TTCT- Phần đông các phụ huynh có một điểm tựa, một lối thoát, một niềm hi vọng, thậm chí niềm tin ở câu thành ngữ: “Trăng đến rằm trăng tròn”. Minh họa: Diệu Bình Hàng bao nhiêu thế hệ cháu con Việt đã từ giã tuổi ấu thơ bước vào tuổi trưởng thành với chân lý hồn nhiên ấy, nhất là trong chuyện giáo dục giới tính. Dạy kiểu truyền thống Người Việt vốn tôn trọng dòng dõi và nếp nhà: “cha nào con nấy”, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, “giỏ nhà ai quai nhà ấy”... Cách uốn nắn dạy dỗ cứ thế mà theo kinh nghiệm cha truyền con nối, nội dung mang tính lưu hành nội bộ “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, phương pháp thì “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Trẻ con muốn nên người chỉ việc ngoan ngoãn vâng lời chỉ bảo của người lớn. Rồi lớn lên, từ việc làm nhà tậu trâu đến việc chọn chồng chọn vợ thì “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, đến khi làm thông gia vẫn cứ “thừa lệnh song thân”. Nói cho ngay đã có thay đổi nhiều, nhưng nếp suy nghĩ này vẫn nhan nhản trong nhiều gia đình. Nếu chẳng may gặp tình huống nào ngược quy luật thì giải thích: “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, “sinh con ai nỡ sinh lòng”... Cũng may hồi ấy dậy thì tuổi nào thì dựng vợ gả chồng ngay sau đó, nam thanh nữ tú bước vào hoạt động tình dục và tự rút ra những trải nghiệm từ đời sống vợ chồng. Có câu ca dao: “Lấy chồng từ thuở mười ba, đến năm mười tám em đà năm con. Ra đường người tưởng còn son, về nhà thiếp đã năm con cùng chàng” là vậy. Thêm vào đó, chẳng biện pháp sinh đẻ kế hoạch nào được áp dụng nên hành vi tình dục luôn gắn liền với hành vi sinh sản. Trai gái “ăn ở” với nhau là có con, vì thế chỉ có hôn nhân mới cho phép người ta nếm trải tình dục hợp pháp và cùng ghé vai chia sẻ gánh nặng dưỡng dục con cái. Mù giới và thất học trong hôn nhân Thời nay ít con, phần đông các bậc cha mẹ vẫn quan niệm: gia đình là NUÔI, nhà trường là DẠY và ra ngoài đời là để LÀM nên gia đình chỉ làm tốt trách nhiệm nuôi nấng, chăm sóc bữa ăn giấc ngủ, khám chữa bệnh cho con, còn việc dạy dỗ - cả dạy chữ, dạy văn hóa, dạy nghề lẫn giáo dục giới tính - đều giao hết cho thầy cô. Nhiều gia đình lo gánh nặng mưu sinh, bận rộn với công việc, thiếu thời gian nên đã “khoán trắng” con mình cho nhà trường, chỉ hằng tháng nộp đầy đủ học phí là đủ, không theo sát con. Hoặc chính cha mẹ cũng không có nhiều kiến thức để dạy bảo, thậm chí cấm đoán con tìm hiểu thông tin qua sách vở, báo chí. Báo cáo của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tại hội thảo khoa học quốc tế về gia đình năm 2011-2012 cho thấy trẻ ngày càng ít tâm sự với cha mẹ trong những lúc khó khăn, còn cha mẹ có quá ít thời gian dành cho con cái: 40,8% cha mẹ gặp khó khăn về thời gian dành cho con, 32,1% bậc cha mẹ khẳng định khó khăn về thời gian là quan trọng nhất, trong đó các bậc cha mẹ ở thành thị gặp rắc rối này nhiều hơn cha mẹ ở nông thôn. Có đến 10,1% các bậc cha mẹ hoàn toàn không nói chuyện với con. Nghiên cứu cũng cho thấy ưu tiên hàng đầu khi cha mẹ trao đổi với con là chuyện trường lớp (học tập, điểm kiểm tra, thi cử, học phí) rồi đến ứng xử với mọi người xung quanh, sau đó là uốn nắn những sinh hoạt hằng ngày, “giám sát” bạn bè của con. Chuyện giới tính được đặt xuống gần cuối cùng trong những mối quan tâm, lo lắng. Bằng cách gạt ngang hoặc lờ đi suy nghĩ và tâm lý của con trẻ, người lớn vô tình bỏ qua giai đoạn trưởng thành của con mình. Nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức, với bản tính tò mò của tuổi mới lớn, trong không gian công nghệ cao, chúng có thể lén lút tìm hiểu chuyện giới tính ở những “kênh” không chính thống. Từ đó có cái nhìn lệch lạc và những hành vi sai trái (trẻ chơi trò “vợ chồng” khi cha mẹ vắng nhà, bình luận dung tục về cơ thể, “nghịch dại” trong giờ ngủ trưa ở lớp bán trú, chuyền tay nhau xem “phim cởi truồng” trên điện thoại, nhiều vụ án hiếp dâm trẻ em khi hung thủ đang tuổi lớn cũng chính bởi bị kích động do xem phim đồi trụy...). Sự bùng nổ các phương tiện nghe nhìn, Internet dẫn đến nghịch lý: thông tin nhiều nhưng trẻ vị thành niên vẫn thiếu kiến thức về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, kỹ năng phòng tránh bị xâm hại. Nhiều bạn trẻ trong tay đầy bằng cấp, các em không mù chữ, không mù tin, không mù ngoại ngữ mà mù tịt về giới tính. Tuổi dậy thì đến sớm hơn trong khi tuổi kết hôn muộn hơn, người trẻ làm gì với đời sống tâm sinh lý của mình trong từng ấy năm; khi niềm tin về các giá trị bị giảm sút, những phương pháp ngừa thai nhân tạo phổ biến một cách dễ dàng; khi các tội phạm về tình dục tăng lên? Né tránh là một sai lầm Khi được hỏi tại sao trì hoãn dạy con về giới tính, nhiều bậc cha mẹ cho rằng không nên “vẽ đường cho hươu chạy”, e rằng bọn trẻ tò mò rồi áp dụng phương châm “học đi đôi với hành” thì tai họa khôn lường! Các bác cho em hỏi ngu tí: Hươu thường chạy khi nào? Phải chăng khi bị con thú khác rượt đuổi? Nếu nó không biết đường thoát thì chỉ có... chạy đằng trời! Với những “hươu non” ngơ ngác của chúng ta, “con thú” ấy có thể là kẻ xấu, là người lạ, sếp, người quen, bạn học, thậm chí người nhà, người yêu... cũng có thể là chính dục vọng của tuổi mới lớn chỉ chực hạ gục chúng dưới sức ép của bản năng. Vẽ đúng đường cho hươu chạy là chỉ cho nó con đường sống. Cha mẹ Việt có nhiều cái sai trong việc dạy con về giới tính, tình dục và cách phòng tránh nguy cơ bị xâm hại. Không dạy gì với lý do “trăng đến rằm trăng tròn, mai mốt lấy chồng lấy vợ tự khắc biết, thời của cha mẹ có được ai dạy gì đâu mà lớn lên vẫn thành người đấy thôi!” là một trong số những cái sai đó.■ Tags: Xâm hại tình dụcNgười lớn sai gìLớn khắc biết
Sắp xếp lại đơn vị hành chính: để Mỹ Tho, Đà Lạt không trở thành phường, xã cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 10/04/2025 1816 từ
Vụ 600 loại sữa giả: Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp Bộ Y tế xử nghiêm vi phạm NGỌC AN 15/04/2025 Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định sẵn sàng phối hợp Bộ Y tế và các cơ quan chức năng trong quản lý sữa và xử nghiêm vi phạm liên quan.
Trung Quốc hướng nam, nhìn về Việt Nam DUY LINH 15/04/2025 Chuyến thăm ba nước Đông Nam Á, với Việt Nam là điểm đến đầu tiên, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy sự chuyển hướng chú ý lớn hơn của Bắc Kinh vào khu vực láng giềng trong bối cảnh thế giới hiện tại.
Tổ chức chính quyền địa phương hai cấp: Dự kiến có những đặc khu nào? NGỌC AN 15/04/2025 Một loạt huyện đảo, thành phố đảo hiện nay dự kiến chuyển thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu, theo đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 2: Vượt trùng dương về lại Sài Gòn LÊ VĂN NUÔI 15/04/2025 Sáng 15-5, Côn Đảo vang tiếng Đài phát thanh Sài Gòn trực tiếp tường thuật "Lễ mừng chiến thắng" có diễu binh và diễu hành với hàng chục ngàn người gồm chiến sĩ cách mạng và dân chúng Sài Gòn tham dự.