30/11/2016 10:38 GMT+7

Múa dân gian: dân tộc nào cũng lắc mông như nhau?

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Các kiểu bê người, lắc mông của dân tộc giống hệt nhau, rồi vũ công khoác bó mạ lên vai chẳng để làm gì? Đã thế, còn sử dụng bản nhạc Inh lả ơi của người Thái cho điệu múa dân tộc Mông...

Tác phẩm Lễ bỏ mả (Bru - Vân Kiều) - Ảnh: Thanh Hoa
Tác phẩm Lễ bỏ mả (Bru - Vân Kiều) - Ảnh: Thanh Hoa

Nhiều chuyện vay mượn có phần khiên cưỡng từ múa dân gian đã được các chuyên gia về nghệ thuật múa Việt Nam chỉ ra tại hội thảo "Từ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam đến tác phẩm múa chuyên nghiệp" được tổ chức sáng 29-11 tại Hà Nội.

Sáng tạo khiên cưỡng nông cạn

Dù rằng có đến 2/3 số tác phẩm múa được khai thác từ những phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian các dân tộc thiểu số phía Bắc như Mông, Dao, Lô Lô, Mường, Pa Dí, Si La, Khơ Mú, Đan Lai, Pà Thẻn... nhưng dường như những gì được trình diễn phần nhiều là học theo Internet hoặc qua băng đĩa.

Các biên đạo chưa có trải nghiệm, thực địa để hiểu biết về đặc trưng văn hóa cũng như các tầng văn hóa ẩn chứa trong mỗi vũ điệu nên dẫn đến sáng tạo còn khiên cưỡng, nông cạn.

Nhiều ý kiến lo ngại khi thấy sự kết hợp giữa múa dân gian với múa đương đại có nhiều chỗ khập khiễng; tham động tác, đội hình; thậm chí có chỗ kết hợp thô thiển kiểu như bê ngửa cô gái Mông... hay có xu hướng cường điệu hóa, huyền bí hóa.

Có vở bị lẫn lộn giữa phong tục này với phong tục khác hoặc sử dụng nhạc cụ dân tộc chưa tinh tế.

Chỉ biết múa chân tay và cạn nghĩ/Là nỗi buồn thế hệ, nỗi âu lo

Hội thảo là sự kiện nối liền ngay sau khi cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam - khu vực phía Bắc lần thứ nhất vừa khép lại (ngày 27 và 28-11). Vì thế, NSƯT Vũ Lân kêu ca rằng ông đã phải tự cho mình giải lao trong hai buổi thi vì bị âm nhạc điện tử... tra tấn.

Ông nói: “Tôi thấy âm nhạc điện tử thống lĩnh đến 80% tác phẩm, trong đó có những bản nhạc được cắt dán lộ liễu, vụng về như ghi âm lời thầy cúng rồi lắp ghép với các đoạn nhạc khác chẳng ăn nhập gì, sử dụng bản nhạc Inh lả ơi của người Thái cho điệu múa dân tộc Mông... Mà cái kiểu dùng “máy trộn computer” làm âm nhạc cho tác phẩm múa như thế này không phải chỉ có ở cuộc thi này mà đang là vấn nạn của ngành múa hiện nay”.

Trong khi cuộc thi khá sôi nổi với 30 tác phẩm phần lớn của các biên đạo trẻ, hội thảo lại khá... ỉu xìu khi khá nhiều ghế trống và phần lớn người đến dự là các bậc cao niên.

“Người cần nghe là các biên đạo trẻ thì lại vắng mặt” - biên đạo Trần Tuấn Thông tiếc nuối. Còn NSND Lê Huân thì cảm thán bằng thơ: “Ở hội thảo nhiều mái đầu tóc bạc/Lứa đầu xanh ít đến dự bao giờ/Chỉ biết múa chân tay và cạn nghĩ/Là nỗi buồn thế hệ, nỗi âu lo”.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên