10/06/2017 16:36 GMT+7

Lộng lẫy sân khấu thực cảnh của Thủa ấy xứ Đoài

NHO QUÂN
NHO QUÂN

TTO - Lấy hồ nước vùng đất Sài Sơn (thuộc xứ Đoài) làm sân khấu, lấy 140 người dân Sài Sơn làm diễn viên, kết hợp nghệ thuật rối nước, vở diễn 'Thủa ấy xứ Đoài' đã tái hiện đời sống, văn hóa Bắc Bộ xưa.

Một cảnh trong Thủa ấy xứ Đoài - Ảnh: HUY KHÂM - PC CHUA

Xứ Đoài (Sơn Tây xưa) là một trong bốn vùng làm nên văn hóa Bắc Bộ (Đông - Đoài - Nam - Bắc, hay còn gọi là tứ trấn: Hải Đông, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc).

Những nếp sinh hoạt, văn hóa của xứ Đoài trở thành nét đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ, với nếp nhà ngói, lũy tre xanh, trồng lúa nước, những ngày hội làng…

Dựa trên vốn văn hóa, nghệ thuật dân gian ấy, đạo diễn Việt Tú xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật có tên Thủa ấy xứ Đoài. Tác phẩm được trình diễn tại chính vùng đất Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội (thuộc xứ Đoài xưa), với sự tham gia diễn xuất của 140 người dân trong vùng.

Thủa ấy xứ Đoài là chương trình tâm huyết được Việt Tú xây dựng trong suốt hai năm qua, được hoàn thiện và có buổi tổng duyệt đêm 8-6.

Đêm duyệt chương trình rơi đúng vào ngày rằm tháng 5 âm lịch. Trên trời trăng tròn vằng vặc, dưới chân núi Sài của vùng Sài Sơn, một sân khấu ngoài trời lớn đã hoàn thiện, mô phỏng một khu đình, hồ trình diễn rối nước xưa, nhưng rộng lớn, công phu hơn gấp nhiều lần.

Một hồ nước có diện tích khoảng 3.000 m2 là sân khấu chính. Khán đài có sức chứa 2.000 người đặt trên một đồi nhỏ, thoai thoải vòng quanh nửa hồ, lưng dựa vào cánh đồng lúa. Phía nửa hồ còn lại được bao bọc bởi những khóm tre xanh rì. Tất cả đạo cụ, bài trí sân khấu lẫn lượng người tham gia khiến cho vở diễn mang một quy mô lớn.

Một ngôi nhà nặng hàng tấn, dài 20m được kéo ra, mô phỏng nếp nhà xưa với cột gỗ, ngói đỏ. Giữa mặt hồ, một thủy đình lớn bất ngờ trồi lên khỏi mặt nước trong sự trầm trồ thán phục của người xem. Trên sân khấu được chuẩn bị kỳ công, Thủa ấy xứ Đoài diễn ra trong khoảng một tiếng đồng hồ, tái hiện văn hóa Bắc Bộ xưa với vẻ lộng lẫy, hiện đại.

Tác phẩm ngoài sự đầu tư hoành tráng vào sân khấu, âm thanh, ánh sáng, là sự đầu tư vào con người. Sự lựa chọn người dân làm diễn viên mang lại cảm hứng lớn.

Từng tiết mục, chi tiết đều tập trung tôn vinh văn hóa dân gian. Chính văn hóa xứ Đoài này,  từng làn điệu dân ca, trò chơi, khung cảnh… được tái hiện nhuần nhuyễn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tác phẩm xây dựng dựa trên các màn diễn rối nước. Giống như bao chương trình rối nước khác, Thủa ấy xứ Đoài mở màn bằng tiết mục Tễu giáo đầu. Tiếp sau đó, lần lượt các tiết mục rối nước do con rối gỗ, và con người vào vai rối thể hiện.

Đời sống xứ Đoài được tái hiện sinh động qua các tiết mục rối nước: Đuổi cáo bắt vịt, Ngư ông, hoạt cảnh Ông lão đánh cá, Chim loan phượng, Múa Rồng bay…

Đan xen vào các tiết mục rối nước là phần trình diễn của con người, trong các màn như Nắng sớm, Đào liễu, đồng giao Thả đỉa ba ba, Vinh quy bái tổ, Hội làng…

Các màn trình diễn trở nên lung linh, tráng lệ nhờ hệ thống đèn được đặt khéo léo trong các khóm tre ven hồ. Bằng kỹ thuật trình diễn ánh sáng, dãy tre trở thành phông nền sân khấu có khả năng biến đổi màu sắc, hình dáng kỳ ảo.

Ảnh: HUY KHÂM - PC CHUA

NSƯT Đức Hùng là nghệ sĩ hoạt động lâu năm trong Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng thán phục Thủa ấy xứ Đoài. Theo anh, các tích trò trong rối cổ truyền được đạo diễn Việt Tú mô phỏng theo tinh thần, hơi thở mới. “Theo góc nhìn của tôi, đây là phong cách siêu trình diễn, lấy chất liệu rối nước làm sợi dây xuyên suốt để kể câu chuyện văn hóa xứ Đoài cách đây 1000 năm” NSƯT Đức Hùng nói.

Là một người trong nghề, nhưng NSƯT Đức Hùng hoàn toàn bất ngờ khi xem xong vở diễn. Nghệ sĩ bày tỏ: “Tôi làm nghề, nên hiểu được để làm được như Thủa ấy xứ Đoài thì phải vượt qua vô vàn khó khăn. Tôi xem vở diễn mà nổi da gà, vì biết được bên trong Thủy Đình ấy, người dân phải ngụp lặn, điều khiển con rối như nào. Đáp trả lại sự vất vả ấy, người xem được mãn nhãn”.

Đạo diễn Việt Tú
Đạo diễn Việt Tú

Thủa ấy xứ Đoài được đạo diễn Việt Tú gọi là tác phẩm sân khấu thực cảnh, trình diễn trên sân khấu vốn là cảnh quan thực, lấy cảnh quan thực là một phần của tác phẩm.

Xây dựng nên Thủa ấy xứ Đoài là sự tham gia của nhiều nghệ sĩ. Trong đó phần biên đạo được thực hiện bởi các vũ công Kiều Lê, Hà My, Xuân Sơn, Sơn Dương, Tùng Nguyễn, Đức Minh.

Phục dựng rối nước được thực hiện bởi Quốc Khanh, Đoan Trang. Phần âm nhạc do nhóm Master Fader đảm nhiệm.

Vở diễn dự kiến sẽ được đưa vào khai thác du lịch trong thời gian tới.

Ảnh: HUY KHÂM - PC CHUA
Ảnh: HUY KHÂM - PC CHUA
Ảnh: HUY KHÂM - PC CHUA
Ảnh: HUY KHÂM - PC CHUA
Ảnh: HUY KHÂM - PC CHUA
Ảnh: HUY KHÂM - PC CHUA
Toàn bộ diễn viên - Ảnh: HUY KHÂM - PC CHUA
NHO QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên