28/04/2017 17:20 GMT+7

Long Khốt linh thiêng

TRẦN THẾ TUYỂN
TRẦN THẾ TUYỂN

TTO - Đất nước ta có được ngày hôm nay đã phải trải qua biết bao cam go, thách thức. Một đất nước "ra ngõ gặp anh hùng" cũng là một đất nước "mỗi ngọn cỏ, lối đi đều thấm đẫm máu xương".

Mỗi ngọn cỏ, lối đi đều đẫm máu

Chiến tranh đã lùi mấy chục năm nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những tháng năm chiến tranh khốc liệt. Cụ Năm (năm Quốc Lủi) một người dân sống gần trăm năm bên dòng Long Khốt (Vĩnh Hưng - Long An) có lần kể với tôi những năm tháng hào hùng của chiến khu Đồng Tháp Mười.

Cụ Năm nói thời chống Pháp, đây là căn cứ kháng chiến, nơi tập kết của lực lượng ta để đánh Mộc Hoá và các cụm cứ điểm của địch. Trận Mộc Hoá gắn liền với tên tuổi các vị chỉ huy và các nghệ sĩ cách mạng lừng danh như: Quốc Hương, Khương Mễ, Nguyễn Bính, Nguyễn Hữu Trí...

Đối với tôi - người có mặt trong những năm tháng cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ và những ngày đầu chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, vùng đất này, đúng là mỗi ngọn cỏ, lối đi đều thắm đẫm máu xương đồng chí, đồng bào.

Mùa hè năm 1972, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm mũi chủ công giải phóng Lộc Ninh trong chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng) của chúng tôi được lệnh hành quân tiến về giải phóng đồng bằng sông Cửu Long.

Những tưởng đang "khí thế như Mậu Thân, tấn công như Đồng Khởi", chúng tôi sẽ "hốt gọn" cứ điểm nhỏ như chiếc bát úp ven biên giới này. Nhưng thực tế đã không diễn ra như thế. Phần vì điều nghiên chưa kỹ, phần vì mất sức do hành quân bôn tập dài ngày, lại "lạ nước lạ cái", lính rừng xuống đồng nước, nên đã tổn thất nặng nề.

Hàng trăm và nếu cả mặt trận hàng ngàn đồng đội đã ngã xuống giữa dòng sông biên giới và cánh đồng Long Khốt này.

Lúc đó là cán bộ cấp phân đội, tôi không hình dung hết mọi việc. Mới đây, đọc tập sách đồ sộ "400 trận đánh của lực lượng vũ trang Quân khu 7" của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 do đại tá - PGS.TS Hồ Sơn Đài làm chủ biên, tôi mới thấu hiểu.

Hoá ra Long Khốt có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Vì thế, đây là nơi tranh chấp quyết liệt, "bằng mọi giá "giữa ta và địch.

Năm ấy, đánh Long Khốt không thành, cấp trên giao nhiệm vụ cho chúng tôi "nhổ bót, giành dân" ở khu vực "da báo", chuẩn bị cho việc ký hiệp định Paris về Mỹ rút quân khỏi VN. Máu xương đồng đội đã đổ xuống không sao kể siết.

Tôi nhớ có đêm, tự tay tôi cùng anh em chôn cất hàng chục liệt sĩ. Đó là những người mà trước khi xuất trận, họ còn nghe tôi nói chuyện về truyền thống trung đoàn, về đất và người phương Nam...

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, mảnh đất vùng biên này chưa được hưởng trọn vẹn ngày vui thống nhất thì cuộc chiến tranh biên giới xảy ra. Cứ điểm Long Khốt nay là đồn biên phòng Long Khốt lại thêm một lần nữa là điểm tranh chấp quyết liệt.

Bọn Pôn Pốt đã tập trung mọi khả năng có thể để chiếm cho được Long Khốt làm bàn đạp tấn công sâu vào hậu phương của ta. Bằng mọi giá, ta phải giữ cho được Long Khốt.

Các chiến sĩ đồn biên phòng Long Khốt đã kiên cường bám trụ trên 40 ngày đêm, hứng chịu nhiều đợt tấn công của địch, giữ vẹn nguyên từng tấc đất biên cương.

Tôi đã gặp ông Ba Nòi, đồn trưởng đồn biên phòng Long Khốt thời ấy. Ông thuật lại những tình huống khắc nghiệt của cuộc chiến không cân sức, đặc biệt là những tấm gương hi sinh cao cả.

Kết thúc chiến tranh, ông Ba Nòi không về quê mà đưa vợ con lên định cư ngay bờ sông Long Khốt này.

"Đáng lẽ mình chết cùng anh em trong chiến đấu rồi, mà mình không chết, thì tiếp tục ở lại đây cùng với anh em" - cựu đồn trưởng biên phòng Long Khốt tâm sự.

Nghe ông ba Nòi nói tôi ngẫm ra một điều: Thời gian là thước đo mọi giá trị. Đến lượt nó, giá trị tạo ra bởi khoảng cách thời gian. Sau này viết trường ca "Phía sau mặt trời", tôi đã lấy cảm hứng từ thời gian chiến đấu ở đây.

Thời gian - tầm nhìn và sự tổng kết, rút ra các hệ luật đã cho người ta hiểu chân giá trị. Bấy lâu nay, chưa có khoảng cách thời gian, chúng ta thường suy nghĩ, bàn luận một chiều.

Người ta thiên về ngợi ca, tôn vinh những chiến công, thắng lợi mà quên đi hoặc cố tình quên đi những tổn thất, thất bại. Cũng chính thời gian đã minh chứng, không có tổn thất, thất bại thì không thể có chiến công, thắng lợi!

Nhìn lại lịch sử, nếu không có chiến dịch Mậu Thân (1968) với những tổn thất đáng kể, nếu không có chiến dịch Nguyễn Huệ (1972) với các trận đánh tổn thất không nhỏ như chiến dịch chốt chặn Đường 13 - Xóm Ruộng (Bình Long); thành cổ Quảng Trị, Long Khốt (Long An), Xuân Lộc - Long Khánh... thì làm sao có chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước?!

Cách đây gần 10 năm, chúng tôi cùng các nhà tài trợ khởi công xây dựng đền thờ liệt sĩ Long Khốt. Khi thu thập tài liệu, lập danh sách liệt sĩ để khắc trên bia đá, một sự thật làm chúng tôi choáng váng.

Chỉ trong mấy năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại đây, Trung đoàn 174 của chúng tôi đã có gần 700 đồng đội hi sinh. Chưa hết, các đơn vị bạn đã cung cấp cho chúng tôi danh sách hàng trăm liệt sĩ (chưa thống kê đầy đủ) cũng ngã xuống tại khu vực này.

Đúng là mỗi ngọn cỏ, lối đi đều thấm đẫm máu xương đồng đội. Tôi càng thấm thía đôi câu đối đã khắc trên chuông đồng đặt trang trọng trong đền thờ Long Khốt:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hoá linh khí quốc gia.

Giỗ liệt sĩ và tưởng nhớ Bác Hồ

Từ hơn chục năm nay, đặc biệt từ khi đền thờ liệt sĩ Long Khốt được xây dựng, cứ đến ngày 19-5 hằng năm, cấp uỷ, chính quyền và Bộ đội Biên Phòng Long An lại tổ chức ngày giỗ liệt sĩ và tưởng nhớ Bác Hồ.

May mắn, dường như năm nào tôi cũng có mặt với tư cách là đại diện cho những người đã từng tham gia chiến đấu trên mảnh đất này.

Đền thờ liệt sĩ Long Khốt ngày càng linh thiêng, không những thu hút sự quan tâm của nhân dân Long An, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà còn thu hút đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đã đến viếng thăm nơi đây.

Hoạt động văn hoá tâm linh - giỗ liệt sĩ và tưởng nhớ Bác Hồ ngày càng thấm đậm trong đời sống văn hoá của bà con thập phương và đã thành phong tục, nét đẹp văn hoá của người dân vùng căn cứ kháng chiến này.

Năm nào cũng vậy, tối 18-5 bà con và các cựu chiến binh, có khi có cả các nhà sư, thanh thiếu niên từ khắp vùng tụ về, mở lễ cầu siêu, thả hoa đăng trên dòng Long Khốt. Đêm lửa trại, cựu chiến binh kể chuyện truyền thống và liên hoan văn nghệ hát múa các bài ca cách mạng "đi cùng năm tháng".

Hôm sau (19-5) thực sự là ngày hội của cả một vùng biên giới. Bà con từ khắp nơi kéo về. Người trao bò, trâu, người gửi heo gà vịt và các đặc sản địa phương để làm cỗ cúng Bác Hồ và liệt sĩ. Có năm số người về quá dự kiến.

Các gia đình liệt sĩ, người có công với dân với nước, dịp này được tặng quà tri ân. Các cháu học sinh nghèo, vượt khó, học giỏi được nhận phần thưởng...

Điểm hẹn nghĩa tình

Đồn biên phòng Long Khốt gắn liền với đền thờ liệt sĩ Long Khốt đã được UBND tỉnh Long An công nhận là Di tích lịch sử Văn hoá cấp tỉnh.

Điều ấy đáng trân trọng, nhưng từ những sự kiện đã diễn ra trên mảnh đất biên giới này, gắn liền với sự hi sinh của hàng ngàn cán bộ chiến sĩ và đồng bào ta ở đây trên nửa thế kỷ nay, mọi người đều mong muốn, Long Khốt phải trở thành điểm đến của cả nước; là điểm hẹn du lịch văn hoá tâm linh của bạn bè quốc tế.

Long Khốt cũng giống như các vùng đất linh thiêng khác của Tổ quốc: hang Tám Cô, ngã ba Đồng Lộc, thành cổ Quảng Trị, vườn thơm Bình Chánh, Tàu Ô Xóm Ruộng... nên được công nhận là Di tích lịch sử Văn hoá cấp quốc gia, phải là điểm hẹn nghĩa tình!

Đáp ứng nguyện vọng của bà con và các cựu chiến binh, trực tiếp là Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đòan 174, Ban n lạc cựu chiến binh Sư đoàn 5, vừa qua Huyện ủy Vĩnh Hưng đã ra nghị quyết lãnh đạo xây dựng Long Khốt thành điểm hẹn nghĩa tình.

Theo đó, dự án Long Khốt gồm 6 hạng mục, công trình như: xây mới đền thờ liệt sĩ; dựng tượng đài tưởng nhớ các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam ở Campuchia; xây dựng nhà truyền thống; mở đường cây hữu nghị và xây mới cầu Long Khốt...

Nghe tin này bà con và cán bộ chiến sĩ vùng chiến trường xưa thật vui mừng. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã đăng ký khi có yêu cầu sẵn sàng tham gia dự án để có dịp tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ và đồng bào ta đã hi sinh vì tổ quốc.

Mỗi người lính còn sống sau chiến tranh, tri ân đồng đội theo cách riêng của mình.

Tôi bỗng nhớ lại lời tâm sự của cựu đồn trưởng đồn biên phòng Long Khốt Ba Nòi, "Đáng lẽ mình chết với anh em trong chiến đấu rồi mà mình không chết, thì bây giờ ở lại đây cùng với anh em".

Tôi cũng thế, cứ mỗi lần đến Long Khốt, tôi thầm nghĩ, đáng lẽ mình đã có tên trong hàng bia mộ liệt sĩ. Nhưng may mắn mình còn sống. Còn sống thì hãy làm tất cả những gì có thể làm được để tri ân đồng đội, để xứng đáng với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.

TRẦN THẾ TUYỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên