25/09/2009 17:21 GMT+7

Lồng đèn Việt tiêu thụ mạnh

H.NHỰT
H.NHỰT

TTO - Mùa trung thu năm nay, các loại lồng đèn truyền thống như lồng đèn dán giấy kính, lồng đèn giấy xếp được các nhà sản xuất Việt Nam tung ra khá nhiều, dường như đã lấn át được các loại lồng đèn xài pin nhập từ nước lân cận.

Lồng đèn Việt tiêu thụ mạnh

TTO - Mùa trung thu năm nay, các loại lồng đèn truyền thống như lồng đèn dán giấy kính, lồng đèn giấy xếp được các nhà sản xuất Việt Nam tung ra khá nhiều, dường như đã lấn át được các loại lồng đèn xài pin nhập từ nước lân cận. 

>> Nói không với lồng đèn xài pin

ImageView.aspx?ThumbnailID=363516
Em Trần Thục Linh, học sinh lớp 5/3 Trường Trần Văn Ơn, Q.11 cùng mẹ chọn mua lồng đèn truyền thống để rước đèn trong đêm rằm trung thu. Linh cho biết lồng đèn hình bướm đốt nến lên trông rất đẹp - Ảnh: H.Nhựt 
ImageView.aspx?ThumbnailID=363518
Phụ huynh đang chọn mua các loại lồng đèn giấy Việt Nam - Ảnh: H.Nhựt

Chị Cao Thái Đan Thùy, chủ cơ sở lồng đèn Xuân Hương (khu vực giáo xứ Phú Bình), cho biết sức mua năm nay tăng mạnh ở thị phần lồng đèn truyền thống. Đối với các loại lồng đèn xài pin, chủ yếu được nhập qua đường tiểu ngạch bán chậm, giá cao.

Khu vực giáo xứ Phú Bình (đường Lạc Long Quân, Q.11) là nơi tập trung bày bán đa số các loại lồng đèn truyền thống của Việt Nam. Ở đây có đủ chủng loại từ lồng đèn ông sao, lồng đèn kéo quân, lồng đèn hình thú "mười hai con giáp"; đến lồng đèn hình siêu nhân, máy bay, cá chép... tất cả được làm bằng khung tre, dán giấy kính đỏ, bên trong đốt nến nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Bình, chủ cửa hàng Bình, cho biết ngoài lồng đèn giấy kính, mùa trung thu năm nay các cơ sở sản xuất cũng đưa ra thêm nhiều mẫu mã lồng đèn giấy xếp với màu sắc sinh động và rẻ hơn lồng đèn ngoại nhập.

ImageView.aspx?ThumbnailID=363522
Lồng đèn truyền thống Việt Nam - Ảnh: H.Nhựt
ImageView.aspx?ThumbnailID=363523
Nhiều mẫu lồng đèn bắt mắt, được nhiều người chọn mua: lồng đèn hình bướm có giá 40.000 đồng/cái - Ảnh: H.Nhựt
ImageView.aspx?ThumbnailID=363524
Lồng đèn cá chép lớn có giá 50.000đ - 60.000đ/cái - Ảnh: H.Nhựt
ImageView.aspx?ThumbnailID=363527
Lồng đèn kéo quân được làm tinh xảo, có giá khoảng 80.000đ/cái - Ảnh: H.Nhựt

Giá các loại lồng đèn xếp Việt Nam dao động từ 3.000đ - 5.000đ/cái; trong khi đó lồng đèn xếp Trung Quốc có giá từ 6.000đ - 7.000đ/cái. Lồng đèn xài pin có giá cao hơn, từ 30.000đ - 50.000đ/cái nên bán chậm và ít phụ huynh mua cho con em mình chơi.

Các loại lồng đèn giấy kính tầm trung, có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/cái có sức mua tăng hơn 50% so với mùa trung thu năm ngoái. Theo chị Cao Thái Đan Thùy, năm nay giá nguyên vật liệu như tre, thép làm khung lồng đèn tăng nhẹ nên kéo giá lồng đèn trên thị trường nhích lên, tuy nhiên mức tăng không đáng kể.

H.NHỰT

Bài dự thi Kỷ niệm trung thu:

Cổ tích trung thu của tôi

TTO - Nếu bây giờ có đoàn tàu đi về tuổi thơ và tôi có một tấm vé (như trong một tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh), tôi sẽ ba chân bốn cẳng trèo lên đoàn tàu ấy. Xin cho tôi dừng lại ở một ga mùa thu rực rỡ, nơi tuổi thơ tíu tít đợi chờ, xé lịch đếm từng ngày đợi Tết trung thu.

Tuổi thơ tôi có trọn một vầng trăng lung linh để ngắm. Con bé lớp một là tôi thuở ấy cứ tíu tít đọc:

Trăng tròn như cái đĩaLơ lửng mà không rơi

Ba nói sẽ cho trăng rơi xuống để tôi bắt. Bằng cách nào ư? Với ba mọi việc đều rất đơn giản. Ba để một chậu nước giữa sân. Trăng thật ngoan, tròn vo, lung linh  trong cái chậu đồng sóng sánh nước. Bé con tôi đây tha hồ mà bắt, mà vờn trăng.

Trung thu cũng là lúc ba trổ tài cho con gái xem. Ba làm cho tôi rất nhiều loại lồng đèn: lồng đèn tre hình ngôi sao, hình lục giác, lồng đèn quả trám làm bằng lon sữa bò, lon bia.. Rồi ba thì thầm với con gái “Để ba đem con lên trời sao mà ở, chịu không?”. Tôi tròn xoe mắt, nhìn lên bầu trời lấp lánh sao. Ba thắp thật nhiều lồng đèn và tắt điện. Ngôi nhà nhỏ của tôi chợt biến thành trời sao lung linh.

Mùa thu gió mát, trăng thanh. Cả nhà mang lồng đèn ra sân ngồi hóng gió. Má pha một bình trà cho ba và làm cho tôi vài cái bánh cốm. Mãi đến bây giờ, trung thu với tôi không thể thiếu bánh cốm. Trước khi uống trà, ba treo một dây hạt bưởi phơi khô, đốt lên làm pháo. Hạt bưởi cháy lép bép, ánh sáng líu ríu vui mắt và nhất là hương bưởi thơm nồng. Tôi vỗ tay hò reo. Ba và má hít thật sâu mùi hương đặc trưng của bưởi.

Khi tôi lớn hơn tí xíu, Tết trung thu là lúc tôi theo chúng bạn đi múa lân khắp xóm. Tôi còm nhom nhưng luôn giành vai ông địa để được bê đồ ăn. Nhưng đám bạn phản đối quyết liệt và đặc cách cho tôi vào vai… người hầu của ông địa. Bọn tôi múa lân khắp xóm. Cái đầu lân tí ti, cái trống con con và một lũ nhóc láu lỉnh làm bà con cười nắc nẻ. Mọi người cho chúng tôi rất nhiều quà: nải chuối, bánh nướng, khoai luộc… Sau mỗi đêm tung hoành múa mây, đội lân con chúng tôi thu hoạch không phải ít.

Nhưng có lẽ Tết trung thu tôi nhớ nhất là lúc tôi học lớp 3. Trường tôi tổ chức văn nghệ. Lần đầu tiên tôi được hát solo. Hôm ấy mưa lất phất. Mấy chiếc lồng đèn giấy kiếng treo trên sân ướt át, nhả màu. Nhưng khán giả vẫn đứng chật kín, trong đó có cả ba má tôi. Tôi líu lo hát bài “Tết trung thu”. Được nửa bài thì quên béng lời.

Sao đất không chịu nứt ra cho tôi chui xuống? Ba má tôi đột ngột vỗ tay, khán giả vỗ tay theo cổ vũ. Lấy lại bình tĩnh, cuối cùng tôi cũng hoàn thành xong bài hát. Tôi ào về phía ba má, gục đầu khóc nức nở. Ba xoa đầu khen: “Con gái ba giỏi quá! Đã hoàn thành nhiệm vụ ca sĩ rồi!”.

Mỗi mùa trung thu qua, kỷ niệm lại đong đầy trong tôi. Tôi không còn là con bé con ngày xưa, tung tăng với những trung thu đẹp như cổ tích. Ba tôi không còn hỏi: “Trung thu này con muốn ba làm lồng đèn gì?”. Má tôi không còn hỏi: “Con có muốn ăn bánh cốm nữa không?”.

Bây giờ, gia đình tôi mỗi người mỗi ngã. Mùa trăng rằm này, tôi lại thao thức nhớ những ngày xưa... Nhớ trăng thanh, gió mát. Nhớ những chiếc lồng đèn lung linh. Nhớ hạt bưởi cháy lép bép. Nhớ bánh cốm. Nghe yêu thương bổi hổi trong trái tim mình…

KIM TUYẾN

Mời bạn tham gia viết Kỷ niệm trung thu

Cuộc thi do báo Tuổi Trẻ Online tổ chức, từ ngày 26-9 đến 6-10-2009, mong cùng bạn đọc chia sẻ những kỷ niệm, những cảm xúc của mỗi người qua các mùa trung thu. Tất cả bạn đọc ở mọi lứa tuổi đều có thể dự thi.

Bài viết dự thi cần hướng về những kỷ niệm đẹp trong mùa trung thu, ngợi ca tình cảm yêu thương con người, ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, sinh hoạt đời sống trong những mùa trung thu. Độ dài bài viết: từ 600 - 800 chữ. Mỗi bạn đọc có thể gửi nhiều bài dự thi về email: [email protected] hoặc [email protected] (xin ghi rõ Bài dự thi Kỷ niệm trung thu). Khuyến khích bạn đọc gửi kèm ảnh cho câu chuyện dự thi.

Thời gian công bố kết quả: dự kiến ngày 15-10-2009. Công ty cổ phần Sách Thái Hà sẽ tặng thưởng 10 giải thưởng bằng phiếu mua sách, mỗi giải trị giá 500.000 đồng cho 10 bài hay nhất của đợt thi.

Những bài viết chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành.

* Để thuận lợi trong việc liên hệ khi công bố giải thưởng, bạn đọc vui lòng ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại sau mỗi bài viết dự thi.

TTO

H.NHỰT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên