12/02/2014 07:29 GMT+7

Lòng quả cảm ở Tacloban

Q.THÔNG chuyển ngữ
Q.THÔNG chuyển ngữ

TT - Cách đây ba tháng, câu chuyện thương tâm ở Tacloban và miền trung Philippines đã làm cả thế giới sửng sốt vì độ tàn khốc của nó. Phóng viên Tây Ban Nha ERIC SAN JUAN từ Tacloban gửi về cho Tuổi Trẻ câu chuyện anh vừa chứng kiến.

Er82MIMQ.jpg
Ngư dân Renato Solayao cùng với “chiếc tàu” làm từ cái thùng xốp - Ảnh: Eric San Juan

Đã ba tháng rồi, sự chết chóc vẫn còn lảng vảng ở Tacloban. Amber Sison và nhóm lính cứu hỏa tám người biết rõ điều này. “Trung bình mỗi ngày chúng tôi thu được 4-5 tử thi. Người dân gọi điện báo khi họ phát hiện. Khi bắt đầu dọn dẹp đống đổ nát, người dân thường bắt gặp những bất ngờ khó chịu này” - Sison giải thích. Người phụ trách nhóm lính cứu hỏa không biết liệu họ sẽ còn thu nhặt thi thể đến bao giờ, nhưng các số liệu chẳng mang đến chút lạc quan nào: còn đến 1.785 người tiếp tục “mất tích” ở Philippines, trong đó ở Tacloban là hàng trăm người.

Sau ba tháng rồi mà người ta vẫn còn dùng từ “mất tích” như một uyển ngữ của cái chết, dù mọi người luôn muốn giữ hi vọng.

Sức đề kháng mạnh mẽ

Những người sống sót sau thảm họa đang gầy dựng cuộc sống mới bằng sự nhiệt tình rất cảm động. “Họ thể hiện sức đề kháng mạnh đến khó tin. Chính nhờ họ mà thành phố thay đổi đáng kể” - cô Benedetta Lettera, người phụ trách Tổ chức Hành động chống đói nghèo (ACF) ở Tacloban, khẳng định.

Người dân vùng vịnh Cancabato, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất thành phố, dần dần trở về mái nhà xưa nay chỉ là đống đổ nát. Một tấm biển do chính quyền lắp đặt bên đường nhắc nhở người dân không được phép xây nhà cách bờ biển 40m để tránh rủi ro, nhưng dường như họ chẳng để ý điều đó. “Dù bị cấm nhưng chúng tôi vẫn quay lại đây vì chẳng còn nơi nào để đến. Đây là nhà của chúng tôi, là nơi chúng tôi có thể sinh nhai” - cô Helen Gonzaga, một nhân viên phục vụ quán 32 tuổi, nói sau khi dựng lại căn nhà cũ.

Theo các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế, nông dân và ngư dân là hai nhóm người gặp nhiều khó khăn nhất để gượng dậy. Có hàng ngàn ngư dân bị mất tàu bè. “Tôi cần hơn 1.000 USD để sắm chiếc tàu mới” - ông Renato Solayao cho biết.

Hiện ông đã tự đóng “tàu” bằng chiếc thùng xốp to cỡ cái tủ lạnh cùng vài thanh tre. Với “chiếc tàu” này, ông không thể ra biển cách bờ hơn 50m, nhưng vẫn có thể nuôi 10 miệng ăn trong lúc chờ chính phủ giúp đỡ. “Chiếc tàu” của ông là bằng chứng về tinh thần không khuất phục của người dân Philippines khi đương đầu với thảm họa, nhưng cũng thể hiện sự mong manh cùng cực của họ và nhu cầu cần được thế giới trợ giúp.

Ám ảnh khôn nguôi

Nhưng chấn thương tâm lý dai dẳng là điều những người có trách nhiệm đang lo ngại nhất. “Trong những ngày đầu ở trung tâm này, nhiều người bị hoảng hốt, cứ la hét “sóng thần” lúc nửa đêm. Ai đó bảo rằng mọi thứ sẽ ổn vì người dân chúng tôi cười nhiều, nhưng sau cơn bão khủng khiếp, một con quái vật khác đã lớn lên trong lòng chúng tôi: tình trạng stress” - Ruth Magallanes, một nhân viên cứu trợ xã hội của Chính phủ Philippines, khẳng định. Chính Magallanes cũng mất hết tài sản sau cơn bão và giờ đang tự hỏi liệu mình sẽ sống ra sao, trong lúc cô vẫn phải làm công việc trợ giúp các nạn nhân khác.

Ngay từ đầu, Chính phủ Philippines và các NGO đã gửi đến hàng chục chuyên viên để giúp các nạn nhân mất mát người thân. Hằng tuần, những nạn nhân nữ tìm đến các căn lều của ACF đặt tại một số vùng bị tàn phá nặng nề nhất để học cách thư giãn và tự an ủi bằng cách kể lại cho các phụ nữ khác nghe những vấn đề của mình.

Nay họ đã trở thành bạn bè, cười đùa với nhau và trong một khoảng thời gian quên đi chuyện buồn gia đình và nhà cửa mất mát. “Trước đây, cứ mỗi năm phút là tôi khóc khi nhớ đến người chồng đã mất trong cơn bão. Nhưng ở đây tôi có thể tự an ủi và nghĩ đến điều tích cực khác” - Rosalia Capidoc, 27 tuổi, nói.

Philippines cảm ơn thế giới trợ giúp

Ngày 8-2, Philippines đã gửi thông điệp cảm ơn thế giới đã trợ giúp nước này khắc phục hậu quả trận bão Haiyan hồi tháng 11-2013, cướp đi sinh mạng của khoảng 8.000 người. Theo sáng kiến của Bộ Du lịch Philippines, thông điệp “Cảm ơn” đã được phát trên các bảng điện tử ở chín thành phố lớn trên thế giới, trong đó có Tokyo (Nhật Bản), New York (Mỹ), Paris (Pháp) và London (Anh) vào 20g40 giờ GMT, đúng thời khắc trận bão Haiyan đổ bộ vào quốc đảo này.

Bão Haiyan quét qua 171 thị trấn và thành phố ở các đảo miền trung Philippines, phá hủy nơi sinh sống của hơn 4 triệu người. Ba tháng sau bão, Chính phủ Philippines vẫn tiếp tục công tác tìm kiếm gần 2.000 người mất tích. Tổng thống Benigno Aquino cho biết sẽ phải mất ít nhất bốn năm và cần khoảng 8 tỉ USD để tái thiết.

Q.THÔNG chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên