Trở về từ một chuyến đi từ thiện, trên một trang cá nhân thấy tràn một nỗi uất ức khi kể về hai ông bà cụ nhận bao thư mà không biết cảm ơn, và gần như giật lấy bao thư trên tay người trao.
Tấm hình hai người cũng được đưa lên. Nhìn ảnh thì thấy ông bà cụ cười móm mém dễ thương, trông kiểu cười hiền lành chất phác. Facebook của người nổi tiếng nên nhiều người quan tâm, chia sẻ. Tôi tò mò đọc thêm các comment (bình luận), thấy các ý kiến tựu trung ta thán về những điều mọi người không muốn gặp phải khi “đi làm từ thiện”:
Lòng tốt bị phung phí; Hãy bình tĩnh, thận trọng để đặt lòng tin đúng chỗ; Đừng ngu dại trao lòng tốt nhầm người; Làm từ thiện đi đến tận nơi mà vẫn bị lầm. Các bình luận cũng không quên chỉ trích “thái độ” của người nhận: Bần cùng sinh đạo tặc; Cái xã hội này dường như con người quên nhân, nghĩa, lễ, trí, tín...
Câu chuyện cho và nhận cuối cùng rồi cũng được mổ xẻ để đưa đến một kết luận tưởng như rất rõ ràng, rằng nếu “của cho không quý bằng cách cho”, nếu đã đòi hỏi phải biết cách cho thì người nhận phải biết cách nhận!
Nỗi uất ức đó của người “đi cho” được nhiều người coi như một sự tỉnh táo, nhưng tôi biết có nhiều người đọc những phán xét quanh một cảnh nghèo mà không khỏi đau lòng, chọn cách im lặng và thôi thì tránh nhìn vào những tấm ảnh khiến mình thêm đau xót nhiều nỗi.
Càng ngày càng nhiều người làm từ thiện, tay xách nách mang tìm đến những cảnh đời để trao tận tay những món quà quyên góp được. Nhưng “Cho như thế nào?” là một câu hỏi cần được tự vấn từ chính những người trao tặng quà.
Một chút thiếu tế nhị ở người trao có thể gây nên một sự mủi lòng ở người nhận. Một tâm thế ban ơn chỉ có thể đem lại niềm vui ảo cho chính người tưởng mình mang đến niềm vui.
Xung quanh những câu chuyện “chướng tai gai mắt” của đợt lũ vừa rồi, câu chuyện dân nhận cứu trợ 2 triệu bị thôn thu 60.000 đồng cũng dấy một “cơn buồn” trên các status.
Tôi lại chẳng buồn mấy vì hiểu những trường hợp thế này chưa đến một phần triệu, không sao cả, bởi thôn làm như thế tại thôn quá nghèo và quá đói, mà chúng ta chẳng phải đang đi giúp những người đói nghèo đó sao?
Đi từ thiện nhiều, dường như tháng nào cũng đi, đã khoan 21 cái giếng, hơn 20 lần dừng chân ở Đắk Lắk, Kon Tum, hơn chục lần Hà Tĩnh, hơn chục lần Quảng Trị, Lào Cai, vùng ven Đông Giang, Tây Giang, vùng khô nước Ninh Thuận..., chưa bao giờ tôi gặp khó khăn về chính quyền, thậm chí họ hỗ trợ rất tốt, có lần lạc sâu trong núi còn được các bạn biên phòng lấy xe câu ra... Nên đã tự nguyện tiến vào vùng nghèo thì không nên trách móc cái nghèo, vì cái nghèo sinh ra nhiều vấn đề lắm. Ta ngồi đây ăn ngon mặc đẹp thì làm sao ta hiểu được cái nghèo, thế nên ta mới đi.
Tôi tin những ai đã đi nhiều thì sẽ hiểu cái nghèo, đã hiểu rồi thì không bao giờ than trách. Nên, xin đừng ai vì những cơn giận nhỏ chưa suy xét của mình mà làm chùn bước nhiều người chuẩn bị trở thành người tốt.
Tôi tin lòng tốt không bao giờ bị phung phí và giá trị của món quà không nằm trong món quà, mà chính là trong tấm lòng trao tặng. Nếu ta thích cho, hãy cho khi tâm mình an. Lúc ta cho là lúc ta nhận.
Ta nhận được gì? Đó là món quà tinh thần, như một câu khuyết danh “món quà tinh thần khác với món quà vật chất ở chỗ càng cho đi thì bạn lại càng giàu có”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận