Cảm ơn Tuổi Trẻ đã cho tôi cơ hội được "tự thú". Tôi dùng tên thật chứ không bút danh, để hi vọng điều kỳ diệu sẽ đến.
THANH BÌNH
"Mối tình đầu" đến với tôi năm 1994, lúc tôi đang học năm thứ hai tại một trường đại học ở Thủ Đức, TP.HCM.
Tình yêu từ xe nước mía
Ngay khi mới nhập học, tôi đã chú ý đến xe nước mía bên lề đường gần ký túc xá do một phụ nữ tên L., trạc 50 tuổi, và cô con gái đứng bán. Sau trà đá thì nước mía là thức uống giải khát hợp túi tiền sinh viên, nên tôi nhanh chóng trở thành khách hàng thân thiết.
Cũng nhờ vậy mà tôi biết hoàn cảnh hai mẹ con bán nước mía. Quê bà L. ở tận tỉnh biên giới phía Bắc, chồng chẳng may bị sét đánh trong lúc làm nương. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại mất trụ cột trong nhà khiến bà phải dắt người con gái duy nhất tha phương.
Bà làm đủ mọi việc để nuôi con. Lao động phổ thông, ai thuê gì làm nấy nên cuộc sống mẹ con cứ nay đây mai đó, và cô gái chỉ kém tôi một tuổi nhưng chưa bao giờ được đi học. Cái nghèo cái khó cứ đeo bám rồi đưa đẩy mẹ con phiêu dạt tới đất Sài thành.
Sức khỏe bà giảm sút nhiều, lại mang trong người căn bệnh hiểm nghèo. Con gái thì chưa tìm được nghề gì phù hợp chính là lý do khiến bà lấy xe nước mía mưu sinh và kiếm tiền chữa bệnh.
H., con gái bà, tuy không đẹp nhưng đôi mắt luôn đượm buồn đã làm tôi dành nhiều thời gian nhớ đến. Tuổi thơ và gia cảnh em không được may mắn như tôi. Gia đình tôi chẳng khá giả gì nhưng cũng lo cho tôi được học đến nơi đến chốn. Còn em thì vẫn chưa biết khi nào mới thoát khỏi nhọc nhằn, vất vả.
Từ khi biết chuyện mẹ con H., tôi lui tới nhiều hơn. Tình cảm và sự quan tâm của tôi dần khiến em nhận ra. Tôi tâm sự với H. rằng muốn có công việc ổn định thì phải học nghề, mà muốn học nghề thì phải học chữ. Tôi tình nguyện làm "gia sư" miễn phí cho em.
Nhờ kiên trì thuyết phục nên bà L. đồng ý để tôi dạy kèm con gái. Mỗi tối, sau khi tôi học bài xong cũng là lúc em và mẹ được nghỉ, tôi đến phòng trọ dạy H. tập đọc, tập viết. "Thầy trò" đều tuổi thanh xuân, bên cạnh những con chữ cái còn có tiếng thổn thức của hai trái tim bắt đầu chung nhịp đập.
Ngày em biết đọc, biết viết, tôi đã để lại "bức thư tình" trong quyển vở chỉ vỏn vẹn ba chữ "Anh yêu em!". Hôm sau, tôi nhận được thư hồi âm của H. cũng với ba chữ ấy nhưng đã hoán đổi vị trí của hai đại từ nhân xưng.
Tôi đã gần như là thành viên của gia đình H.. Mẹ em chỉ một mụn con nên xem tôi như ruột thịt. Tôi bắt đầu bàn chuyện lâu dài của hai đứa, rằng lúc ra trường tôi không xin việc ở Sài Gòn mà sẽ đưa mẹ con H. về quê tôi ở miền Trung để mỗi khi ra thăm quê em cũng thuận lợi hơn. Từ đó, chúng tôi cứ mong sao cho nhanh đến ngày tôi được "vinh quy bái tổ".
Nỗi đau suốt đời tôi
Thế nhưng, bệnh tình mẹ H. khiến bà không thể chờ đến ngày con gái lên xe hoa. Bà ra đi chỉ vài tháng sau khi chúng tôi dệt ước mơ đẹp đẽ kia. Lúc lâm chung, bà nắm chặt tay hai đứa và nói bằng tất cả nỗi lòng người mẹ: "Hai con hãy yêu thương nhau suốt đời, cha mẹ nơi suối vàng chỉ mong các con hạnh phúc".
Tôi hứa với bà sẽ luôn là người chồng tốt của H., bà ráng gượng cười lần cuối kèm theo giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ. Nhìn đôi mắt của bà trước khi vĩnh viễn nhắm lại, tôi hiểu bà đã đặt tất cả lòng tin và tương lai cô con gái đáng thương vào tôi.
Sau ngày bà L. từ giã cõi đời, tôi ít khi về ký túc xá. Phòng trọ của H. và mẹ thuê là nơi đi về của tôi. Chỗ dựa tinh thần duy nhất của em bây giờ chính là tôi. Ngoài giờ học, tôi phụ em bán nước mía, cuộc sống chúng tôi giản dị mà đầy ắp yêu thương...
Thế rồi một hôm, H. ôm chặt tôi và khoe rằng đã có thai. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì tình yêu chúng tôi ra hoa kết trái, nhưng lại lo vì tôi biết ba mẹ không bao giờ chấp nhận nàng dâu có thai trước.
Sau nhiều đêm dằn vặt, tôi bất đắc dĩ nói với em: "Mình đành phải hi sinh đứa con, vì chắc chắn ba mẹ anh không đồng ý". Sự vô tâm và hèn nhát của tôi đã bị em phản ứng quyết liệt.
H. nhất định không nghe tôi, em nói trong nước mắt: "Thà em chịu xa anh, chứ không chấp nhận mất con". Dù biết tính em nói sao làm vậy, song tôi không thể ngờ em lại hành động rất nhanh và quyết đoán.
Chiều hôm ấy học xong, tôi ra đến nơi đặt xe nước mía nhưng không thấy H. lẫn xe đâu. Tôi liền chạy về phòng trọ thì bác chủ nhà chờ sẵn để đưa lá thư của em và cho biết em đã trả phòng, chiếc xe ép nước mía được em bán với giá không thể rẻ hơn. H. đi đâu thì chỉ mình em biết!
Lá thư của em để lại cho tôi cũng chỉ vỏn vẹn ba chữ, song không phải ba chữ đong đầy hạnh phúc như lần em đáp lại tình yêu của tôi. Em viết ngắn gọn mà tim tôi thắt lại: "Đừng tìm em!".
Những ngày sau đó, tôi đau đớn dành hết thời gian rảnh để đi tìm em khắp phố phường Sài Gòn nhưng vô vọng. Kỳ nghỉ tết năm ấy và nhiều lần sau nữa, tôi ra tận quê em với ước mong được gặp, nhưng đều nghe người dân ở đó cho biết từ khi hai mẹ con bà L. dắt nhau đi vẫn không thấy quay về...
Khát khao tìm mẹ con em
Một phần tư thế kỷ trôi qua, tôi chưa bao giờ tha thứ cho mình!
Tôi sống trong ân hận, day dứt nhưng cũng hiểu rằng nỗi khổ tâm của tôi không thể nào so sánh được với cô gái trẻ bụng mang dạ chửa, không nhà, không người quen, một thân một mình nghèo khó lo cho đứa con.
Trong hoàn cảnh éo le ấy, H. đã mạnh mẽ hơn tôi rất nhiều. Em quyết giữ lại giọt máu của tôi dù phải chịu nhiều cơ cực. Còn tôi không như tên Sở Khanh "quất ngựa truy phong" nhưng vẫn là kẻ đáng bị nguyền rủa, lên án.
Trước khi viết bài này, tôi đã kể hết cho vợ và con gái. Bà xã tôi vốn nhân hậu nên đã cùng con khuyên tôi viết thật đầy đủ câu chuyện trên với mong muốn tìm lại được mẹ con H.. Đứa con tôi đang lưu lạc năm nay được 24 tuổi, còn người mẹ 44 tuổi.
Đó cũng là lần duy nhất đời tôi phạm sai lầm chuyện tình cảm. Tôi luôn lấy đó làm bài học sâu sắc và áp dụng cho cả với công việc. Tránh làm tổn thương người khác cũng là cách để tôi phần nào chuộc lại lỗi lầm năm xưa...
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019
* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.
* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.
* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.
Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.
Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.
Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.
Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.
* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.
Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.
* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.
* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.
Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: [email protected].
Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận