25/04/2018 13:00 GMT+7

Lời to từ mô hình 'con tôm ôm cây lúa'

CHÍ QUỐC - TRẦN NGUYÊN
CHÍ QUỐC - TRẦN NGUYÊN

Bạc Liêu đang trở thành “thủ phủ” của mô hình tôm - lúa khi có tới gần 34.000ha đất sản xuất nông nghiệp làm theo mô hình này.

Lời to từ mô hình con tôm ôm cây lúa - Ảnh 1.

Nông dân Đoàn Thanh Tùng bên cánh đồng với hai vụ tôm một vụ lúa của mình đang cho thu nhập rất ổn định - Ảnh: TRẦN NGUYÊN

Tuy vậy, không phải ai cũng "bỏ túi" hàng trăm triệu đồng mỗi mùa vụ từ mô hình này mà không trải qua những thất bại.

Ông Đoàn Thanh Tùng (ấp 18, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai) với mô hình nuôi tôm trên đất lúa là một trong những mô hình thành công bởi tỉ lệ rủi ro rất thấp do có những "bí quyết" riêng.

Ông Tùng cho biết, vùng đất này trước đây chỉ canh tác 1 vụ lúa, sau đó làm thêm 1 vụ tôm, nhưng đa phần người nuôi chỉ trúng trong vài vụ đầu, sau đó thì tôm chết có thể do bị ô nhiễm môi trường nuôi. Năm 2013 - 2015, trường Đại học Cần Thơ có hỗ trợ thực hiện dự án "mô hình lúa - tôm trong ô đê bao khép kín ở thị xã Giá Rai", trong đó ông Tùng và một số hộ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi 2 vụ tôm và trồng 1 vụ lúa, mang lại lợi nhuận khá. Khi dự án kết thúc, ông Tùng sẵn có "kinh nghiệm" nuôi tôm trên đất lúa và từ đó tới nay luôn gắn bó với mô hình này.

Hiện tại, vụ tôm sú của ông Tùng được gần 3 tháng và sắp tới thời điểm thu hoạch. Tính ra mỗi năm ông Tùng làm 2 vụ tôm 1 vụ lúa. Cụ thể: bắt đầu từ khoảng tháng 5 âm lịch ông bắt đầu hứng nước mưa trong ao để có nước ngọt cho đầy ao, sau đó cải tạo và ương con giống tôm càng xanh. Khi cánh đồng lúa bên ngoài đã được khoảng 1 tháng (cao chừng 15-20cm) cũng là lúc ông bắt tôm càng xanh từ trong ao thả ra ruộng lúa.

Với thức ăn cho tôm hoàn toàn tự nhiên (chủ yếu là khoai lang), đến khoảng tháng 11 và 12 âm lịch, ông thu hoạch đồng thời cả lúa lẫn tôm càng xanh. Khi thu hoạch xong, ông tiếp tục cải tạo lại ao tôm để ương tôm sú, khi tôm được 20 đến 25 ngày thì chuyển qua ruộng lúa (đã thu hoạch xong) và đến thời điểm như hiện nay là chuẩn bị thu hoạch vụ tôm sú.

Với số vốn bỏ ra của 2 vụ tôm 1 vụ lúa là khoảng 30 triệu đồng, trừ hết chi phí, ông thu về lợi nhuận khoảng 170 triệu đồng/2ha/năm.

Ông Tùng chia sẻ một số bí quyết làm trúng tôm lẫn lúa là phải làm nghiêm chỉnh từ khâu cải tạo nước, sử dụng vôi, men cải tạo ao và điều quan trọng là phải thả giống thưa, không quá dày. Ông Tùng đúc kết, cách làm 1 vụ lúa, 2 vụ tôm (1 vụ tôm càng xanh và 1 vụ tôm sú) là cách làm bền vững nhất.

Nông dân làm lúa - tôm Bạc Liêu sẽ làm giàu

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, năm 2001 toàn tỉnh có 5.851ha thì đến năm 2010 đã tăng lên 29.000ha (gấp 5 lần) sản xuất tôm - lúa. Đến cuối năm 2017, diện tích mô hình này tiếp tục phát triển và mở rộng đến 33.747ha, chiếm khoảng 25% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Năng suất trung bình giai đoạn 2011 - 2017 đạt 290kg/ha, tổng sản lượng tôm đạt trên 60.000 tấn, với thu nhập bình quân từ 20 - 40 triệu đồng/ha/vụ.

Theo ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, việc người dân trong tỉnh trồng lúa không phải để kinh doanh là chủ yếu mà để ăn, kết hợp với nuôi tôm là điều kiện thuận lợi để tiến tới trồng lúa sạch, hữu cơ. Ông Trung khẳng định với đà hiện nay, người dân làm lúa - tôm trong tỉnh sẽ làm giàu trên mảnh đất của mình.

CHÍ QUỐC - TRẦN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên