Nguyễn Huy Tâm - Ảnh: VŨ THỦY
Nguyễn Huy Tâm - tác giả cuốn sách Through Asia: A whisper from the East (tạm dịch: Cảm nhận châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông) - học tài chính, làm ngân hàng rồi xê dịch, viết sách. Lời thì thầm từ phương Đông - hành trình 10 năm cũng là hành trình để anh nhận ra "không đâu bằng Việt Nam".
"I am Vietnamese"
* Anh đã từng sống ở hơn 90 thành phố ở 4 châu lục trên thế giới, chỉ trừ châu Úc chưa ghé qua... Anh có chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng rồi anh nhận ra không đâu bằng Việt Nam.
- Càng đi xa thì lực hấp dẫn từ Việt Nam càng lớn hơn và thôi thúc tôi quay về. Lực hấp dẫn đó là tổng hòa của nhiều yếu tố: văn hóa, công việc, ẩm thực, các mối liên hệ hay đơn giản chỉ là cảm giác được bơi trong dòng chảy nguồn cội.
Cuốn sách là sự trải nghiệm, chiêm nghiệm. Đó không phải là một tháng ngồi viết mà là những bài viết từ rất lâu, trải dài suốt 10 năm. Từ những đoạn viết rất ngây ngô cho đến những bài viết sâu hơn, những vấn đề mang tính xã hội. Cuối cùng là nhìn lại tất cả mọi thứ để đối chiếu với Việt Nam, tôi đã viết chương cuối "I am Vietnamese" (Tôi là người Việt Nam).
Có thể khi bắt đầu bước đi, tôi không biết ngoài kia là cái gì và khát khao mong tìm thấy một nơi dành cho mình. Nhưng sau bao nhiêu con đường, bao nhiêu thành phố thì tôi lại nhận ra điều đặc biệt lại là thứ đơn giản nhất và tôi có tất cả những thứ đó ở Việt Nam.
* Anh có chia sẻ rằng hành trình của anh bắt đầu bằng sự bế tắc của tuổi 30?
- Năm nay tôi bước vào tuổi 40, tôi học tài chính, ra trường đi làm 7-8 năm ở những ngân hàng quốc tế. 24-25 tuổi thu nhập của tôi đã rất ổn so với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng khủng hoảng tuổi 30 không phải là cơm áo gạo tiền mà là khủng hoảng về bản ngã.
Lúc đó tôi không biết mình là ai, hạnh phúc là như thế nào, và cái trống rỗng đó cứ to dần. Tôi quyết định thay đổi và đi tìm cái mình thực sự muốn, đến một thành phố lạ, sống bình lặng, không ai biết mình. Lúc đó tôi chỉ muốn đi, ở hay về không quan trọng vì lựa chọn lúc đó mang tính trốn tránh của độ tuổi 30.
* Tại sao anh lại chọn viết sách bằng tiếng Anh?
- Tôi muốn chứng minh người Việt Nam bây giờ có thể làm tất cả mọi thứ. Đi nhiều nơi, tôi gặp nhiều người chia sẻ rằng họ vẫn nghĩ Việt Nam còn rất nghèo.
Họ hỏi tôi là làm sao tôi có tiền để du lịch đến đây? Tôi nói với họ Việt Nam đang thay đổi. Có cả một thế hệ trẻ Việt Nam sau chiến tranh trẻ trung, làm việc chăm chỉ, có thể nói tiếng Anh và đi khắp nơi trên thế giới.
Khi bước vào các nhà sách nước ngoài, có sách của tác giả nhiều nước nhưng dường như không thấy sách nào của tác giả Việt Nam do người Việt Nam viết bằng tiếng Anh. Cuốn sách của tôi không phải là điều gì đao to búa lớn nhưng tôi muốn góp phần tạo cảm hứng để sau này sẽ có thêm nhiều tác giả Việt Nam viết sách tiếng Anh xuất bản ra thế giới.
Càng đơn giản càng hạnh phúc
* Anh đã nhắc nhiều đến từ hạnh phúc trong sách của mình. Tại sao anh chọn Myanmar để mở đầu cho cuốn sách?
- Sự chiêm nghiệm trong chiều dài quyển sách cũng chính là hành trình trưởng thành của chính bản thân tôi. Tôi chỉ mượn các thành phố để chia sẻ hành trình của chính mình. Tôi chọn Myanmar để mở đầu cho cuốn sách bởi Myanmar tại thời điểm mà tôi đến là điển hình cho một châu Á nguyên bản, khi các đất nước hay các thành phố khác đã mất dần những giá trị.
Đô thị hóa là cơn cuồng phong cuốn trôi các di tích lâu đời, văn hóa đặc sắc. Toàn cầu hóa biến một số quốc gia thành những đứa con lai không rõ nguồn gốc nữa thì Myanmar là một quốc gia còn giữ nguyên các giá trị. Nhu cầu của người dân Myanmar lúc đó đơn giản hơn nhiều so với những gì mà chúng ta nghĩ chúng ta cần phải có.
Tôi nhận ra đến cuối cùng, hạnh phúc càng đơn giản thì càng bền lâu. Tôi muốn chọn Myanmar để đưa thông điệp của mình vào toàn bộ quyển sách: hãy theo đuổi hạnh phúc từ những điều đơn giản.
* Điều đơn giản đối với anh là như thế nào?
- Trước đây đi đâu tôi cũng kéo theo vali to, đưa tất cả vào trong đó, giờ thì sáng trưa chiều mặc một bộ cũng được. Thật ra chúng ta chỉ có nhu cầu sở hữu nhưng nhu cầu sử dụng không có nhiều. Những thứ chúng ta sở hữu cũng là những gì chúng ta gánh trên vai, càng nhiều càng mệt. Tôi nhận ra của cải thế giới là hữu hạn. Mỗi người sở hữu ít đi một chút thì thế giới mới bền vững.
Con người cũng như cái cây, lớn lên đơm hoa kết trái rồi lụi tàn. Mọi thứ rồi sẽ biến mất nhưng con người đang tạo nên nhiều thứ có hại. Những khối bêtông không biến mất, quần áo không biến mất, túi nilông phải mất rất nhiều thời gian để phân hủy.
* Khi nhắc đến thế hệ trẻ Việt Nam, thế hệ của anh và những bạn trẻ kế cận, anh dường như có một niềm tin rằng họ sẽ là thế hệ tạo nên sự đổi thay?
- Tuổi trẻ giờ có nhiều cơ hội. Ở các thị trường như Singapore, Hong Kong..., mọi thứ đã vào giai đoạn bão hòa. Còn ở những thị trường đang phát triển thì cơ hội dành cho tất cả mọi người. Việt Nam chính là nơi các bạn trẻ có thể phát triển. Nếu bạn đủ tốt thì cơ hội rất nhiều.
Giới trẻ hiện nay cũng có nhiều vấn đề tạm gọi là tiêu cực nhưng đó dường như là vấn đề của giới trẻ ở bất kỳ nơi nào. Giống như quá trình tiến hóa, một quá trình chắt lọc sẽ diễn ra.
Thiên đường nằm ở chính mình
* Anh có từng mơ mộng đến một "thiên đường" khác khi bắt đầu hành trình của mình?
- Tôi đã từng suy nghĩ rằng tại sao lại mặc định mình phải ở Việt Nam và tôi đi để muốn chứng minh mình có thể sống ở bất cứ đâu. Đi để trở về. Giờ đây tôi không còn ngồi ở đây mộng mơ những chân trời khác. Tôi muốn ở nơi mình tạo ra nhiều giá trị, được cống hiến nhiều nhất, sống có ý nghĩa nhất. Khi xác định được điều đó, tôi không hoài phí thêm phút giây nào nữa.
Bất kỳ nơi nào cũng có thể là thiên đường nếu các bạn có nền tảng vững. Nhưng cũng sẽ không có nơi đâu là thiên đường nếu không có học vấn, trang bị kỹ năng... Ở Việt Nam cũng không thể sống tốt được nếu thiếu đi những điều đó. Thiên đường ở chính bản thân chúng ta.
Viết thư cho 70 nhà xuất bản
Cuốn sách Cảm nhận châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông
Với Through Asia: A whisper from the East - cuốn sách du ký xuất bản bằng tiếng Anh trên Amazon, Nguyễn Huy Tâm chia sẻ anh không nhớ đã nhận bao nhiêu cái email từ chối. Anh cho biết khi đại dịch bùng lên thì nhiều nhà xuất bản bắt đầu ngại ngần khi tiếp nhận một bản thảo du lịch từ châu Á. Nhiều hợp đồng đã đi đến gần kết nhưng phải hoãn lại để chờ đợi diễn biến từ dịch bệnh.
"Tôi nghi ngờ về tính thời điểm, nhưng cũng nghĩ lại rằng nếu thế giới dừng lại thì nhu cầu đọc sẽ tăng lên và chắc chắn sẽ có ai đó nghĩ giống mình. Nên tôi lại tiếp tục thức thêm nhiều đêm, gửi thêm nhiều email đến hơn 70 nhà xuất bản. Và rồi sách ra mắt và lên Amazon vào tháng 3-2020" - anh cho biết.
Huy Tâm hiện đang làm ở bộ phận trải nghiệm khách hàng cho một nhãn hàng cao cấp tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận