Lòng tin và ngành y tế

TRẦN KHUÊ 05/08/2013 19:08 GMT+7

TTCT - Mối quan hệ giữa chủ thể “dân” và định chế xã hội thường mang tính bất cân xứng vì chủ thể “dân” thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu tài lực, bị hạn chế và lệ thuộc vào định chế xã hội. Vậy làm thế nào để cân bằng?


Xây dựng hay làm xói mòn niềm tin đều phụ thuộc vào sự chủ động “tận tâm phục vụ” của nhân viên y tế. Trong ảnh: phòng cấp cứu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

Không đâu thể hiện “tình trạng lòng tin” rõ nét hơn ngành y tế bởi đặc thù tự nhiên của mối quan hệ bất cân xứng giữa người bệnh (chủ thể dân) và người cung cấp dịch vụ y tế (định chế xã hội). 

Trong đó, bên cung cấp dịch vụ y tế nắm ưu thế vượt trội về chuyên môn, cơ sở vật chất, quyền tiếp nhận điều trị, quyền định đoạt chất lượng dịch vụ dành cho chủ thể dân là người bệnh cần chăm sóc y tế.

Niềm tin = giá trị phục vụ

Các nghiên cứu khoa học cho thấy niềm tin được hình thành trong bối cảnh mối quan hệ “phụ thuộc bất cân xứng”, trong đó các động cơ tiềm ẩn, ý đồ và hành vi của một bên nắm nhiều quyền lực, nhiều thông tin, có nghiệp vụ có thể gây ra rủi ro cho bên bị lệ thuộc. Bên nắm nhiều quyền lực, nhiều thông tin cũng đồng thời giữ vai trò chủ động trong việc tạo dựng, duy trì hoặc làm xói mòn niềm tin.

Các nghiên cứu khoa học tâm lý hiện đại cho thấy mức độ niềm tin của chủ thể dân sẽ tăng hay giảm, là thước đo của thái độ “tất cả vì bệnh nhân phục vụ” của mọi cá nhân, tập thể ngành y tế. Nói cách khác, nếu phục vụ chưa tốt thì không thể có được sự tin tưởng.

Niềm tin vào sự danh giá của ngành y là ở giá trị phục vụ cộng đồng: “thương người, cứu người” không đòi hỏi, quên thân mình của cán bộ nhân viên y tế. 

Giá trị nhân bản, vị tha, phục vụ cộng đồng, không phân biệt giàu nghèo... phải tách biệt hoàn toàn khái niệm trung thành với một thiểu số đặc quyền, và khác với khái niệm bổn phận gắn liền với công chức.

Các nghiên cứu cho thấy để duy trì niềm tin của chủ thể dân thì ngành y phải thể hiện được khả năng tự quản lý về kỹ thuật chuyên môn ở mức độ cao nhất, thể hiện thực tế nghiêm khắc không khoan nhượng với các sai sót yếu kém chuyên môn nghiệp vụ làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và tính mạng bệnh nhân. 

Hiện tại việc xử lý các sai sót chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều lúng túng vì không phân biệt rạch ròi giữa quản lý chuyên môn và quản lý nhà nước, chậm trễ xử lý triệt để, gây bức xúc.

Về mặt quản lý nhà nước, việc đảm bảo chất lượng đào tạo đầu ra, tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và quản lý điều trị là yếu tố then chốt trong việc duy trì niềm tin của bệnh nhân và cộng đồng. 

Mức độ tin tưởng, an tâm của bệnh nhân (và cộng đồng) vào các quyết định của bác sĩ trong chẩn đoán, xử lý tình huống và giảm tối thiểu các sai sót không đáng có... là một lĩnh vực nhạy cảm, còn nhiều thách thức.

Việc không tuân thủ nghiêm quy trình, gây tử vong, giải phẫu nhầm, kê thuốc không cần thiết, tệ nạn phong bì... vẫn còn phổ biến và là thực tế yếu kém quản lý điều trị rất đau xót, xát muối vào niềm tin của nhân dân.

Vẫn còn cơ hội

Sự tiến bộ vượt bậc của y khoa, cộng với những chính sách tài khóa - pháp luật chưa đồng bộ và mạng Internet phổ cập kiến thức y học rộng rãi trong cộng đồng đã tác động không ngừng lên bốn yếu tố: bệnh nhân, nghiệp vụ y tế, quản lý nhà nước và quan hệ cộng đồng, làm thay đổi niềm tin vào ngành y tế. 

Việc chủ động nắm bắt và vận động phù hợp để tạo tiền đề khôi phục niềm tin vào ngành y tế sẽ là thách thức lớn nhất đối với lãnh đạo liên ngành y tế - phúc lợi xã hội.

Với tư cách là bên bị lệ thuộc, chủ thể dân khi giao dịch với các định chế xã hội sẽ nhận thức được trình độ chuyên môn của bên kia và thái độ phục vụ vì lợi ích của chủ thể dân như thế nào. 

Nếu trình độ chuyên môn bị cảm nhận là yếu kém và không đặt lợi ích chủ thể dân lên hàng đầu thì niềm tin của dân sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Đó là quy luật.

Với ngành y tế, chủ thể dân dù bị ảnh hưởng niềm tin nhưng vẫn không có nhiều lựa chọn. Chỉ một bộ phận nhỏ có điều kiện hơn sẽ chọn dịch vụ y tế “ngoài nhà nước”. 

Do vậy, ngành y luôn có cơ hội xây dựng lại niềm tin, cụ thể là tự hoàn thiện nâng cao trình độ chuyên môn đồng đều ở các tuyến và từng bước thể hiện rõ nét hơn thái độ phục vụ tha nhân, đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên tất cả.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận