17/01/2016 08:51 GMT+7

​Lòng dân với cán bộ

NGUYỄN QUỐC PHONG
NGUYỄN QUỐC PHONG

TT - Nên chăng, cứ sau mỗi nhiệm kỳ công tác, Đảng, Quốc hội, Chính phủ nên có một cuộc trưng cầu ý dân, để dân đánh giá cán bộ lãnh đạo từ cấp ủy viên trung ương trở lên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh - Ảnh: Việt Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh - Ảnh: Việt Dũng

Qua bài phỏng vấn trên Tuổi Trẻ ngày 14-1 với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT có tựa đề “Không đổi mới, Việt Nam sẽ khó khăn” cùng những bình luận tâm huyết của bạn đọc, tôi chợt nhận ra một điều: Tại sao Đảng, Nhà nước không tham khảo lòng dân về mức độ tín nhiệm của họ đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao sau một nhiệm kỳ công tác?

Và điều mà tôi cảm nhận được sau bài phỏng vấn này của các tác giả với những gợi mở cùng những lời nói “gan ruột” trước lúc rời khỏi chính trường của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cho thấy hình như chúng ta đang để vuột mất những cán bộ lãnh đạo xuất sắc mà lẽ ra, đó chính là “những trường hợp đặc biệt” đã quá tuổi cần xem xét, có nên giữ lại khóa tới hay không?

Trong bài phỏng vấn, khi được phóng viên hỏi: “Ông có chịu áp lực khi đưa ra chính sách cải cách không? Qua nhiều đổi mới, giờ nhìn lại ông thấy mình bị ghét hơn hay được yêu hơn?”, ông đáp:

“Để đổi mới không tránh được những đụng chạm tới lợi ích ngành này, ngành kia, cá nhân ai đó, nên họ phản đối. Bộ KH-ĐT đã phải chịu không ít áp lực này, cá nhân tôi còn chịu nhiều hơn khi làm luật.

Nhưng tôi thấy tôi được yêu quý nhiều hơn là ghét. Tôi nói có căn cứ. Ví dụ các địa phương đều mong bộ trưởng Bộ KH-ĐT tiếp tục thực hiện cải cách đầu tư công. Họ bị thít lại, nhưng họ hiểu điều kiện đất nước không thể khác được nữa...”.

Một nhiệm kỳ với năm năm công tác, hàng loạt bộ luật có liên quan tới đầu tư, doanh nghiệp, đầu tư công... được Bộ KH-ĐT soạn thảo hoặc phối hợp soạn thảo đã ra đời là những cột mốc quan trọng đáng ghi nhận.

Nói như một bạn sau khi đọc bài viết trên: “Nói thật, chỉ ra mỗi Luật đầu tư công thôi mà đã thay đổi 180 độ tư duy rồi. Bây giờ rõ ràng đã hạn chế được tình trạng xin - cho, không đầu tư tràn lan như trước nữa.

Đó là chưa kể Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp... và nhiều văn bản chính sách nữa. Mình nhận xét bác Vinh rất xứng đáng với vai trò bộ trưởng...”.

Và rất nhiều, rất nhiều nhận xét gửi tới cho báo, hầu hết đều là những nhận xét như thế.

Đọc ý kiến bạn đọc, tôi thấy cảm động và cũng rất thú vị về một vị bộ trưởng đã một thời nổi tiếng với nhận xét của thuộc cấp, cho ông là “vị bộ trưởng tự lấy đá ghè chân mình”, người đã chấp nhận từ bỏ quyền năng của bộ mình đảm trách để tạo nên một cơ chế chính sách thông thoáng có lợi cho địa phương và doanh nghiệp...

Từ câu chuyện này, xin đề xuất: Nên chăng, cứ sau mỗi nhiệm kỳ công tác, Đảng, Quốc hội, Chính phủ nên có một cuộc trưng cầu ý dân, để dân đánh giá cán bộ lãnh đạo từ cấp ủy viên trung ương trở lên.

Qua đó, nếu ai giỏi, làm việc hiệu quả và đặc biệt xuất sắc thì dù có quá tuổi đôi chút cũng nên sử dụng tiếp. Trái lại, ai yếu, điều hành công việc chưa tốt thì dù còn tuổi cũng nên cân nhắc và nên nghỉ... Như vậy thì sự sàng lọc nhân sự cấp cao sẽ rất xác đáng.

Không ai qua được mắt người dân và đảng viên ở cơ sở đâu! Qua đó, các cơ quan quản lý đương sự trực tiếp sẽ giới thiệu người xứng đáng tiếp tục tham gia lãnh đạo.

NGUYỄN QUỐC PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên