09/10/2024 08:26 GMT+7

Lớn lên nhờ tình thương của xã hội, nay Đức thành sinh viên ĐH Nông Lâm Huế

“Năm 3 tuổi, cha mẹ mình chia tay rồi mỗi người một ngả, đều có gia đình mới. Mình ở với dì ruột đến năm 6 tuổi thì được đưa vào trung tâm bảo trợ trẻ em. Và nay mình trở thành sinh viên Trường đại học Nông Lâm Huế".

Lớn lên nhờ tình thương của xã hội, nay Đức thành sinh viên ĐH Nông Lâm Huế - Ảnh 1.

Trong cơn mưa nặng hạt, tân sinh viên Nguyễn Đức (Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế) vẫn trân mình ướt sũng để làm việc tại trại nuôi tôm giống để kiếm tiền đi học đại học - Ảnh: NHẬT LINH

Đó là hồ sơ gửi xét chọn học bổng Tiếp sức đến trường (báo Tuổi Trẻ) của tân sinh viên Nguyễn Đức (22 tuổi, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế).

Năm nay 22 tuổi, Đức mới nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Chặng đường đến trường của cậu sinh viên nghèo từng bị suy dinh dưỡng về thể chất lẫn tinh thần ấy bị chững lại đến 4 năm vì gia cảnh ngặt nghèo.

Đội mưa, đầm mình ở hồ nuôi tôm kiếm tiền đi học

Lớn lên nhờ tình thương của xã hội, nay Đức thành sinh viên ĐH Nông Lâm Huế - Ảnh 2.

Khác với bao bạn bè cùng trang lứa, tân sinh viên Nguyễn Đức đã trải đủ vị đắng mưu sinh và nay quyết tâm thực hiện ước mơ được trở thành sinh viên đại học, ngành quản lý thủy sản - Ảnh: NHẬT LINH

Chiều cuối thu xứ Huế trời trở dông gió, trại nuôi tôm giống với hàng chục ao vuông lớn nhỏ của Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế nằm sát bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế.

Anh Hòa phụ trách trại nuôi tôm, chỉ tay về vuông tôm phủ bạt ni lông đen kịt, cạn trơ đáy khi chúng tôi hỏi tân sinh viên Nguyễn Đức.

"Đức đang cùng mấy anh em làm việc ở hồ dọn dẹp, lau chùi ao nuôi tôm giống để chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Nó gầy gò, sức yếu nhưng nhiệt tình, lễ phép lắm", anh Hòa nói.

Giữa vuông tôm rộng chừng 300m2, bốn thanh niên đội mưa, trân mình giữa cái lạnh cuối thu chớm đông xứ Huế để lau dọn đống bùn rêu còn bám lại trên thành và đáy ao. Tân sinh viên Nguyễn Đức ốm nhom và nhẹ cân nhất nhóm.

Đội chiếc mũ tai bèo ướt đẫm, Đức một tay cầm vòi nước, một tay cầm bùi nhùi rồi nằm nhoài hẳn người bám vào thành hồ tôm để chùi cho kỳ sạch bùn đất.

Chùi xong hồ, hai bàn tay cậu co rúm lại vì ngâm nước và lạnh. Đó là một trong những công việc mà Đức đã quá quen thuộc khi làm việc ở hồ nuôi tôm này.

Đứa trẻ bơ vơ sau cuộc chia tay, sống nhờ tình thương mái ấm

Lớn lên nhờ tình thương của xã hội, nay Đức thành sinh viên ĐH Nông Lâm Huế - Ảnh 4.

Để đạt được ước mơ trở thành một kỹ sư thủy sản, trước mắt Nguyễn Đức là cả một chặng đường dài - Ảnh: NHẬT LINH

Đức là kết quả của một mối tình chẳng trọn vẹn giữa ba và mẹ cậu. Năm lên 3 tuổi, cả ba và mẹ Đức chia tay, mỗi người một nơi và cùng có gia đình mới. Đức bị bỏ rơi giữa đời và được người dì ruột đem về cưu mang.

Thế nhưng gia cảnh của dì cũng nghèo nhất phường, nên năm tròn 6 tuổi Đức được đưa vào một trung tâm bảo trợ trẻ em ở TP Huế.

Sống thiếu hơi ấm của cha mẹ, nhiều đêm khi mọi ánh đèn đã tắt, Đức lại lén tìm đến một góc sân ở trung tâm rồi ngồi khóc. Trong ký ức, hình ảnh cha mẹ cũng chỉ là gì đó rất xa xăm mơ hồ.

"Cũng chính nhờ khoảng thời gian ở trung tâm được đi học, được các cô chú chăm sóc, thương yêu như con cái trong gia đình đã giúp mình mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, khi ở đó mình đã được các cô chú rèn giũa tính tự lập, biết tự chăm sóc bản thân", Đức nói.

Tiếp sức đến trường: Nghỉ học giúp đỡ dì, rồi trở lại học đường ngoạn mục

Lớn lên nhờ tình thương của xã hội, nay Đức thành sinh viên ĐH Nông Lâm Huế - Ảnh 5.

Côi cút giữa đời, vượt biết bao nhiêu khó khăn, nay Nguyễn Đức đã trở thành tân sinh viên Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế - Ảnh: NHẬT LINH

Đến năm 14 tuổi, Đức được dì ruột xin về quê ở với dì cho đỡ cảnh côi cút, rau cháo nuôi nhau.

Đức được người dì hết mực yêu thương, nhưng gia cảnh dì quá nghèo, thu nhập chính trong gia đình chỉ trông chờ vào vài cọng rau ở góc vườn. Thương dì vất vả, học hết lớp 10, Đức quyết định nghỉ học đi làm thêm để phụ gia đình.

Từ bưng bê ở quán cà phê, rửa chén ở nhà hàng đến phụ tiệc đám cưới, Đức đều làm đủ cả. Đến năm tròn 18 tuổi, Đức thi bằng lái xe máy rồi xin giao hàng cho một công ty ở thị xã. Có lần giao hàng nặng, Đức còn bị tông trúng, ngã sõng soài, xe đổ tràn cả xăng ra lòng đường.

Suốt bốn năm làm lụng tay chân, Đức chưa bao giờ từ bỏ ý định quay trở lại trường học. Tích đủ một số tiền tiết kiệm, chàng trai trẻ quyết định tìm đến Trung tâm giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà để xin đi học bổ túc lại lớp 11, khi đã 20 tuổi.

Phải bắt đầu lại từ đầu khiến nhiều lúc Đức muốn dừng lại một lần nữa. Nhưng đã nếm đủ nỗi khó nhọc vì mưu sinh, Đức tự nhủ không bao giờ được bỏ cuộc. Cậu lao đầu vào học, nỗ lực gấp ba, gấp bốn lần bạn bè cùng lớp để tự ôn lại kiến thức.

Thành quả của những đêm thức trắng đèn sách suốt 2 năm đi học trở lại của Đức là việc cậu thi đậu vào ngành quản lý thủy sản, khoa thủy sản, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế với số điểm 20,45.

"Bản thân mình tự nhủ dù khó khăn đến mấy cũng không được phép từ bỏ việc học một lần nữa. Mình phải trở thành một kỹ sư nông nghiệp thật giỏi để có việc làm, kiếm được tiền để đền đáp công ơn cưu mang của dì và của các cô chú trung tâm", Đức nói.

Cậu sinh viên tự tạo may mắn và tấm lòng các giảng viên khoa thủy sản

Cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học, Đức chẳng dám nói với dì vì sợ dì lo lắng. Đức rong ruổi khắp bờ bắc TP Huế để xin việc làm thêm kiếm tiền đóng học phí.

Thế nhưng cứ hết quán này sang tiệm khác, chẳng ai nhận Đức vào làm. Hết cách, Đức đánh liều nhắn tin vào trang Facebook của Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế với hy vọng nhà trường có thể cho cậu… nợ học phí kỳ học đầu tiên.

May mắn đã mỉm cười với nỗ lực của chàng sinh viên không đầu hàng số phận. Dòng tin nhắn ấy được một thầy giáo ở trường đọc được và hồ sơ của Đức được chuyển về khoa thủy sản.

Cầm tập hồ sơ trên tay, TS Trương Văn Đàn, trưởng bộ môn cơ sở và quản lý thủy sản, đã tìm đến tận nhà và xác minh gia cảnh của tân sinh viên Nguyễn Đức.

"Sau khi xác minh hoàn cảnh, trường đã tạo điều kiện để Đức có thể đến làm thêm ở khu vực hồ nuôi tôm giống của trường tại xã Phú Thuận. Tại đây Đức sẽ vừa học, vừa làm và hàng tháng có một khoản hỗ trợ nho nhỏ cho em tích cóp để có thể đến trường", thầy Đàn nói.

Hôm nay, 91 tân sinh viên được Tiếp sức đến trường

Hôm nay 9-10, 82 bạn sinh viên nghèo hiếu học xứ Huế và 9 bạn sinh viên Quảng Ngãi sẽ được trao học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Lễ trao diễn ra vào chiều cùng ngày, tại Hội trường nhà khách Thanh Niên Huế, 91A Trương Gia Mô, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,5 tỉ đồng do Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần ô tô Đô Thành tài trợ (mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng).

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ 2 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.

Đây là điểm trao thứ tư trong chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2024 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 593 của báo Tuổi Trẻ. Chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2024 của báo Tuổi Trẻ dành cho hơn 1.100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của cả nước với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng.

Lớn lên nhờ tình thương của xã hội, nay Đức thành sinh viên ĐH Nông lâm Huế - Ảnh 5.

Lớn lên nhờ tình thương của xã hội, nay Đức thành sinh viên ĐH Nông lâm Huế - Ảnh 1.Nghị lực của hai tân sinh viên ĐH Huế còn mạnh hơn số phận không may

An không may đôi chân khập khiễng vì di chứng bại liệt và Dương mồ côi cha phải đi làm thêm từ lớp 10 để phụ mẹ, nhưng giống như những cái tên rất đẹp, họ vươn về phía mặt trời, cả hai đều là tân sinh viên ĐH Huế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên