Đàn ông chừng 50 tuổi trở lên bỗng nhiên sinh thói viếng thăm toilet thường xuyên, mỗi lần tiểu tiện phải "rặn" mới thấy nhẹ phần "bộ hạ". Sau khi đã "giải thoát nỗi buồn", cảm giác nằng nặng ở phía dưới vẫn treo lơ lửng, ngồi làm việc mà lúc nào cũng nhấp nhổm trực chỉ cái cửa toilet, đề phòng có "thằng nào" mắc chứng táo bón cứ ngồi chết gí trong đó thì khốn khổ thân mình.
Đêm ngủ cũng vậy, muốn thẳng giấc như trước cũng không yên, cứ bị "bộ hạ" đánh thức, thà là bà xã thì còn được một vài phút sung sướng, đằng này ra vô toilet rồi mất ngủ, bơ phờ. Càng mất ngủ càng thấy nhịp độ vào toilet mau hơn. Một ý nghĩ cứ lởn vởn trong đầu: Chẳng biết "trong đó" có u, bướu hay hòn sỏi, hòn đá gì chặn vô, giống như ống nước bị tóc quện với ba cái thứ đồ ăn, nên mình bị "khó khăn" khi vặn vòi mà nước chảy nhỏ giọt như mấy ông công ty cấp nước gọi là "áp lực yếu". Hay mình đã già nên "hồ chứa" nước bị lão hóa chăng?
Suy sụp, bấn loạn và mỗi khi "gần" bà xã hình như tình trạng nặng hơn, khó chịu hơn, anh nào may mắn có vợ trẻ thì suốt đêm nghe tiếng thở dài não nề. Có anh sau khi "gần" lại thấy đi tiểu ra chút máu, không khéo bên trong quan trọng ấy bị "ung" mất rồi. Nhiều anh không đủ dũng cảm đi khám, lại thêm các "từ mẫu" của ta gặp bệnh nhân là đưa cái mặt hình sự, nhìn muốn… nổi gai ốc.
Nấn ná, để "nỗi buồn nhỏ giọt" đeo bám, một ngày đẹp trời thì "vòi" xả tắc hẳn. Bụng dưới căng, nặng, đau. Các biện pháp như thoa dầu, chườm nóng chẳng ăn thua gì. Nếu anh nào ráng chịu đựng cũng chỉ được nửa ngày, bởi bồn chứa giãn tối đa, đẩy các tạng lên cao, nằm không được, chỉ có nước ngồi thở hí hóp như bị suy tim. Bởi thế, Đông y mới gọi là "long bế" tức là bí tiểu.
Lúc này cách duy nhất là thuê xe đến bệnh viện. Một cái sonde được đưa vào tận bàng quang và cuộc "xả lũ" giúp bụng dưới từ từ xẹp như bong bóng xì hơi. Còn nếu cố tình "giữ của" thì thận vẫn đổ nước tiểu xuống, bàng quang căng tối đa có thể "bùm". Toàn bộ nước tiểu tràn ra ổ bụng trộn với máu, cấp cứu còn hơn cả trời sập. Có người cơ bàng quang còn "ngon" nên cương quyết "cố thủ" thì nguy cơ nhiễm trùng lại xuất hiện, không chỉ viêm bàng quang mà nơi sản xuất và "nhà kho" thông nhau nên vi khuẩn đi lại tung tăng. Nhiễm mủ bể thận với sốt cao, lạnh run, bà xã phải gọi xe cấp cứu. Một cái ống dẫn lưu mủ cùng túi đựng treo lủng lẳng bên hông "hoành tráng" hơn cả điện thoại di động và nặng dần để thỉnh thoảng mình tự làm hộ lý gỡ ra, đổ nó vào toilet.
Tại sao đàn ông "xế chiều" lại hay bị "long bế"? Bệnh không nằm ở thận hay bàng quang, mà lại ở "anh hàng xóm" có tên gọi là "tiền liệt tuyến". Bình thường, tiền liệt tuyến ôm lấy cổ bàng quang có vóc dáng như một cái hạt dẻ. Nó đóng vai phụ trong bộ sinh dục của đàn ông là sản xuất một ít dịch cùng với các tuyến khác thành chất nuôi tinh trùng và "bôi trơn" niệu đạo, giúp "đạn" bắn ra dễ dàng. Theo Đông y, anh nào "mần ăn" quá nhiều lúc trẻ tới mức "buông thả" sẽ hao tổn thận âm, thiếu âm thì dương không hóa, thủy dịch không được khí hóa để đi ra nên gây "long bế".
Những anh ăn uống nhiều đồ chua, cay, béo, ngọt, thấp nhiệt ở trung tiêu đi vào bàng quang gây bất lợi cho khí hóa thì gây tắc tị. Anh nào bị tình chí (buồn, mừng, giận, lo nghĩ, sợ hãi…) làm can khí uất kết cũng gây bí rị. Nguyên nhân chính theo các nhà Tây y thì sự lão hóa khiến tổ chức xơ phát triển ở tuyến tiền liệt làm tuyến to ra chèn vào cổ bàng quang, làm hỗn loạn hoạt động của cơ thắt nơi đây. Do đó, họ gọi bệnh "long bế" là "u xơ tuyến tiền liệt".
Bình thường, khi bàng quang đầy nước tiểu thì "vừng ơi, mở cửa ra", chẳng may ta đang bận việc thì có thể "nín". Bây giờ khốn khổ "mót" mà có kêu Trời, hay bấm chuông, gọi cửa thì cửa vẫn khép hờ hoặc đóng chặt. Đó là lý do tại sao mấy anh chưa già, mới hườm hườm hay bị "long bế". Có anh sẽ hỏi: Tuyến tiền liệt to bao nhiêu? Bình thường, khi các chàng trai chừng 24 tuổi là lúc nó lớn hết cỡ cũng chỉ nặng 20g, khi hoạt động tình dục nó "hăng hái cổ động" nên ứ máu, sung huyết mà "gào" theo nhịp độ của "ông chủ". Từ 40 tuổi nó teo dần chỉ còn 2 - 4g, nếu anh nào trên 50 tuổi mà nó "không chịu già", cứ muốn "bự hoá" như ngày xưa ấy thì những kẻ có tên gọi là "xơ" sẽ chạy tới chèn ép, tung hoành, sinh đẻ vô tội vạ ở nơi này. Đó là u xơ tuyến tiền liệt.
Liệu u xơ tuyến tiền liệt có chữa được không, chứ nó làm "bí" như thế thì ai chịu nổi? Đông y có câu "bất thông thì thống" tức là chỗ nào không thông sẽ gây đau. Đau ở đâu chứ nhè vào "chỗ ấy" thì quả là khó nói và… khó chịu. Bác sĩ sẽ làm gì? Các nhà niệu khoa khuyên nên mổ nội soi hay mổ banh ra mà vứt đi cho khỏi "thống". Nghe thế nhiều anh "hãi", sợ chữa được "long bế" không khéo bị "tiêu" mất cái khoản kia thì cuộc đời còn gì là vui vẻ nữa! Yên tâm đi. Sau khi bóc tách, những phần quan trọng của đàn ông vẫn còn "nguyên con" lại không bị nặng, hết đau, chẳng còn "bí", thường là máy móc chạy tốt hơn dù thiếu một "cổ động viên" tích cực. Tuy vậy, mong quý anh ráng điều độ, bởi cỗ máy thời gian đã bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, bắt nó chạy hết công suất là quá tải, nên tốt nhất là vừa chạy vừa bảo dưỡng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận