Một cô sinh viên ở trường tôi dạy sau khi đọc bài báo này đã nói rằng em “giật mình khi nhìn những người ăn xin, vì cảm thấy họ đang lừa dối”. Trước đó, trong môn học kỹ năng sử dụng tiếng Việt của tôi, em sinh viên này khi viết về căn bệnh vô cảm hiện nay trong giới trẻ đã bắt đầu bằng một tương phản thú vị, đại ý rằng: hiện nay khoa học kỹ thuật đang cố gắng chế tạo robot có cảm xúc giống con người: biết khóc, biết vui, biết buồn... để phục vụ con người.
Thế nhưng rất nhiều bạn trẻ lại ngày càng trở nên vô cảm như những con robot hiện tại. Và em đưa ra lời trách móc rất dễ thương: “Hằng ngày đi lại ngược xuôi giữa thành phố đông đúc này, có bao giờ bạn đứng lại trước một người ăn xin, trước những mảnh đời bất hạnh chưa?”.
Có một sự thật đau lòng là lòng thương người của cộng đồng đang bị trục lợi. Bên cạnh nạn giả khổ để ăn xin, còn có nhiều hình thức lừa đảo cộng đồng khác bằng cách đánh vào sự thương cảm. Và những người thật sự cơ nhỡ, rơi vào hoàn cảnh phải đi ăn xin sẽ bị đánh đồng với bọn giả mạo.
Có lần tôi đang loay hoay dắt xe ra cửa, vừa ngẩng mặt lên thì chạm ngay một ni cô. Ni cô xin tôi ủng hộ tiền cho các cháu cơ nhỡ ở trung tâm nào đó. Tôi không ích kỷ đến đỗi không muốn chia sẻ ít đồng cho các cháu nghèo khó. Nhưng kinh nghiệm cho tôi biết nhà sư không ai đi xin tiền kiểu như vậy. Nạn giả nhà sư xin tiền người khác không phải là hiếm. Tôi nói lời từ chối. Tuy vậy, lòng tôi vẫn ngổn ngang trắc ẩn.
Một lần khác, tôi đi bộ cùng hai đồng nghiệp. Chúng tôi gặp một cụ bà ăn xin. Anh bạn đồng nghiệp đi qua rồi mà còn quay lại cho cụ 10.000 đồng. Còn cô đồng nghiệp thì băn khoăn không biết bà cụ ăn xin thật hay là một cái bang trong một nhóm chăn dắt nào đó.
Nếu không mạnh tay dẹp bỏ tình trạng chăn dắt, ăn xin giả mạo... thì đến một lúc nào đó người ta sẽ không còn phân biệt được thật giả và hành động tương thân tương ái sẽ ngày càng ít đi. Và điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến lòng thiện nguyện của nhiều người trong cộng đồng, nhất là giới trẻ - những thành viên đang ở độ tuổi hình thành nhân cách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận