23/12/2013 08:12 GMT+7

Lộn xộn, loạn xạ biển báo giao thông

Q.KHẢI - N.ẨN
Q.KHẢI - N.ẨN

TT - Biển báo giao thông phải dễ hiểu, dễ nhìn. Thế nhưng ở nhiều tuyến đường tại TP.HCM có nhiều biển báo lộn xộn không theo đúng quy chuẩn như đánh đố người đi đường.

7uEUN6D1.jpgPhóng to
(Từ trái qua) Biển báo “rừng chữ” trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7 l Cầu Kênh Tẻ có gần chục biển cảnh báo tai nạn l Ba biển báo trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7 che khuất nhau - Ảnh: Q.Khải

Không ít biển báo quá nhiều chữ khiến người lái xe phải dừng lại vài phút để đọc mới hiểu hết nội dung. Những tồn tại này xảy ra một thời gian dài vẫn chưa được các cơ quan chức năng chấn chỉnh.

Không đúng quy chuẩn

Trên đường Hoàng Văn Thụ (từ giao lộ Nguyễn Văn Trỗi hướng về ngã tư Phú Nhuận) có nhiều biển báo không thống nhất với nhau khiến người đi đường không biết biển báo nào mới là đúng. Cụ thể, trước ngã tư Phú Nhuận trên đường Hoàng Văn Thụ có biển báo cấm ôtô quẹo phải vào đường Phan Đình Phùng. Biển báo này có hình tròn, viền đỏ nền trắng, bên trong biển báo có một vạch đỏ chéo từ trái qua phải đè lên mũi tên màu đen chỉ hướng quẹo phải (hình ôtô nằm dưới bên trái vạch đỏ). Trong khi đó, dọc theo tuyến đường này nhiều biển cấm quẹo trái, quẹo phải có cách thể hiện khác là vạch chéo màu đỏ nằm phía sau mũi tên hoặc xe.

Tương tự trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Oanh (trước cư xá Lam Sơn, Q.Gò Vấp), dọc theo xa lộ Hà Nội (đoạn gần trụ sở UBND Q.9)... cũng có hàng loạt biển báo cấm ôtô vào các tuyến đường nội bộ đều có cách thể hiện giống nhau là vạch màu đỏ đè lên hình vẽ xe màu đen. Tuy nhiên xen lẫn lại có những biển cấm được thiết kế ngược lại, tất cả vạch đỏ trên biển báo bị hình vẽ xe hoặc các dấu mũi tên chỉ quẹo trái hay quẹo phải đè lên.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, một tài xế lâu năm, cho rằng việc thiết kế lắp đặt sai quy chuẩn không chỉ làm người đi đường hiểu nhầm dẫn đến vi phạm giao thông mà có thể dẫn đến tai nạn do cách hiểu không đúng. Ông Mẫn dẫn dụ theo tài liệu 450 câu hỏi và đáp Luật giao thông đường bộ (dùng cho học viên học sát hạch cấp phép lái ôtô) được Tổng cục Đường bộ VN phát hành, hầu hết biển báo cấm như cấm ôtô, cấm quẹo trái, quẹo phải, cấm quay đầu xe, cấm môtô, cấm người đi bộ thì vạch màu đỏ trong biển báo phải đè lên xe cộ hoặc dấu mũi tên. Theo ông Mẫn, vạch đỏ trong biển báo thể hiện mệnh lệnh, nếu để hình vẽ các xe cộ, dấu mũi tên đè lên có thể tạo ra cách nghĩ là biển không cấm.

“Rừng chữ” trên biển báo

Tình trạng không thống nhất trên các biển báo hiện tràn lan và biển báo giao thông giống những bảng chữ cái chi chít trên đường cũng không phải ít. Đối với loại biển báo này, người đi đường không còn cách nào khác phải dừng xe lại đọc mới hiểu hết hoặc... không để ý.

Giới tài xế đi trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) đều có chung nhận định rằng không thể vừa lái xe qua đoạn đường này vừa đọc hết nội dung trong biển báo. Thật vậy, từ hướng Nguyễn Văn Linh quẹo vào đường Nguyễn Hữu Thọ gần đến đường Nguyễn Thị Thập thì thấy ngay biển cấm ôtô tải quẹo trái. Tuy nhiên, dưới biển cấm này có gắn thêm biển báo phụ ghi một “rừng chữ” nhỏ chi chít, dù có chạy xe máy chầm chậm lướt qua cũng không tài nào đọc hết được: “Cấm xe tải có tải trọng trên 2,5T hoặc xe có tổng trọng tải trên 5T lưu thông: từ 6h-24h. Cấm xe tải có tải trọng dưới 2,5T hoặc xe có tổng trọng tải dưới 5T lưu thông sáng từ: 6h-8h, chiều từ: 16h-20h”. Cách đó không xa cũng có một biển báo tương tự.

Không chỉ vậy, việc bố trí các biển báo giao thông hiện nay chưa hợp lý có thể là nguyên nhân của nhiều vụ phạt oan vì vô tình vi phạm Luật giao thông. Dọc theo đường Nguyễn Văn Linh (Q.7), Võ Văn Kiệt (Q.1, Q.5, Q.6...) có nhiều đoạn được bố trí ba biển báo giao thông cùng lúc, nối tiếp nhau, biển báo trước che biển báo sau. Như tại ngã ba Nguyễn Văn Linh - Bùi Bằng Đoàn, P.Tân Phú (Q.7) có ba biển báo, biển cấm. Biển đầu tiên chỉ dẫn làn đường xe 2-3 bánh, ôtô, xe tải che khuất biển cấm xe ba bánh và xe thô sơ 3-4 bánh phía sau rồi tiếp tục chắn mất tầm nhìn biển cấm dừng và tốc độ tối đa cho phép 50km/giờ sau nữa. Một tài xế hay đi qua đây bức xúc: “Biển báo cắm như vậy chẳng khác nào đánh đố người đi đường, tôi quen đường nên biết chứ tài xế lạ qua đây không thấy biển báo tốc độ phía sau chạy vượt là... dính chấu”.

Lãng phí, mất mỹ quan

TP.HCM đã cấm xe 3-4 bánh thô sơ lưu thông trong nội ô và hạn chế loại xe này lưu thông trên các tuyến đường ven nội ô cách nay gần bốn năm, vậy mà đến nay nhiều biển báo cấm loại xe này vẫn còn treo khá dày đặc gây mất mỹ quan đường phố, nhất là ở khu vực trung tâm TP.HCM có nhiều khách du lịch. Ở vòng xoay Phù Đổng Thiên Vương (Q.1) có đến 5-6 biển báo được sơn màu đỏ “cấm xe 3-4 bánh thô sơ lưu thông” được gắn tại đầu các đường Cách Mạng Tháng Tám, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Hồng Thái.

Đáng nói hơn là đường Tân Hóa (Q.11) và đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú) có đến một “rừng” biển báo màu đỏ có nội dung cấm xe 3-4 bánh thô sơ lưu thông. Ở đây các biển báo màu đỏ có kích thước khá lớn 50x60cm với chi chít chữ “cấm xe 3-4 bánh thô sơ lưu thông từ 5g-13g và từ 16g-22g”. Hai con đường trên có tổng chiều dài khoảng 4km mà có đến hàng trăm biển báo chỉ với một nội dung trên. Các biển báo được lắp đặt cách nhau 50-100m, thậm chí biển báo phía bên trái đường chỉ cách biển báo phía bên phải đường chừng 20-30m. Cùng với hàng trăm biển báo bằng chữ là hàng trăm biển báo có hình ảnh cấm xe xích lô và xe bốn bánh thô sơ.

Theo ông Nguyễn Văn Sự - một người dân trên đường Lũy Bán Bích, việc lắp đặt quá nhiều biển báo trên đường này rất lãng phí cho ngân sách và còn gây mất mỹ quan đường phố. “Hơn nữa, việc lắp đặt hàng trăm biển báo cấm xe 3-4 bánh thô sơ lưu thông chẳng khác nào dùng “búa tạ để đập ruồi”. Bởi vì thực tế trên đường Lũy Bán Bích chỉ có vài ba chiếc xe mì gõ, xe chuối chiên... buôn bán bên lề đường” - ông Sự nói.

Sẽ rà soát, điều chỉnh

Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, trước ngày 31-12-2012, hệ thống báo hiệu đường bộ trên địa bàn TP.HCM được lắp đặt theo quy định tất cả biển báo thuộc nhóm biển báo cấm, quy định hình vẽ màu đen đè lên vạch chéo màu đỏ. Từ ngày 1-1-2013 đến nay, hệ thống biển báo được lắp đặt theo “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” của Bộ Giao thông vận tải, các biển báo cấm rẽ trái, cấm rẽ phải, cấm đi thẳng, cấm quay xe thì vạch chéo màu đỏ đè lên hình vẽ màu đen. Riêng các biển báo cấm ôtô, cấm ôtô tải, cấm môtô, cấm đi xe đạp, cấm người đi bộ thì theo quy định hình vẽ màu đen đè lên vạch chéo màu đỏ. Do có sự chuyển tiếp giữa quy định cũ và quy định mới nên hiện nay còn nhiều biển báo chưa phù hợp với quy chuẩn mới, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 sẽ có lộ trình thay thế dần.

Đối với việc tồn tại quá nhiều trụ biển báo tại một giao lộ hoặc đoạn đường gây ra hiện tượng biển báo này che khuất biển báo kia gây khó khăn cho người tham gia giao thông, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết thường xuyên rà soát và tiến hành điều chỉnh, tích hợp các biển báo tại những vị trí có nhiều biển báo làm ảnh hưởng đến tầm nhìn. Còn những biển báo có nội dung quá nhiều chữ, cơ quan này cho rằng do đặc thù mạng lưới giao thông tại TP.HCM rộng lớn, phức tạp, do đó một số biển báo cần sử dụng chữ để giới hạn phạm vi áp dụng. Cơ quan này cũng đang rà soát và điều chỉnh các loại biển báo chữ với mục tiêu giảm thiểu chữ viết để dễ dàng đọc hơn khi tham gia giao thông.

Q.KHẢI - N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên