Lợi thế và bất ổn

PHẠM HIỆP 20/11/2016 02:11 GMT+7

TTCT - Học tại nhà (homeschooling hoặc home education) là một hiện tượng mới nổi ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của khá nhiều phụ huynh tại một số thành phố lớn gần đây. Liệu việc áp dụng mô hình học tập có nguồn gốc từ Âu Mỹ này khả thi ở Việt Nam?

Một
Một "lớp học" tại nhà ở Anh -firstthings.com


Giáo dục tại nhà (cho trẻ học hoàn toàn tại nhà thay vì đến trường) là một hình thức học tập khá phổ biến tại nhiều nước. Theo Viện Nghiên cứu giáo dục tại nhà quốc gia (Mỹ) - NHERI, trong năm 2010 có khoảng 2 triệu trẻ em ở Mỹ học tại nhà.

Tỉ lệ tăng trưởng hình thức này trong các năm trước đó dao động 2-8%/năm. Anh, Úc, Canada cũng được ghi nhận là những nước có nhiều học sinh học ở nhà. NHERI ước chừng con số tương ứng tại các nước này hiện nay từ vài chục ngàn đến 100.000 em.

Sự “nổi loạn” của phụ huynh?

Các nghiên cứu chỉ ra hai lý do chính khiến phụ huynh quyết định cho con học tại nhà:

Thứ nhất, vì hoàn cảnh đặc biệt: ví dụ, trẻ tàn tật, trẻ chậm phát triển, gia đình tại khu vực hẻo lánh, quá xa trường học hoặc bố mẹ trẻ di chuyển quá nhiều nên không thể cho trẻ học tại một trường cố định.

Thứ hai, vì không hài lòng với trường học chính quy thông thường. “Không hài lòng” là lý do chủ yếu, với 73% phụ huynh tại Mỹ cho con học ở nhà cho biết (thống kê của home-school.com).

Về hình thức học, phụ huynh có thể áp dụng nhiều hình thức cho trẻ khi học tập ở nhà bao gồm: học tự nhiên (theo đó, trẻ tự học theo nhu cầu, cha mẹ hỗ trợ), học theo chương trình chính quy (dùng chương trình tại nhà trường truyền thống và cha mẹ chính là giáo viên dạy trẻ) hoặc học theo một chương trình riêng dành cho homeschooling...

Gần đây, với sự phát triển của Internet, mô hình học online khá phổ biến, giúp phụ huynh có thêm nhiều phương án học tập cho con mình.

Tại Việt Nam, homeschooling đang dần trở thành mối quan tâm lớn và lựa chọn của nhiều phụ huynh thuộc thế hệ 8X ở các thành phố lớn.

Lý do chủ yếu để những bậc cha mẹ này quan tâm đến hình thức học tập tại nhà tương tự phụ huynh ở Mỹ và nhiều nước: họ tin rằng con cái họ cần nhận được một dịch vụ giáo dục tốt hơn những gì đang nhận được từ trường học truyền thống, nghĩa là cùng lý do “không hài lòng” kể trên.

Một nhóm trên Facebook, thành viên là những phụ huynh quan tâm đến học tập tại nhà, mới hoạt động hơn 1 năm đã có tới hơn 7.500 thành viên (tính đến tháng 10-2016). Một nhóm khác cũng mới hoạt động, lập tức đã thu hút gần 5.000 thành viên.

Một số phụ huynh thuộc các nhóm này đã cho con theo học chương trình online (mua tài khoản từ các website nước ngoài, ví dụ Acellus Academy) và lên kế hoạch học cho con song song học chính khóa trên lớp; một số phụ huynh cùng đứng ra mở lớp và mời thầy dạy riêng cho con mình theo giáo trình nước ngoài.

Một số đã tính đến chuyện cho con nghỉ học tại trường chính thống để thay bằng homeschooling. Có phụ huynh Việt nhưng đang sống ở nước ngoài và cho con học homeschooling 100% cũng tham gia nhóm, chia sẻ kinh nghiệm với các phụ huynh trong nước.

Những rào cản cần biết

Rõ ràng việc được nhận một chất lượng giáo dục tốt hơn, phù hợp hơn với con em mình là kỳ vọng chính đáng của bất kỳ phụ huynh nào. Tuy vậy, xét tổng thể tình hình thực tế ở Việt Nam, có một số rào cản nhất định mà theo đó phụ huynh quan tâm đến homeschooling cần rất thận trọng trước khi đưa ra quyết định chính thức:

Thứ nhất, về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam vẫn chưa thừa nhận/cho phép mô hình học tập tại nhà.

Thứ hai, trong thực tế vẫn chưa có một chương trình nào theo mô hình homeschooling được thiết kế riêng cho học sinh Việt Nam và được đánh giá, kiểm định.

Một số chương trình online nước ngoài (như Acellus Academy) mà nhiều phụ huynh đang áp dụng cho con có thể rất tốt nhưng chỉ có ý nghĩa bổ trợ, không có gì đảm bảo sẽ hoàn toàn phù hợp với người Việt và có thể thay thế được chương trình đào tạo bằng tiếng Việt.

Thứ ba, về mặt giảng dạy, đào tạo tại nhà có những đặc thù riêng, một số bang ở Mỹ đã thiết kế chương trình đào tạo dành riêng cho phụ huynh có con học tại nhà.

Với phụ huynh Việt Nam, khi con vẫn đến trường bình thường, họ có thể rất tự tin trong việc giúp con làm bài tập về nhà, học cùng con... nhưng để làm được vai trò người thầy, dạy tất cả các môn, trả lời tất cả câu hỏi kéo dài trong nhiều năm của con lại là một vấn đề rất khác.

Thứ tư, vì chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận nên hệ thống giáo dục Việt Nam cũng chưa đưa ra được quy trình hỗ trợ, giám sát và đảm bảo chất lượng việc học tập của trẻ theo hình thức homeschooling tương tự một số nước.

Hệ thống giáo dục Việt Nam cũng chưa có các bài thi chuẩn hóa nhằm so sánh mức độ phát triển của trẻ học homeschooling và trẻ học tại trường truyền thống (bang North Darkota (Mỹ) yêu cầu bắt buộc dừng homeschooling nếu kết quả thi của trẻ nằm dưới top 50% tại các kỳ thi định kỳ và chuẩn hóa).

Cuối cùng và không kém phần quan trọng, cơ hội được rèn luyện những kỹ năng xã hội trong tập thể với bạn bè đồng lứa của những đứa trẻ học homeschooling sẽ bị hạn chế.

Một số nhà khoa học phương Tây đã cảnh báo điều này từ cách đây hai thập kỷ. Luffman (1997) và Pfleger (2008) nói về việc trẻ học homeschooling dễ gặp vấn đề liên cá nhân, khả năng làm việc nhóm, khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động, có những hành vi không theo chuẩn mực thông thường...

Mặc dù các mối lo này gần đây đã được một số nhà khoa học (như Medlin, 2013; Romanowski, 2006) hóa giải (không có khác biệt đáng kể giữa học sinh học tại nhà và học sinh thường), nhưng phần lớn các nghiên cứu này được thực hiện ở các nước phương Tây, không có gì đảm bảo các vấn đề về kỹ năng xã hội sẽ không xảy ra với trẻ học tại nhà ở Việt Nam.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận