TTCT - Để thực hiện “lạm phát mục tiêu” thì ngân hàng trung ương phải được toàn quyền quyết định sử dụng các công cụ để đạt được mục tiêu mà họ đã thiết lập và phải được độc lập với chính phủ. Giảm lãi suất là bài toán khó cho doanh nghiệp, nhà quản lý không chỉ ở hiện tại mà trong nhiều năm tới. Hiện lãi suất vay vốn của Việt Nam thuộc loại ngất ngưởng trên thế giới và doanh nghiệp ngày càng thấm đòn lãi suất cao. Nhưng để giảm lãi suất phải cần cả gói giải pháp kinh tế tài chính tổng hợp, thực hiện không chỉ trước mắt mà phải lâu dài theo những mục tiêu xác định. Lãi suất tiền gửi: thực dương hay thực âm? Trước mắt, các nhà quản lý phải kìm cho được đà tăng của lãi suất, sau đó kéo nó về từng chặng hợp lý theo đà kiềm chế lạm phát. Thời gian thực hiện việc “cắt” lãi suất cao càng ngắn sẽ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Lộ trình như thế nhưng thực hiện không hề đơn giản vì đụng chạm nhiều vấn đề, cũng như phải giải quyết hài hòa quyền lợi của các bên (người vay, người gửi), đặc biệt là phải chú ý đến đặc thù của Việt Nam khi người dân đã luôn phải chịu lạm phát cao. Xuất phát từ thực tế nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng đã thực hiện nguyên tắc lãi suất thực dương (lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao hơn lạm phát). Nguyên tắc này được đưa ra trong những năm 1990 khi nền kinh tế có mức lạm phát thấp. Thế nhưng sau này, do lạm phát cao, nguyên tắc lãi suất thực dương lại trở thành gánh nặng cho người đi vay vốn. Bên cạnh đó, lãi suất cao còn do lòng tin của người dân vào sự ổn định của sức mua đồng tiền, hệ thống ngân hàng cũng không cao, từ đó họ luôn cho rằng lạm phát sẽ cao, cần phải bảo toàn vốn. Các hoạt động đầu tư chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ ở nhiều thời điểm đã tạo ra những khoản lợi nhuận bất thường khiến cho các ngân hàng cũng phải đẩy lãi suất tiết kiệm chạy theo để giữ chân người gửi tiền… Nhưng cơ bản, lãi suất cao là do lạm phát cao và rủi ro cao. Gần đây đã có ý tưởng không nên thực hiện nguyên tắc lãi suất thực dương. Quan điểm này đã được một số chuyên gia đề xuất lên những người có trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia phản bác khi cho rằng người gửi tiền cần được sòng phẳng, nếu không họ sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác không được khuyến khích như vàng, USD. Như vậy ngay trong giới nghiên cứu cũng đã có những ý kiến khác nhau, vì thế, nếu vấn đề này không được nghiên cứu, mổ xẻ, cân nhắc thiệt hơn trước khi đưa ra thực tế, chắc chắn sẽ gây ra những biến động không đáng có cho thị trường. Cần lưu ý rằng người gửi tiền vốn đã quen với lãi suất cao hơn mức lạm phát. Yêu cầu này gần như trở thành nguyên tắc và nguyên tắc đó đã chi phối hành động của người gửi tiền. Nếu ở một thời điểm nào đó, người gửi tiền cảm thấy lãi suất mà ngân hàng đang trả cho họ không “bằng chị bằng em” với lạm phát, lập tức họ có suy nghĩ phải tính lại và chuyển sang kênh đầu tư khác khi có dịp. Chính vì vậy, ngân hàng luôn thận trọng khi ấn định mức lãi suất. Lắm khi ngân hàng thừa vốn nhưng cũng không dám giảm lãi suất vì lo ngại người người chuyển tiền sang kênh đầu tư khác. Đặc biệt là khi ngân hàng trung ương - ngân hàng mẹ vẫn còn khắt khe với các con - ngân hàng thương mại, không đảm đương hoặc không sẵn lòng và thường xuyên thực hiện vai trò người cho vay cuối cùng. Điểm tựa ở cơ chế “lạm phát mục tiêu”? Tuy vậy, để kiềm chế lạm phát bài bản hơn, chúng ta cũng cần tiếp cận những cách quản lý và điều hành mà một số nước đã áp dụng thành công - như một tiền đề để giảm lãi suất. Chẳng hạn cơ chế lạm phát mục tiêu. Cơ chế này lần đầu tiên áp dụng tại New Zealand vào năm 1990 và đóng góp rất nhiều trong việc kiềm chế lạm phát tại đây. Sau đó lần lượt Canada, Israel, Anh, Thụy Điển… cũng đã áp dụng. Tiếp theo, một số quốc gia có nền kinh tế mới nổi cũng đã sử dụng cơ chế lạm phát mục tiêu để kiểm soát lạm phát. Vậy lạm phát mục tiêu là gì? Cơ bản là ngân hàng trung ương cam kết đeo đuổi một mục tiêu cụ thể về bình ổn giá. Có nước đưa ra con số cụ thể nhưng cũng có nước đưa ra con số khoảng, ví dụ 4-5%. Trên cơ sở đó, các ngân hàng hình thành những mức lãi suất huy động cụ thể của mình, còn doanh nghiệp tính toán khi vay đầu tư. Giả sử lạm phát mục tiêu là 3% thì mức lãi suất huy động 3,5% là đảm bảo hài hòa quyền lợi của người gửi tiền. Ưu điểm của lạm phát mục tiêu là do xác định mục tiêu rõ ràng, dễ hiểu, dễ diễn giải với công chúng, khi công chúng hiểu và tin thì họ cùng tham gia vào việc ngăn chặn giá cả tăng cao (không đòi hỏi lãi suất cao, không tăng giá vô tội vạ…). Nhờ đó, lạm phát cũng được kiềm chế. Nhưng để thực hiện lạm phát mục tiêu thì ngân hàng trung ương phải được toàn quyền quyết định sử dụng các công cụ để đạt được mục tiêu mà họ đã thiết lập. Ngân hàng trung ương phải được độc lập với chính phủ, các định chế tài chính phải công khai và rõ ràng về các kế hoạch, mục tiêu của mình. Đặc biệt, ngân hàng trung ương phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình với mục tiêu lạm phát mà chính mình đã đề ra. Tuy vậy, lạm phát mục tiêu cũng có nhược điểm, đó là khi đề ra mục tiêu thì phải thực hiện cho được, dẫn đến cứng nhắc, thậm chí phải đánh đổi bằng sự tăng trưởng kinh tế thấp, ít tạo ra công ăn việc làm mới…; cơ chế điều hành tỉ giá phải linh hoạt, vì thế có thể gây ra sự không ổn định về tài chính ở những nước có nền kinh tế mới nổi. Về hình thức, tại Việt Nam cũng có lạm phát mục tiêu, đó là chỉ tiêu lạm phát do Chính phủ xây dựng và được Quốc hội thông qua trong nhóm những chỉ tiêu cơ bản của tình hình kinh tế - xã hội trong năm. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này đôi khi lại không đạt mục tiêu, hay điều chỉnh. Như năm 2011, chỉ tiêu lạm phát cả năm là 7%, sau đó được điều chỉnh 15%, hiện là 17%/năm. Có thể, khi đưa ra các con số chỉ tiêu lạm phát, các cơ quan điều hành đã không kiên trì thực hiện, đôi khi bị sức ép dẫn đến điều hành không đúng như mục tiêu ban đầu. Giả sử do sức ép phải tạo công ăn việc làm, duy trì tăng trưởng cao, ngân hàng trung ương đã phải bơm thêm tiền, gây sức ép lên lạm phát. Chính điều này đã khiến lòng tin vào thị trường, sự ổn định của chính sách bị giảm sút, người gửi tiền đòi lãi suất cao, người bán hàng tăng giá…, từ đó tiếp tục gây sức ép lên lạm phát. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc của lạm phát mục tiêu, “chỉ có một con đường”, khi đó không chỉ cơ quan điều hành mà cả thị trường cùng thực hiện theo mục tiêu đó. Khi lòng tin được tăng lên, lạm phát sẽ dịu xuống, buộc lãi suất phải đi theo. Việc tạo dựng lòng tin có ý nghĩa quan trọng trong kiềm chế lạm phát, đó cũng chính là cơ sở để giảm lãi suất. Tags: Doanh nghiệpThị trườngLạm phátLãi suấtGiải pháp kinh tếLòng tinLạm phát mục tiêu
Lãnh đạo EU: Các nước thành viên phải thực thi lệnh bắt lãnh đạo Israel và Hamas của ICC NGHI VŨ 23/11/2024 Ông Borrell cho rằng ông có quyền chỉ trích Israel mà không bị buộc tội 'bài Do Thái', khẳng định các nước EU có nghĩa vụ thực hiện quyết định của tòa ICC.
Chân dung đại gia Malaysia, Hàn Quốc muốn mua lại dự án của bà Trương Mỹ Lan BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Một doanh nghiệp bất động sản Hàn Quốc và một vị đại gia Malaysia muốn đàm phán để nhận chuyển nhượng dự án liên quan bà Trương Mỹ Lan.
Ông Medvedev: Mỹ và các nước NATO đã tham gia hoàn toàn vào chiến sự Ukraine NGHI VŨ 23/11/2024 Ông Medvedev cáo buộc phương Tây đã tham gia vào cuộc chiến chống lại Nga, cảnh báo Nga sẽ có đáp trả việc Ukraine không kích vào Nga.
Tuấn Ngọc là á vương 1 trong tiếc nuối, Puerto Rico đoạt Nam vương Thế giới Mr World 2024 HOÀI PHƯƠNG 23/11/2024 Đêm chung kết cuộc thi Nam vương Thế giới khép lại với ngôi vị cao nhất thuộc về Danny Mejía Romero đến từ Puerto Rico.