20/11/2013 06:30 GMT+7

Long đong sau ánh hào quang

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TT - Trở về sau các cuộc thi nghề quốc gia, quốc tế, bên cạnh những bạn tìm được chỗ làm tốt, thăng tiến trong công việc vẫn còn nhiều bạn lao đao tìm việc. Sau ánh hào quang, họ làm tạm bợ nhiều công việc trái nghề để kiếm sống.

Kỳ 1:

XDkTcu04.jpgPhóng to
Võ Văn An - chứng chỉ xuất sắc nghề cơ điện tử tại kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 42 - hiện làm nhân viên tư vấn cho một cửa hàng bán thiết bị chống trộm - Ảnh: Quang Phương

Giành giải nhất quốc gia Cuộc thi tin học văn phòng Microsoft Office World Champion 2012 (MOSWC 2012) bộ môn Microsoft Office World và trở thành một trong sáu đại diện của Việt Nam tham dự vòng chung kết thế giới tại Mỹ năm 2012, thế nhưng Nguyễn Minh Hậu - cựu sinh viên Trường CĐ nghề iSPACE - dù ra trường đã bốn tháng nhưng vẫn chưa tìm được việc làm.

Đỉnh cao vẫn lận đận

Nguyễn Minh Hậu từng trúng tuyển ĐH ngành công nghệ thông tin và đã theo học hai năm rưỡi. Tuy nhiên với Hậu, chương trình học nặng về lý thuyết, quá chán nên bạn bỏ ngang, chuyển sang học nghề quản trị mạng tại Trường CĐ nghề iSPACE.

Năm 2012, khi nhà trường phát động cuộc thi MOSWC 2012, Hậu đăng ký tham gia để thử sức mình và giành được giải nhất cuộc thi cấp quốc gia, được chọn là đại diện cho Việt Nam tham dự vòng chung kết thế giới tại Mỹ vào cuối tháng 7-2012. Tại đây, Hậu được vào top 10 của thế giới ở nội dung thi Microsoft World. Chàng trai lòng dạt dào bao nhiêu ước vọng...

Sau khi trở về từ cuộc thi quốc tế, tháng 7-2013 Hậu tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Sau đó là hành trình... xin việc.

Hậu gửi đơn xin việc ở 3-4 công ty nhưng đến nay không nơi nào phản hồi. Trong thời gian chờ xin việc làm, hằng ngày Hậu phụ sửa máy tính tại một tiệm máy tính của người thân. Hậu than: “Công việc tạm bợ, thu nhập chỉ đủ chi tiêu hằng ngày. Hiện nay vào thời điểm cuối năm nên doanh nghiệp họ ít tuyển người”.

Hậu tự giải thích lý do mình thi nghề cấp quốc tế nhưng vẫn không xin nổi việc làm: phần thi Hậu đoạt giải chỉ là một nội dung rất nhỏ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nên dù đoạt giải nhất quốc gia cũng không phải là điều doanh nghiệp quan tâm. Doanh nghiệp cần người đa năng hơn.

Vừa làm vừa học lên cao

Trường hợp của Hậu không phải cá biệt. Nhiều bạn dù đi thi quốc gia giờ vẫn vật vã tìm việc. Nhiều bạn chấp nhận làm công việc tạm bợ để có tiền đi học tiếp, hoàn thiện nghề nghiệp ở mức cao hơn.

Cùng dự Cuộc thi MOSWC 2012 với Hậu, Phạm Ngọc Châu - lúc đó là sinh viên Trường CĐ nghề iSPACE chuyên ngành quản trị mạng - cũng đoạt hạng I toàn quốc bộ môn Microsoft PowerPoint. Ra trường hồi tháng 9-2012, Châu cũng đi xin việc nhiều nơi, làm nhiều nơi khác nhau như cộng tác viên quản trị mạng cho một công ty phần mềm, nhân viên thiết kế cho công ty quảng cáo... nhưng cũng chẳng việc nào ra hồn. Hiện Châu đang làm nhân viên văn thư, soạn văn bản, thư từ ở một cơ quan nhà nước với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Châu tâm sự: thầm nghĩ mình đoạt giải cao trong cuộc thi cấp quốc gia chắc sẽ dễ dàng xin được việc làm. Thế nhưng thực tế phũ phàng hơn Châu tưởng. Cũng như Hậu, Châu vỡ lẽ: “Mình học quản trị mạng nhưng thi giải nhất về Microsoft PowerPoint nên dù hồ sơ đề cập rõ nhưng doanh nghiệp vẫn không quan tâm, có lẽ vì phần mình thi và chuyên ngành học không liên quan gì nhiều đến những công việc ở doanh nghiệp”. Hiện Châu vừa đi làm vừa đi học thêm khóa thiết kế đồ họa. “Đi học thêm để bổ sung kiến thức mới hi vọng xin được việc làm mới. Công việc hiện nay không liên quan đến ngành mình từng học, thu nhập lại không đủ sống, bấp bênh quá” - Châu nói tiếp.

Nhưng đó là “rủi ro” của những bạn học một chuyên ngành hẹp. Còn đằng này Võ Văn An - nguyên học viên Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - sau khi đoạt chứng chỉ xuất sắc nghề cơ điện tử tại kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 42 ở Cộng hòa Liên bang Đức vào tháng 7-2013 giờ cũng gian nan tìm việc. Tháng 9-2012 An tốt nghiệp và tìm được việc làm tại một cửa hàng chuyên cung cấp... thiết bị chống trộm ở Q.10. Công việc hằng ngày của An là tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng về các loại trang thiết bị chống trộm.

Chuyên ngành hẹp khó kiếm việc

Nói về nghịch lý thi tay nghề đoạt giải cao nhưng vẫn không tìm nổi việc làm, ông Trần Phương - Trường dạy nghề Việt Giao - giải thích: có những cuộc thi theo chuyên ngành khá hẹp, vì thế dù có đoạt giải cao nhưng doanh nghiệp cần người đa năng, biết nhiều, làm được nhiều việc. Tuy nhiên cũng sẽ có những doanh nghiệp cần người có chuyên ngành hẹp, ví dụ họ tuyển người làm văn phòng và chỉ chuyên mỗi việc đánh máy tốc ký.

Theo ông Trần Phương, việc dự báo của cơ quan dự báo nguồn nhân lực cũng có phần trách nhiệm trong việc này. Chẳng hạn, kêu thiếu nhân lực cho ngành du lịch nhưng không nói rõ lĩnh vực nào, thiếu hướng dẫn viên du lịch dã ngoại hay nhân viên hướng dẫn ở bảo tàng. Theo ông, phải dự báo thật sát, tới từng chuyên ngành hẹp để người học biết và chọn, không theo học những công việc mà cuộc sống không cần.

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên