Lớp học cá biệt của bà giáo về hưu

TRẦN MAI 08/12/2017 23:12 GMT+7

TTCT - “Bốn nhân không bằng mấy”, “Dạ bằng bốn”. “Sai rồi, bằng 0. Cô dặn rồi, số gì nhân với không cũng bằng không. Các em nhớ chưa?”. Cả lớp đồng thanh: “Dạ nhớ”. Thế rồi một lúc sau cũng câu hỏi ấy, bà giáo về hưu lại nhận được câu trả lời: “Dạ bằng bốn”.

Gia Khang, cậu học trò mới được bà Cúc kèm từng chữ. Ảnh: TRẦN MAI.
Gia Khang, cậu học trò mới được bà Cúc kèm từng chữ. Ảnh: TRẦN MAI.

 

Bà giáo về hưu ấy là Trương Thị Thu Cúc (64 tuổi, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Bà Cúc cười hiền: “Đây là lớp học lâu nhớ mau quên, mỗi bữa các em nhớ một xí là mừng rồi”.

Không sợ học trò cá biệt, chỉ sợ phụ huynh cá biệt

Khi lớp học đang diễn ra thì em Nguyễn Hữu Phát đứng dậy tuyên bố: “Thưa cô, em muốn đi vệ sinh”, bà chưa kịp ừ thì mọi sự đã quá muộn. Lớp học nồng nặc mùi, bà Cúc phải đi giải quyết “sự cố”.

Với bà Cúc, đây là chuyện thường ngày, bà chịu được, chỉ mong Phát đừng bỏ lớp. Bà Cúc cho biết tuy Phát đã là thiếu niên nhưng tâm hồn vẫn luôn là một đứa trẻ. Cậu bị bệnh Down, để có thể mang cậu tới lớp này và đánh vần được quả thật không phải chuyện dễ dàng.

Bà nhớ lần đến nhà xin cho Phát ra lớp: “Tôi phải quan sát kỹ lắm toàn bộ động thái của Phát và tâm sự với gia đình. Cuối cùng nhận được sự đồng ý vì phụ huynh thấy mình thành tâm. Đầu buổi học gia đình đưa tới, cuối buổi tôi chở Phát về nhà”.

Nhưng lớp này đâu chỉ có Phát, 11 học sinh trong lớp là chừng ấy câu chuyện khác nhau. Điểm chung duy nhất là các em ngờ nghệch, con gia đình hộ nghèo và cận nghèo, phần lớn cha mẹ làm ăn xa, để lại cho ông bà chăm dưỡng.

Ở lớp có cặp song sinh Nguyễn Thị Hồng Vang và Nguyễn Thị Hồng Diễm cùng bị thiểu năng trí tuệ. Vang và Diễm hiện học lớp 7, nhưng con chữ vẫn là điều xa vời với cô bé Vang. Cô bé có biệt danh “ba không” (không đánh vần được, không đọc được và không tính toán được), được “tạo điều kiện” cho học riêng và giáo trình riêng. Em được học đánh vần và cộng trừ cũng chỉ dừng lại ở hàng chục. Chỉ cần thêm một chữ số nữa là Vang bó tay.

Bà nói về hai chị em: “Diễm nay khá rồi, tính toán lanh lợi và cũng theo kịp chương trình ở trường, còn Vang rất chậm, hôm trước đánh vần được thì hôm sau lại quên. Mình ráng cực một tí, mong là cháu tiếp thu được tí nào hay tí đó”.

Còn học trò Tiêu Văn Lịch đã nghỉ học ở trường sau khi không vượt qua được năm học lớp 7, hiện theo học lớp của bà giáo Cúc, nói: “Cháu học để biết chữ, biết tính sau này đi làm công nhân”.

Lịch có một gia đình không thể khổ hơn: Mồ côi mẹ, ba đi làm công nhân nuôi cả nhà và lo tiền thuốc thang cho người bà đã ngoài 80. Gia đình cậu sống lay lắt dưới chân núi Đình Cương.

Bà Cúc cứ kể vanh vách từng hoàn cảnh, tiến triển học tập của từng em sau ba năm bà mở lớp học đặc biệt này. Bà không sợ học trò cá biệt, chỉ sợ phụ huynh cá biệt. Chuyện học hành của các em gần như bỏ ngỏ.

Như em Lê Trần Quang Thiện dù học lớp 6 rồi nhưng còn chưa thuộc bảng cửu chương. Bà Cúc phải cấp tốc cho cậu học bảng cửu chương và nhân chia cộng trừ. Hay như cậu bé Gia Khang dù đã 7 tuổi nhưng chẳng được đến trường, thế là bà Cúc phải đến mang em ra lớp của mình. Sau mấy tháng, Khang đã biết đọc, biết viết.

Bà giáo Cúc giảng bài cho các học trò nhiều “trình độ” của mình. -Ảnh: TRẦN MAI
Bà giáo Cúc giảng bài cho các học trò nhiều “trình độ” của mình. -Ảnh: TRẦN MAI



Cùng chơi, cùng học với trò

Dù chữ nghĩa còn khó khăn, nhưng điều đặc biệt là các em có ý thức rất tốt, không nói tục, chửi thề, không tranh giành, cãi nhau. Một bài toán đặt ra là ai cũng giơ tay đòi làm, nhưng phần lớn... trật lất. 3h chiều, bọn trẻ nhốn nháo đòi ra chơi, chỉ nhận được nụ cười của bà là cả lớp ào ra chia làm hai nhóm, bốn em nữ nhảy dây, đám học sinh nam thì quần lại chơi trò bắn dây thun.

Lớp học vốn dĩ là trụ sở cũ của UBND xã Hành Minh, nên bà Cúc phải chơi cùng trò để căn dặn, không cho các em ùa ra ngoài sân trơn trượt. Bà Cúc tâm sự: “Chơi với tụi nhỏ cũng vui lắm, tôi vừa chơi vừa tập cho các em nề nếp, bỏ dép đúng nơi, sách vở để đúng chỗ, chơi xong bỏ đồ chơi vào đúng nơi”.

Ai lần đầu vào lớp cũng bất ngờ. Trước khi kết thúc giờ ra chơi, bà Cúc đã vội viết lên bảng những bài toán khác nhau, phù hợp với từng học lực của trò.

Thế mà khi vào lớp các em vẫn nhốn nháo: “Cho em nhân hai chữ số thôi; cho em ba chữ số đi, hai dễ ẹt; cho em cộng thôi”, dù đã quen với chuyện này nhưng bà Cúc cũng rối trước từng yêu cầu. Cuối cùng, bà phải xóa hết và viết lại từng đề bài để chiều ý trò.

Ở xứ sở lũ về thường xuyên này, dòng nước có thể tàn phá tất cả nhưng yêu thương vẫn còn nguyên vẹn nơi lớp học của bà giáo.

Bà bảo rằng tuổi thanh xuân bà gửi bài giảng ở những nơi khó khăn nhất của huyện, vậy mà chưa có nơi nào cực như ở lớp học này. Bà phải đến từng bàn chỉ dẫn từng học trò. Khi ai đó tự làm đúng bài, bà Cúc ôm lấy mừng rỡ cùng với lời tán dương.

Đáp lại, bọn trẻ nở nụ cười, đôi khi hét toáng lên: “Con giỏi. Cô Cúc thấy con chưa”. Những lần như vậy, đôi mắt bà giáo già ngấn lệ. “Ba năm tôi mở lớp, thấy em nào tiến bộ là hạnh phúc lắm. Tôi cũng được tiếp thêm động lực để duy trì lớp đến giờ” - bà Cúc tâm sự.

Cơn mưa đổ xuống ầm ầm, lớp học nghỉ sớm hơn dự kiến mười lăm phút vì không nhìn rõ mặt chữ nữa. Trước giờ ra về, bà Cúc lấy gạch kê lại chân hai bàn học vừa gãy đi một đoạn vì mục. Để duy trì lớp học này, bà Cúc phải đi vận động học trò cũ, rồi mạnh thường quân góp tiền mua tập vở và một số vật dụng cho lớp học, rồi xe đạp...

Đôi khi bà tự bỏ tiền túi mua sách cho trò khi em nào đó đường từ lớp về nhà “bỏ quên” cặp mà không nhớ. “Có em dù nghỉ học ở trường nhưng vẫn đến lớp tôi. Ở đây dạy chữ là một phần thôi, tôi còn dạy các em kỹ năng sống, tự bảo vệ mình.

Chứ tụi nhỏ vậy, chẳng may bị lừa phỉnh hay xâm hại tình dục thì đau lòng lắm” - bà Cúc bày tỏ. Có lẽ chính vì những yêu thương ấy mà bà Cúc đã xem nét mặt của từng em khi đến lớp để kịp hỏi thăm, an ủi khi chúng có biểu hiện buồn.

Còn bọn trẻ thì chuyện lớn nhỏ gì cũng nói cho bà biết. Có lần nhà Lịch hết gạo, cậu bé không đi học một ngày, bà đã tìm đến nhà lật xoong ra xem rồi mua gạo, mua thịt mang đến cho tổ ấm cheo neo của cậu.

Bà giáo Cúc trong giờ ra chơi cùng những học trò ngây ngô của mình. -Ảnh: TRẦN MAI
Bà giáo Cúc trong giờ ra chơi cùng những học trò ngây ngô của mình. -Ảnh: TRẦN MAI

 

Yêu thương không giới hạn

Dù mệt mỏi hay đau ốm gì thì trước 13h30 thứ hai, tư, sáu, bà giáo già phải có mặt ở lớp học trước khi trò đến. Bà vẫn nhớ cách đây đúng một năm, cô học trò nhỏ trong lớp đã đi lạc vào tận xã Hành Thịnh cách lớp cả chục cây số.

May sao trong cơn mưa lúc nhá nhem tối, có vợ chồng đi làm rẫy về phát hiện và mang cháu tới “trả” cho bà. “Hôm đó tôi mang áo mưa chạy đi tìm, khi tính nhờ huyện thông báo trên đài phát thanh tìm kiếm thì cháu được dẫn về. Từ đó, tôi không bao giờ dám đến lớp muộn nữa” - bà Cúc trải lòng.

Tấm lòng của bà Cúc đã làm ấm bao trái tim người dân chốn làng quê này, từ đầu chợ đến cuối làng chẳng ai không biết lớp học. Họ gọi nơi ấy yêu thương không giới hạn. Chị Trương Thị Thương, bán rau gần lớp học, chia sẻ: “Nhìn lũ trẻ, chẳng ai nghĩ có thể dạy nổi.

Cô Cúc đúng là bồ tát sống”. Ngồi tâm sự cùng bà Cúc khi bọn trẻ rời lớp được 20 phút, nhưng bà cứ lấy điện thoại gọi đến từng nhà hỏi xem bọn nhỏ về chưa mới an tâm.

Anh Nguyễn Xuân Vinh, cha của Vang và Diễm, nói về hai con gái: “Làm cha làm mẹ, có lẽ nỗi đau lớn nhất là nhìn những đứa con của mình chỉ lớn tuổi mà tâm hồn chẳng chút thay đổi gì”.

Anh Vinh từng là học trò của bà Cúc, giờ bà lại trở thành cô giáo đặc biệt của con mình, chẳng biết lấy gì cảm ơn, chỉ nói đơn giản: “Cô Cúc đã gánh lấy phần cực khổ nhất của vợ chồng tôi. Mỗi lần từ lớp về thấy hai đứa đọc cho nghe bài thơ thôi mà mừng rớt nước mắt”.

Còn bà giáo già mong rằng sẽ vận động trong hội cựu giáo chức - nơi bà được tín nhiệm làm chủ tịch hội - thêm những nhà giáo già chia lớp ra cùng mình giảng dạy để các cháu tiến bộ hơn. Và món quà lớn nhất của bà có lẽ là câu nói ngọng nghịu của Gia Khang: “Con thích học lớp cô Cúc lắm. Cô Cúc hiền. Cô Cúc thương con...”.■

Ông Bùi Đình Thời, phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, chia sẻ: “Lòng yêu thương của cô giáo Cúc thật sự là quá lớn lao, chẳng biết từ gì để diễn tả. Cứ hình dung dạy một đứa trẻ bình thường đã khó khăn, vậy mà cô phải dạy một lúc đến mười một cháu hết sức đặc biệt. Nói thật, tôi từng không tin rằng các cháu sẽ ngoan. Vậy mà giờ lâu lâu vào thăm lớp, tôi thấy bọn trẻ lễ phép vòng tay chào hết sức bất ngờ. Công lao của cô Cúc dù thầm lặng nhưng quá ý nghĩa với cuộc đời này”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận