Hoàn thành chương trình phổ thông, do gia đình khó khăn nên Sari (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) phải nghỉ học để đi làm công nhân cắt chỉ. Sau một thời gian nung nấu ước mơ, Sari quyết định đi học cử nhân tại Trường đại học Hùng Vương với chuyên ngành ngôn ngữ Anh.
Cô trò cùng cảnh ngộ
Vào năm 2007, cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Sari bén duyên với đội bơi lội khuyết tật Việt Nam. Từ đó, ngoài tập luyện thể thao thi đấu cho đội tuyển quốc gia, chị còn đi làm tại trung tâm ngoại ngữ và dạy học miễn phí cho trẻ em khó khăn bị mất căn bản tiếng Anh ở quê nhà.
Lớp học của chị Sari ở xã Phước Đông (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) có diện tích khoảng 10m2 nhưng luôn rộn rã tiếng cười và những bài học ý nghĩa.
Chị Sari cho biết dạy học vừa giúp các bé có thêm kiến thức, chị vừa có thể tự ôn luyện cho bản thân.
Cứ đúng vào tối thứ bảy, chủ nhật và thứ hai (từ 17h45 - 19h30) hằng tuần, lớp học 0 đồng của chị lại sáng đèn. Cứ thế đều đặn gần bảy năm qua, chị đã dạy cho hơn 100 em nhỏ khó khăn trong và ngoài xã. Ngoài dạy tiếng Anh, chị Sari còn kèm thêm toán, ngữ văn cho các bé từ cấp tiểu học đến THPT.
"Tôi từng là học trò mất căn bản tiếng Anh, khá lo sợ cảm giác lên lớp mà không hiểu bài và cũng không có tiền để đi học thêm.
Hiểu được tình cảnh này nên tôi quyết định nhận dạy học cho các bé, vừa giúp các bé ôn luyện kiến thức vừa giúp bản thân thỏa được ước mơ.
Các bé học ở đây đa số là con của cô chú bán rau, bán cá, mua ve chai trong xóm. Có những em ở huyện, xã khác cũng đến để học" - chị Sari nói.
Hạnh phúc khi nghe tiếng "cô"
Sari cho biết chị chỉ học cử nhân, không học riêng về nghiệp vụ sư phạm, việc mở lớp dạy học cho các em xuất phát từ ước mơ của chị nên khi nghe các em gọi bằng "cô giáo" thì chị hạnh phúc vô cùng.
"Các bé đến lớp đều chủ động sắp xếp bàn ghế, chờ tôi dạy học. Lớp học cũng không có phương tiện hiện đại gì, chỉ có tấm bảng và bộ bàn ghế, giáo án toàn bộ do tôi dạy theo hiểu biết của mình là chính" - chị Sari bộc bạch.
Để có thể cân bằng giữa việc đi thi đấu thể thao và dạy học, Sari cho biết chị phải xin chỗ làm cho về sớm để có thể dạy học cho các bé. Ngoài ra, chị dành 1-2 buổi sáng trong tuần để đi đến hồ bơi luyện tập, những ngày còn lại chị tự tập thể lực ở nhà.
Em Cao Ngọc Minh Châu (học sinh lớp 9 Trường THCS thị trấn Cần Đước, tỉnh Long An) cho biết:
"Ba mẹ em bán cá ở chợ, được bà giới thiệu nên em xin đến học ở lớp cô Sari cũng đã được một năm, cô không có lấy tiền. Cô đã củng cố phần ngữ pháp và chỉ lại cho em những phần học trong trường mà em chưa hiểu, cho em các mẹo để nhớ bài dễ hơn".
Được học lớp cô Sari từ nhỏ, hiện là sinh viên năm 3 ngành quản trị khách sạn và khu du lịch (Trường đại học Văn Hiến), em Văn Huỳnh Như mỗi lần về quê vẫn hay ghé lớp học để nhờ cô chỉ thêm kiến thức.
Huỳnh Như chia sẻ: "Tôi học cô Sari từ năm lớp 8 đến lớp 11, tôi thấy thích và muốn học hỏi nhiều thêm từ cô. Cô Sari rất tận tâm, phần nào tôi không hiểu cô sẽ từ tốn giải thích lại để nắm rõ ý đó.
Khi đi học đại học, tôi nhận ra môn tiếng Anh rất quan trọng với tất cả mọi người, riêng ngành của tôi là ngành quản trị khách sạn thì tiếng Anh rất cần thiết, nhờ cô mà tôi có được kiến thức nền chắc chắn".
Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh
Đại diện UBND xã Phước Đông (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) xác nhận tại địa phương có lớp học 0 đồng do chị Sari giảng dạy. Vị này cho biết thêm chị Sari là người có ý chí, nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.
Vận động viên khuyết tật xuất sắc
Nguyễn Thị Sari là thành viên kỳ cựu của đội tuyển bơi lội người khuyết tật Việt Nam. Tính đến nay chị đoạt 26 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 1 huy chương đồng khi thi đấu cho đội tuyển quốc gia.
Tại các kỳ thi ASEAN Para Games, chị đoạt được tổng cộng 5 huy chương vàng, 10 huy chương bạc, 4 huy chương đồng. Đặc biệt trong kỳ ASEAN Para Games 2009, với 3 huy chương vàng đoạt được, chị được bầu chọn danh hiệu "Vận động viên xuất sắc nhất".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận