo (36 tuổi) lọc cọc đạp xe chở đứa con 7 tuổi Huỳnh Ngọc Như đến lớp khi bài giảng đã bắt đầu. Trên người vẫn còn mặc chiếc áo công nhân lấm lem, chị kể phải đạp xe hơn ba cây số từ công trường đến đây nên trễ giờ học. Ba tháng nay, chiều nào chị cũng đều đặn chở con đến lớp rồi chờ đến rước con về. Nhờ lớp học mà con chị bắt đầu quen với mặt chữ.

Chị Khéo quê ở đảo Hòn Sơn (Kiên Giang), kinh tế khó khăn nên hai vợ chồng biệt xứ lên Sài Gòn làm thợ hồ, sống “du mục” theo các công trình xây dựng suốt hai năm nay. Như đã 7 tuổi nhưng chưa học lớp nào bởi em chưa có giấy khai sinh. Hai vợ chồng cũng định chưa cho con đi học, phần sợ thủ tục, phần sợ đóng tiền...

Nghe người quen giới thiệu, Như được đưa vào lớp học ngay lập tức. “Nào giờ có biết trường lớp là gì đâu, giờ con được học miễn phí nên mừng lắm, hôm nào cũng phải chở cháu đi học chứ ở nhà là nó khóc miết” - chị Khéo kể.

Với nhiều gia đình khi lên Sài Gòn mưu sinh, kiếm miếng cơm đã vất vả trăm bề, huống chi nói đến chuyện ăn học đàng hoàng ở chốn thị thành. Họ đành chấp nhận để con “đói chữ” nhưng còn được no bữa cơm.

Chị Mai Thị Kiều (quê ở Ngã Năm, Sóc Trăng) cũng đắn đo như thế khi quyết định cho đứa con út của mình nghỉ học, dù ở quê em đã học xong lớp 1. Hai vợ chồng chị Kiều bán trái cây dạo ở Thủ Đức hơn một năm nay. Nhớ con, chị đưa con theo cùng nhưng cuộc sống túng thiếu nên cả hai đành bàn tính cho con thôi học.

Khi nghe có lớp học miễn phí, chị Kiều quyết định gửi con đến lớp. “Định cho nó dốt luôn rồi đó nhưng vẫn còn may có lớp này. Hổm rày thấy con vui mình cũng vui, mang ơn lớp dữ lắm” - chị Kiều bộc bạch.

Trong số các học sinh của lớp, em Lê Thị Trúc Mai (16 tuổi, quê ở miền Tây) là học sinh lớn tuổi nhất. Em cùng cha mẹ lên Sài Gòn bán vé số kiếm sống. Chiều chiều cứ sau giờ các đài xổ số, Mai lại đến lớp học chữ. Giờ em đã đọc thông, viết thạo không thua kém ai.

“Thêm một đứa được đi học, thêm một đứa được biết chữ là mình vun thêm một mầm xanh cho xã hội mà. Nhìn các cháu biết đọc, biết viết là vui lắm rồi, chẳng suy nghĩ gì nhiều” - ông Trần Văn Anh chia sẻ.

Bạn Trương Huy Mân, bí thư chi đoàn khu phố 2, cho biết học sinh được chia làm hai lớp theo độ tuổi. Các em từ 6-9 tuổi sẽ học lớp nhỏ vào các ngày thứ ba, năm, bảy để tập đọc, tập viết và làm tính cơ bản; độ tuổi từ 10-14 sẽ học các ngày còn lại với các kiến thức nâng cao. Chương trình học được sử dụng từ các bộ sách giáo khoa đang được dạy trong các trường tiểu học.

Theo ông Trần Văn Anh - phó ban điều hành khu phố 2, một số gia đình mới đến tạm trú ở địa phương, khi đưa con đến lớp học này đã được giới thiệu đến nhập học ở các trường tiểu học. Một số em sau khi tiếp thu kiến thức nền và bổ sung đầy đủ giấy tờ được giới thiệu tiếp tục học ở các trường tiểu học trên địa bàn.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên