Người thầy đứng lớp là VĐV khuyết tật nổi tiếng: anh Võ Huỳnh Anh Khoa.
“Em tên Nguyễn Bích Liên, năm nay 19 tuổi. Em học bơi được ba tháng và đã biết bơi sải”. Mắc chứng tâm thần phân liệt từ nhỏ nhưng Bích Liên trả lời rành mạch và dạn dĩ như thế khi được hỏi về bản thân.
Tiến bộ từng ngày nhờ học bơi
Không chỉ Bích Liên, hầu hết học viên trong lớp bơi đặc biệt dành cho người mắc hội chứng Down hoặc bệnh tâm thần ở hồ Yết Kiêu đều tự tin như thế. Ông Nguyễn Thượng Chí, ba của Bích Liên, nói lớp học bơi đã rèn nên rất nhiều kỹ năng sinh tồn bổ ích cho các em mắc hội chứng Down hoặc bệnh tâm thần.
Bên cạnh ông Nguyễn Thượng Chí, đôi mắt của người mẹ Trần Thị Mỹ Hạnh ánh lên niềm hạnh phúc khi chăm chú quan sát cậu con trai 30 tuổi của mình chập chững đi dưới nước. Bà Mỹ Hạnh chia sẻ: “Suốt 30 năm trời chăm sóc con, chưa bao giờ tôi thấy thanh thản như lúc này bởi từ ngày tôi cho cháu đi chơi thể thao, con tôi đã bắt đầu biết tự lo cho bản thân”.
Bà Mỹ Hạnh cho biết Hoàng Vũ, con trai bà, mắc bệnh tự kỷ nặng từ nhỏ. Cho con đi học tại trường dạy trẻ khuyết tật đến năm 20 tuổi, vì một sự cố mà bà buộc phải ngưng việc học của Vũ. 10 năm trời Vũ thui thủi ở nhà cũng là 10 năm cuộc sống của cha mẹ anh trở nên cực nhọc hơn bao giờ hết. Bà Mỹ Hạnh kể: “Con tôi vốn dĩ đã tự kỷ, ngồi lì ở nhà càng khiến bản tính cháu khó chịu và gặp nhiều khó khăn hơn trong sinh hoạt. Gần như cháu không thể làm bất cứ chuyện gì và tay chân luôn cứng đơ”.
Nhưng rồi cuộc sống của Hoàng Vũ bước sang một trang khác khi mẹ Vũ nghe theo nhiều lời khuyên đã đưa Vũ đến với lớp dạy võ aikido của cô Nguyễn Thị Thanh Loan, nữ võ sư giàu lòng nhân ái nổi tiếng với các lớp dạy võ cho trẻ em khuyết tật. Sau một thời gian, cô Thanh Loan khuyên bà Mỹ Hạnh đưa con trai sang học thêm lớp bơi ở hồ Yết Kiêu.
“Từ khi chơi thể thao, con tôi ngày càng dạn dĩ, tự tin. Không chỉ vậy, bây giờ cháu còn quen dần với nhiều kỹ năng hoạt động tay chân. Trước đây tôi rất khó khăn khi phải tắm rửa cho con vì cháu ngồi lì và còn sợ nước. Nhưng bây giờ cháu gần như có thể tự tắm cho mình nhờ tay chân dẻo dai hẳn ra, thêm vào đó là phụ nhiều việc lặt vặt trong nhà. Quan trọng nhất là tâm lý của cháu bây giờ rất ổn định, không còn lên cơn như trước kia” - bà Mỹ Hạnh cho biết thêm.
"Ai thương trò hơn thầy Khoa?"
Đưa con em mình đến với lớp học bơi và chứng kiến các em phát triển, mạnh khỏe hơn từng ngày, câu chuyện nghe thật dễ dàng nhưng chỉ có nỗi lòng những người cha người mẹ mới thấu hiểu, đó là cả một sự trần ai đối với người thầy.
Anh Võ Huỳnh Anh Khoa là VĐV bơi tài năng của làng thể thao khuyết tật VN, từng hai lần giành HCV bơi lội tại Giải vô địch thể thao người khuyết tật châu Á (Asian Para Games). Còn với học viên ở đây, anh vừa là một người thầy, một người anh thân thiết.
Ông Nguyễn Anh Bình, ba của Nguyễn Lê Thiên Phúc (16 tuổi, mắc hội chứng Down), cho biết: “16 năm trời chăm sóc con, tôi rất lo lắng mỗi khi cháu tiếp xúc người lạ vì sợ sự khó chịu, hung dữ của cháu sẽ làm họ bực mình. Nhưng sự lo lắng của tôi hoàn toàn tan biến mỗi khi cháu tiếp xúc với thầy Khoa”.
Việc những bệnh nhân tâm lý luôn bất ổn, thường giận dữ, phản ứng mỗi khi sợ hãi (thường là sợ nước) như Bích Liên, Thiên Phúc giờ đây đã có thể bình tĩnh thở nước, chập chững bơi lội là nhờ vào sự kiên nhẫn, tận tâm của thầy Khoa. Ông Anh Bình chia sẻ: “Nhìn thầy Khoa đối xử, dạy dỗ con tôi một cách ân cần, nhẫn nại, tôi thật sự vô cùng ngạc nhiên. Có lẽ điều đó còn đến từ sự đồng cảm của những người cùng không được tạo hóa ban sự công bằng. Sau vợ chồng tôi và cô Loan, các thầy dạy bơi ở đây là những người đối xử với con tôi tốt nhất”.
Đáng trân trọng hơn, anh Khoa mở lớp dạy bơi này miễn phí. Võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan, trưởng bộ môn aikido của Hội Võ thuật khiếm thị TP.HCM, cho biết cách đây gần một năm bà có ý định cho các em mắc hội chứng Down học bơi để rèn thêm kỹ năng sinh hoạt và vượt qua nỗi sợ nước. Nhờ giới thiệu của ông Chung Tấn Phong - tổng thư ký Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM và cũng là giám đốc Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu, cô Thanh Loan tìm gặp được anh Khoa, người hiện là cộng tác viên huấn luyện bơi của trung tâm. Lớp học bơi dành cho người mắc hội chứng Down ra đời từ đó.
[box]"Tôi dạy bơi hoàn toàn miễn phí vì các em cũng là người khuyết tật như tôi, nhưng còn bất hạnh hơn nhiều"
HLV Võ Huỳnh Anh Khoa[/box]
[box]Lớp học của những người thầy tận tâm
Ngoài HLV Võ Huỳnh Anh Khoa, lớp học bơi còn có HLV Lương Minh Đăng. Nhờ sự tận tâm, thái độ đồng cảm của thầy Khoa, thầy Đăng mà lớp học bơi đặc biệt này giờ đây trở thành một nơi sinh hoạt lý tưởng cho các em mắc hội chứng Down. Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, nếu cách đây vài tháng chuyện các em sợ hãi, vẫy vùng và nằng nặc đòi rời khỏi hồ nước xảy ra thường xuyên thì giờ đây lớp học với hơn 10 học viên này diễn ra thật yên bình và hầu hết các em đều luôn nở nụ cười trên môi.
Ông Mạc Văn Mỹ, ba của anh Mạc Đăng Mừng (26 tuổi, mắc hội chứng Down), cho biết: “Nhiều năm chăm sóc con, tôi nghiên cứu nhiều tài liệu nước ngoài và biết rằng việc sinh hoạt trong một cộng đồng những người cùng hoàn cảnh, thêm vào đó là sự chăm sóc tận tâm của người thầy, người cô sẽ giúp tâm lý trẻ mắc hội chứng Down cải thiện rất nhiều”.Trong lớp học bơi này, anh Mạc Đăng Mừng có thể được xem như học viên tài năng nhất khi đã biết bơi khá rành và luôn giữ thái độ bình tĩnh. Ông Mỹ hạnh phúc cho biết thời gian tới con trai ông sẽ được Đại học Sư phạm TP.HCM cấp chứng chỉ tin học loại A sau khi Đăng Mừng đậu khóa thi vừa qua.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận