26/12/2018 08:16 GMT+7

Lời thề Hippocrates trước biển

HUỲNH HIẾU
HUỲNH HIẾU

TTO - Một quốc gia muốn mạnh lên từ biển, làm giàu từ biển không chỉ tập trung cho hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, mà cần đầu tư tương xứng cho hiện đại hóa công việc quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi của biển.

Lời thề Hippocrates trước biển - Ảnh 1.

Tàu cá đậu tại cảng cá Tắc Châu (Châu Thành, Kiên Giang) - Ảnh: K.NAM

Những ngày này ở nhiều làng chài, không ít ngư dân lớn tuổi ngồi bó gối nhìn ra khơi, tiếc nuối cho "biển của một thời đã mất". Biển khi họ sinh ra là tôm cá ven bờ có nơi nhiều như trong ao nhà. Rồi cá tôm giảm dần đi với nghề lưới vây, lưới rê, giã cào, xiệc điện... thậm chí đánh mìn.

Cảnh báo từ Viện Hải dương học từ nhiều năm trước cho thấy môi trường và nguồn lợi hải sản ở nhiều vùng suy giảm với tốc độ chóng mặt. Thế nhưng, các biện pháp ngăn chặn và tái tạo nguồn lợi không hiệu quả.

Nhiều khu không ngăn chặn được nạn tàu cá xâm nhập bất hợp pháp. Những rạn san hô là bãi sinh đẻ của cá và các loài sinh vật biển không được bảo vệ bị chết dần mòn.

Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu cơ bản phục hồi nguồn lợi hải sản vùng ven bờ, đến nay đang khó thành hiện thực.

Với những gì đang làm cho biển ngày càng nghèo đi, cho thấy bộ máy bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tổ chức thành ngành dọc của quốc gia (mỗi tỉnh đều có chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nay là chi cục thủy sản) hoạt động không như mong đợi.

Đây là lực lượng được xem như "cảnh sát khai thác biển" nhưng hoạt động thực tế trên biển rất ít, phương tiện tàu thuyền và trang bị đã thiếu lại không hiện đại. Việc kiểm tra luật lệ trên biển, trong đó có Luật thủy sản, không được thực hiện nghiêm và chủ yếu dựa vào lực lượng bộ đội biên phòng.

Mặt khác, việc nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi biển cho người dân, đặc biệt cho cộng đồng cư dân ven biển, được thực hiện nhiều nhưng chưa đem lại kết quả thiết thực.

Rất cần kiện toàn công tác này theo hướng xây dựng và áp dụng bộ quy tắc ứng xử bảo tồn biển của cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, cần tham khảo bộ quy tắc ứng xử bảo tồn biển của nhóm chuyên gia hàng đầu thế giới (tác giả chính Nathan Bennett, một nhà nghiên cứu tại Đại học Washington), đã đưa ra tại Hội nghị Bảo tồn thế giới của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN (International Union for Conservation of Nature) tại Honolulu (Hoa Kỳ) vào năm 2016.

Điểm đặc biệt của bộ quy tắc này là kêu gọi thực hiện "" cho công tác bảo tồn biển, như lời tuyên thệ về các chuẩn mực đạo đức của các bác sĩ khi bước vào nghề.

Một điều đáng mừng là ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân đem cá tôm giống thả ra biển để tái tạo nguồn lợi hải sản. Đây là điểm rất sáng trong bức tranh bảo tồn biển ảm đạm hiện thời.

Nếu chúng ta vận động được các cộng đồng dân cư ven biển và các doanh nghiệp cùng chung tay cho công việc này một cách thường xuyên và khoa học hơn, chắc chắn sẽ tạo ra một cơ hội rất lớn để phục hồi sản vật biển.

Tham gia tái tạo biển, làm sạch biển vì thế rất cần trở thành một phong trào huy động nhiều người dân, nhất là thanh niên, tham gia để ứng xử nhân văn hơn, thân thiện hơn với biển.

Một quốc gia muốn mạnh lên từ biển, làm giàu từ biển không chỉ tập trung cho hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, mà cần đầu tư tương xứng cho hiện đại hóa công việc quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi của biển.

HUỲNH HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên