Lòng vị tha là căn nền của mọi tồn tại xã hội

LÊ MINH PHONG 23/01/2018 23:01 GMT+7

TTCT - Chúng ta không thể thấy được tương lai nhưng chúng ta, mỗi người đều có cách để mường tượng về tương lai của riêng mình.

Bìa sách
Bìa sách

 

Tương lai của chúng ta sẽ thế nào sau 20 hay 60 năm hoặc có thể xa hơn nữa? Liệu tương lai của chúng ta có giống như những gì chúng ta được thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hay không?

So với khởi nguyên thì xã hội ngày nay đã biến đổi theo những chiều hướng dường như không thể kiểm soát được. Sự biến đổi này có căn nguyên từ việc con người luôn khát khao cái mới, luôn hướng tới tính hiện đại trong không/thời gian mà mình lưu trú.

Hướng tới tính hiện đại và tạo ra cái mới đã xảy ra trong lịch sử loài người như thế nào? Cái mới có thực sự đồng nghĩa với sự phát triển hay không?

Những ai là kẻ tụng ca cái mới và những thế lực nào đã từng ngăn chặn cái mới ra đời vì sợ hãi cái mới như sợ hãi trước những mầm mống của tự do? Có thể tìm thấy một cách trả lời trong công trình Lịch sử của tính hiện đại của Jacques Attali (*).

Với lập luận chặt chẽ, dẫn chứng sinh động, văn phóng sáng rõ, lối dẫn dắt đầy lôi cuốn, Lịch sử của tính hiện đại là một bức tranh toàn cảnh về con đường mà tính hiện đại đã đi qua trong lịch sử phát triển của loài người.

Những quan niệm, những quy chuẩn, những cấm kỵ, những quy luật tưởng đã vững như bàn thạch trong lịch sử luôn bị rạn nứt trước những tư tưởng và những hành động hướng tới xác lập tính hiện đại. Nói đúng hơn, tính hiện đại chính là những thay đổi của các quan niệm sống không bao giờ tĩnh tại.

Để tính hiện đại luôn được xác lập trong mỗi thời kỳ lịch sử, trong từng nền văn minh khác nhau thì vai trò của lý trí là rất to lớn. Lý trí đã giải thoát con người khỏi những quyền uy của thần giáo, những đám mây mù của tín ngưỡng.

Tính hiện đại của lý trí mở ra một thời kỳ đầy ánh sáng để loài người tin vào sự tiến bộ của khoa học, thị trường và tự do. Lý trí đã mở ra những cuộc cách mạng lớn như cách mạng công nghiệp ở Anh, cách mạng giành độc lập của Mỹ, cách mạng chính trị ở Pháp.

Dĩ nhiên, ngày nay, trong thời hậu hiện đại, thì lý trí lại bị chính con người hoài nghi để bước vào những tính hiện đại đang còn là khả thể.

Với Lịch sử của tính hiện đại, Jacques Attali đã phục dựng, khái quát nên diện mạo của tính hiện đại qua từng nền văn minh khác nhau, qua các không gian văn hóa khác nhau, những ngôn ngữ khác nhau, và qua nhiều thời đại khác nhau.

Tiến trình đó cho chúng ta thấy rằng con người từ lúc biết tư duy đã không ngừng mơ mộng. Mơ mộng, tưởng tượng chính là vũ khí để con người chiến thắng những thế lực bảo thủ, phản động, những thế lực sợ hãi mọi sự thay đổi có thể phá vỡ lợi ích của chúng.

Cuốn sách cũng cho ta thấy sự tiến bộ và biến đổi của mọi giá trị, sự va đập của các hệ thống chính trị, các nền kinh tế, những thắng lợi và những thất bại tạm thời của tính hiện đại trong từng thời kỳ lịch sử của nó.

Đặc biệt, cuốn sách cũng chỉ ra những biến đổi tưởng như nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày như cách ăn mặc, đi lại, giải trí, tán tụng, yêu đương, ve vãn... lại chính là mầm mống của sự biến đổi trong các tư tưởng lớn.

Để vươn tới tính hiện đại, để cái mới hình thành thì luôn phải có những kẻ mở đường. Kẻ mở đường thường là những kẻ tinh hoa, kẻ dám vì cái mới mà sẵn sàng gánh chịu mọi tổn thất về mình, kể cả hi sinh tính mạng.

Trong thời kỳ huy hoàng của lý trí, người ta đã vững tin vào một thế giới ổn định và hợp nhất, nhưng hiện tại, mọi thứ đã trở nên xô lệch. Giấc mơ về một thế giới đại đồng đã vụn nát. Con người đang đối diện với một thế giới đa cực và ngầm ẩn những rủi ro không thể lường trước.

Và để an ủi, Jacques Attali cho rằng: “Theo tôi, chỉ một thứ duy nhất, lòng vị tha là có thể cùng một lúc bảo tồn cho loài người bản tính, tinh thần sáng tạo và tự do của nó, và lập dự án cho tương lai lâu dài. Con đường đến đó rất hẹp. Hẹp ghê người”.

Cuốn sách khép lại bằng việc mở ra bảy loại tương lai khả thể của tính hiện đại. Trong bảy bức tranh về tương lai của tính hiện đại mà Jacques Attali dự phóng, thì tính hiện đại cải biến hay tính hiện đại của chủ nghĩa vị tha có vẻ như chứa đựng hết mọi niềm lạc quan của tác giả khi nó lấy lòng vị tha làm thành căn nền của mọi tồn tại xã hội.■

(*): Lịch sử của tính hiện đại, tác giả Jacques Attali, Hiếu Tân chuyển ngữ, NXB Tri Thức, 2017.

Jacques Attali sinh năm 1943 tại Algeria, là nhà kinh tế học và nhà văn Pháp, cố vấn cao cấp của tổng thống Pháp François Mitterrand (giai đoạn 1981-1991), người sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), và là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất ở Pháp. Jacques Attali đã biên soạn và sáng tác hơn 70 đầu sách, gồm nhiều tiểu luận, tiểu thuyết, kịch, tiểu sử, hồi ký, truyện kể cho trẻ em. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Năm 2009, Foreign Policy bình chọn ông là 100 nhà tư tưởng tầm vóc toàn cầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận