Một phụ huynh ở Hà Nội bối rối trước thị trường sách tham khảo khi đi mua sách cho con vào lớp 1 - Ảnh: MAI THƯƠNG
Cô Nguyễn Thị Thu Vân, khối trưởng khối 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM), giải thích: "Đa số phụ huynh tìm mua sách tham khảo môn Tiếng Việt lớp 1 là chủ yếu. Tuy nhiên, riêng môn Tiếng Việt thì số lượng từ, chữ trong sách giáo khoa (SGK) đã nhiều rồi".
Quá sức với trẻ 6 tuổi
Cô Vân cho biết thêm: "Ở lớp, giáo viên đã giảng bài và cho học sinh rèn luyện thêm trong vở bài tập. Khi về nhà, chỉ cần phụ huynh cho con em mình ôn lại bài đã học trong SGK bằng cách đọc - viết những âm, vần đã học là đủ, không cần phải học thêm ở sách tham khảo nữa. Học sinh lớp 1 mới đi học được vài tuần mà phải học trong SGK, vở bài tập rồi lại sách tham khảo nữa thì quá sức với trẻ 6 tuổi".
Trong khi đó, mặc dù không phủ nhận lợi ích của sách tham khảo nhưng GS.TS Phạm Tất Dong, phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng "lớp 1 thì không cần sách tham khảo". Ông cho rằng lớp 1 chỉ học để đọc thông viết thạo, học cộng trừ cơ bản thì không cần sách tham khảo.
"Hình thức đưa sách tham khảo vào nhà trường giống như kiểu "bia kèm lạc" chỉ là lợi dụng lòng tin của phụ huynh để thu lợi. Điều này cũng có thể đặt dấu hỏi về chuyện doanh nghiệp có thù lao cho nhà trường để giới thiệu cho phụ huynh mua sách" - GS Dong nói.
Xây dựng tủ sách dùng chung: tại sao không?
Theo GS Phạm Tất Dong, sách tham khảo có thể cần cho giáo viên, học sinh ở các bậc học trên, tùy theo nội dung học tập. Nhưng ở bậc phổ thông nên xây dựng thư viện, tủ sách dùng chung trong nhà trường cho giáo viên, học sinh.
Ông Dong cũng cho rằng ở thời đại hiện nay cần hướng tới việc xây dựng nguồn học liệu được số hóa sử dụng trong các nhà trường. Và giáo viên cần có định hướng cho học sinh biết cách khai thác nguồn học liệu hiệu quả để mở rộng phạm vi kiến thức, rèn luyện các kỹ năng cần thiết.
Trao đổi về vấn đề sách tham khảo, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng bộ đã có quy định rõ về đưa sách tham khảo vào trong nhà trường, bao gồm cả trường tiểu học và trung học.
Theo đó, căn cứ vào chương trình giáo dục, yêu cầu dạy học cụ thể, giáo viên thảo luận trong tổ bộ môn để đề xuất danh sách sách tham khảo với hiệu trưởng nhà trường. Các nhà trường chủ động mua sách tham khảo theo danh mục đã được đề xuất của các tổ bộ môn để đưa vào thư viện, tủ sách dùng chung cho giáo viên, học sinh sử dụng tham khảo.
Bộ GD-ĐT cho phép giáo viên chủ động sử dụng các ngữ liệu, tài liệu đa dạng để thiết kế bài giảng, tổ chức dạy học trong khuôn khổ quy định của chương trình, yêu cầu cần đạt của môn học.
Nhưng theo ông Thành, giáo viên không được dạy kiến thức nâng cao từ sách tham khảo hoặc ra bài tập về nhà có trong sách tham khảo để yêu cầu phụ huynh mua sách. Giáo viên cũng không được sử dụng nội dung sách tham khảo vượt quá yêu cầu của chương trình để đánh giá học sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, quy định đã có nên các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, cụ thể là sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT, phải cùng có trách nhiệm kiểm tra, quản lý, xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh: "Nhà trường và giáo viên tiểu học không được giới thiệu sách tham khảo cho phụ huynh. Sở sẽ có kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng này trong thời gian tới".
Sách giáo khoa là đủ
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng với học sinh tiểu học thì chỉ cần SGK là đủ, không nên bắt trẻ dùng thêm các loại sách tham khảo.
"Nếu nhà trường gợi ý, bắt buộc học sinh lớp 1 mua sách tham khảo là không thể được" - ông Nhĩ bày tỏ quan điểm. Còn theo GS Nguyễn Lân Dũng thì ở nước ngoài, sách tham khảo cũng có nhiều nhưng thường để cho giáo viên dùng nhằm thiết kế nội dung dạy học phong phú chứ không gợi ý học sinh phải mua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận