Thông điệp tranh cử của bà Clinton trên trang mạng Twitter - Ảnh: Reuters |
Tám năm trước, bà Clinton bước vào cuộc đua giành vé đại diện Đảng Dân chủ để tranh cử tổng thống Mỹ. Nhưng bà bất ngờ thất bại trước thượng nghị sĩ da màu Barack Obama. Thời điểm đó nội bộ Đảng Dân chủ khá chia rẽ.
Bà Clinton là người bỏ phiếu ủng hộ chiến tranh Iraq. Và đó là lý do khiến bà mất điểm trong con mắt cử tri Dân chủ quá ngán ngẩm những hậu quả tai hại mà nó và chiến tranh Afghanistan gây ra đối với nền kinh tế Mỹ. Ngược lại, ông Obama phản đối chiến tranh Iraq ngay từ đầu.
Các nhà phân tích cũng cho rằng lúc bấy giờ, đối với Đảng Dân chủ việc bầu tổng thống da đen đầu tiên có ý nghĩa to lớn hơn là bầu nữ tổng thống đầu tiên. Cộng đồng người Mỹ da màu hoàn toàn ủng hộ ông Obama.
Thời cơ thuận lợi
Ở thời điểm hiện tại mọi chuyện đã thay đổi. Hàng chục nghị sĩ Dân chủ đã lên tiếng ủng hộ bà Clinton, đội ngũ tranh cử của bà sở hữu nhiều chiến lược gia giàu kinh nghiệm.
Theo NBC News ngày 13-4, hàng loạt nhà tài trợ lớn của Đảng Dân chủ đã công khai bày tỏ sự ủng hộ bà Cliinton. Ở thời điểm này, chiến tranh Iraq không còn là vấn đề lớn đối với cử tri Mỹ.
Ngay cả những thành viên Đảng Cộng hòa cũng cho rằng sau khi có tổng thống da đen đã đến lúc nước Mỹ có nữ tổng thống. Và cũng không có ứng cử viên da đen nổi bật nào thách thức bà Clinton.
Báo chí Mỹ cho biết nhận thấy sự ủng hộ quá lớn dành cho bà Clinton, nhiều chính trị gia Dân chủ quyết định không tham gia tranh cử.
Báo Washington Post cho biết có ba ứng cử viên Dân chủ nhiều khả năng sẽ tham gia cuộc đua là cựu thống đốc bang Maryland Martin O’Malley, thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders và cựu thượng nghị sĩ bang Virginia Jim Webb.
Nhưng cả ba đều còn ít danh tiếng và không nhận được sự ủng hộ rộng rãi như bà Clinton.
Những thử thách
Giới quan sát cho rằng khi qua cửa bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, bà Clinton sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đụng độ trực tiếp với ứng cử viên Đảng Cộng hòa.
Bà vẫn có một số lợi thế nhất định, đó là việc kêu gọi tăng mức lương tối thiểu và tăng ngày nghỉ bệnh cho người lao động đều được đại đa số dư luận ủng hộ.
Nền kinh tế Mỹ tại nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng các đối thủ Đảng Cộng hòa chỉ trích các chính sách của bà Clinton là cũ kỹ và không có gì khác biệt so với cựu tổng thống Bill Clinton và ông Obama.
Trên thực tế, một khảo sát của NBC News và báo Wall Street Journal hồi tháng 3 cho thấy 51% cử tri được hỏi cho rằng bà Clinton “đại diện cho sự trở lại của các chính sách cũ” nếu được bầu làm tổng thống, trong khi chỉ 44% cho rằng bà sẽ đưa ra các ý tưởng mới mà nước Mỹ cần cho tương lai.
Phe Cộng hòa cũng mô tả chính sách ngoại giao của ông Obama là yếu ớt do quan hệ căng thẳng với đồng minh Israel, sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và khủng hoảng Ukraine. Mà bà Clinton từng giữ chức ngoại trưởng và là cố vấn ngoại giao hàng đầu của ông Obama.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu bà Clinton có thể kết nối được với tầng lớp cử tri trẻ tuổi muốn hướng tới tương lai hay không.
Tóm lại, bà Clinton là ứng cử viên hàng đầu để kế nhiệm ông Obama nhưng con đường trở lại Nhà Trắng với tư cách tổng thống của bà không chỉ trải đầy hoa hồng. Cựu đệ nhất phu nhân và ngoại trưởng Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến cực kỳ khốc liệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận