Ngày 2-2, thông tin từ Công an tỉnh Long An cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành xác minh, xử lý nghiêm nhiều hành vi đưa thông tin sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội.
Cụ thể mới đây, trên mạng xã hội TikTok có một số tài khoản đăng tải video có hình ảnh được ghi hình bên ngoài căn biệt thự màu trắng kèm thông tin "Đã xác định đối tượng gây ra vụ thảm án làm 3 người tử vong bất thường trong căn biệt thự ở Long An", "Đã bắt được đối tượng gây ra vụ thảm án làm 3 người tử vong bất thường trong lâu đài mới xây ở Long An"...
Không chỉ thế, chủ nhân căn biệt thự nằm ở cửa ngõ TP Tân An này cũng đối mặt với việc liên tục bị nhiều trang mạng xã hội lấy hình ảnh căn nhà ra để gán ghép với chân dung lãnh đạo tỉnh Long An cùng nhiều lời lẽ bôi nhọ, hoặc tung các thông tin sai lệch về căn nhà như "nơi từng xảy ra án mạng", "chứa nhiều vàng"... gây ảnh hưởng tâm lý, xáo trộn cuộc sống gia đình.
Những thông tin này đều nhận được rất nhiều lượt chia sẻ, bình luận gièm pha, và ngày càng phát tán rộng rãi.
Bên cạnh đó, nhiều vụ lừa đảo thông qua mạng xã hội khiến người dân cả tin, bị chiếm đoạt số lượng tiền lớn cũng đã xảy ra.
Cụ thể như trường hợp Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Long An nhận được tin báo của một người phụ nữ về việc bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 2 tỉ đồng qua mạng xã hội.
Theo trình báo, người phụ nữ này nhận được điện thoại từ người đàn ông ngụ ở TP.HCM, tự nhận là nhân viên Công ty Amazon, giới thiệu vào trang Amazon để tạo tài khoản mua hàng trên mạng.
Theo hướng dẫn, chị chỉ cần lựa chọn sản phẩm, chuyển tiền theo số tài khoản do người đàn ông đưa. Sau khi chuyển tiền, công ty sẽ giúp bán sản phẩm và chị được quyền rút toàn bộ tiền, không cần lấy sản phẩm mà vẫn nhận được tiền hoa hồng.
Sau vài lần giao dịch đầu, chị nhận được tiền qua tài khoản cá nhân như người đàn ông đã thỏa thuận trước đó. Người đàn ông tiếp tục hướng dẫn chị mua sản phẩm có giá trị cao hơn sẽ được lợi nhuận nhiều hơn.
Tin lời hẹn, chị tiếp tục chuyển số tiền lớn thì người kia đưa ra lý do không trùng khớp thông tin, buộc chuyển tiền thêm để xác thực số tài khoản, nộp thuế thu nhập cá nhân và một số lý do khác mới nhận lại được số tiền đã chuyển và tiền hoa hồng.
Khi người phụ nữ đã chuyển tiền 28 lần với tổng cộng hơn 2 tỉ đồng thì người đàn ông trên cắt liên lạc hoàn toàn.
Hay trường hợp một người phụ nữ bị nhóm người có hành vi dẫn dụ chuyển tiền mua tiền ảo bitcoin qua mạng xã hội Facebook.
Chị này kết bạn với một người đàn ông, tự xưng là nhân viên của một công ty chứng khoán ở TP.HCM. Sau thời gian nhắn tin trao đổi, người đàn ông trên nhờ chị đăng nhập vào một tài khoản để đặt mua tiền ảo bitcoin giúp do người này đang đi công tác ở Singapore nên không đăng nhập được.
Người đàn ông này cũng hướng dẫn chị mở tài khoản để đầu tư mua tiền ảo bitcoin. Thực hiện theo hướng dẫn, ban đầu khi chuyển 18 triệu thì nhận lại được tiền vốn và lời 18,3 triệu đồng. Nhưng sau khi chuyển tiếp 8 lần, với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng thì đối phương cắt liên lạc, mất tích.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp trình báo bị lừa đảo theo hình thức: có người giả danh là nhân viên của các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada hoặc các tổ chức, doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín tuyển cộng tác viên làm việc online, chỉ cần nhấn nút "like", "share" sẽ được hưởng tiền hoa hồng.
Tuy nhiên muốn nhận tiền hoa hồng cao hơn, người dân phải chuyển tiền vào tài khoản của công ty đưa ra. Sau nhiều lần chuyển tiền với số lượng lớn, người dân không nhận được tiền hoa hồng và được thông báo nạp tiền sai cú pháp, yêu cầu chuyển thêm tiền để nhận tổng tiền hoa hồng…
Với tâm lý muốn lấy lại số tiền trước đó, nạn nhân tiếp tục chuyển khoản nhiều lần cho đối tượng lừa đảo, từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng và bị chiếm đoạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận