20/08/2015 11:02 GMT+7

Lời thề Hippocrates của bác sĩ Luyện

VŨ ĐÌNH HÒE
VŨ ĐÌNH HÒE

TT - Tốt nghiệp xuất sắc y khoa Đại học Đông Dương, ông được cấp học bổng sang Pháp làm luận văn y học xã hội về nạn tử vong của trẻ sơ sinh Việt Nam.

Sáu đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội ra mắt cử tri. Người đứng thứ ba từ phải sang là bác sĩ Nguyễn Văn Luyện. 11 tháng sau ông “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” và hi sinh cùng hai con trai của mình, đều là sinh viên y khoa - Ảnh tư liệu
  • >> Kỳ 1: 
  • >> Kỳ 2: 

Bảo vệ thành công, năm 1928 ông trở về Việt Nam hành nghề khám, chữa bệnh, phổ biến kiến thức vệ sinh trong các vùng nông thôn xa xôi, thành lập nhà thương Ngõ Trạm nhận điều trị cho người nghèo. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được Hồ Chủ tịch mời vào ban cố vấn cho Chủ tịch Chính phủ.

Về Việt Nam, hiến dâng cuộc đời cho trẻ thơ nghèo khó

Với bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, dù nghe danh đã lâu, tôi chỉ trực tiếp quen biết từ khi nhà tôi có mang đứa con đầu lòng. “Con đầu, cháu sớm”, vợ tôi lại nhỏ yếu nên mẹ tôi lo lắm. Tôi nói cứng để bà yên lòng: “Mẹ khỏi lo. Con có “cẩm nang” đây rồi”!

Và chìa cho bà xem cuốn sách Sản dục chỉ nam của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện. Bà bĩu môi, lẩm bẩm: “Cái lũ giẫm phải cứt Tây!”. Nhưng đến khi tôi đọc cho vợ nghe các biện pháp và lời khuyên dưỡng thai của bác sĩ Luyện thì thấy bà chăm chú lắng nghe rồi khen.

Tôi tìm gặp bác sĩ Luyện để được chỉ bảo thêm. Ông đưa tôi đọc bản luận văn hoàn thành trong những năm du học ở Paris, nghiên cứu về nguyên nhân tử vong sớm của trẻ sơ sinh ở nước ta.

Vốn sợ nghề y từ nhỏ, cả đời tôi chưa bao giờ động đến sách y học. Nhưng bản luận văn của bác sĩ Luyện tôi đã đọc một cách say mê vì ông đề cập sâu sắc những nguyên nhân xã hội của cái ông gọi là “thảm trạng”: tỉ lệ tử vong cao “khủng khiếp” (những chữ chính ông dùng) ở trẻ sơ sinh Việt Nam.

Trước, tôi đã nghe bạn bè nói nhiều về ông bác sĩ thường lặn lội những vùng “ma thiêng nước độc”, hoặc như ngày nay ta nói “vùng sâu vùng xa”, để khám, chữa bệnh, phổ biến kiến thức vệ sinh tối thiểu về thai nghén, sinh nở cho phụ nữ thôn quê, chiến đấu thật sự với những hủ tục dẫn đến tử vong của ấu nhi ngay trong năm đầu đời.

Bây giờ đọc luận văn, tôi thật sự khâm phục tấm lòng vàng vì dân nghèo của ông: từ thuở tôi còn mài đũng quần ở Trường Bưởi, ngay từ khi làm bản luận văn của mình giữa Paris hoa lệ, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã viết ra lời thề Hippocrates của riêng ông: trở về Việt Nam hiến dâng tất cả sức lực, cả cuộc đời để chống lại tai họa cướp đi mạng sống của trẻ thơ nghèo khó.

Nguyễn Văn Luyện là bác sĩ đầu tiên mở bệnh viện tư ưu tiên khám chữa bệnh cho người nghèo. Ngôi nhà 167 phố Phùng Hưng, Hà Nội trở nên nổi tiếng với cái tên dễ thương: nhà thương Ngõ Trạm.

Để truyền bá rộng rãi quan điểm y học xã hội của mình, ông ra báo Tin Mới, một tờ báo bán rất chạy ở Hà Nội thời ấy do xu hướng tiến bộ và cập nhật tin sốt dẻo, in ấn đẹp.

Quan điểm xã hội tiến bộ sớm đưa bác sĩ Luyện đến với phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì tờ báo của ông là tờ báo công khai đầu tiên ở Hà Nội cho đăng 10 chính sách của Việt Minh.

Ông gia nhập Đảng Dân chủ, trở thành đồng chí của tôi trong Trung ương Đảng. Hai tháng sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập và ra mắt Chính phủ Nhân dân lâm thời, Hồ Chủ tịch đề nghị lập một ban cố vấn cho Người gồm mười nhân sĩ uy tín nhất.

Trong sáu vị đầu tiên do chính Người đề cử có bác sĩ Nguyễn Văn Luyện.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6-1-1946 ông được bầu làm một trong sáu đại biểu của Hà Nội, được cử vào Ủy ban Thường trực Quốc hội.

Những trọng trách liên tục được trao chứng tỏ sự tín nhiệm đặc biệt của Hồ Chủ tịch đối với bác sĩ Luyện: thành viên phái đoàn đàm phán với Pháp tại Hội nghị Đà Lạt, cố vấn trong phái đoàn đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau.

Trong tình hình cực kỳ căng thẳng hồi cuối năm 1946, khi thực dân Pháp luôn luôn gây hấn, kích động các đảng phái phản động chống Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Nguyễn Văn Luyện nhanh chóng viết và cho in một cuốn sách nhỏ, lên án chính sách thuộc địa mới của chính phủ De Gaulle và phanh phui thủ đoạn phỉnh phờ lôi kéo giới trí thức Việt Nam, hòng lập lại nền thống trị của Pháp.

Cuốn sách nhỏ của ông như quả tạc đạn ném thẳng vào hàng ngũ vốn đã hỗn loạn của chúng khiến chúng vô cùng tức tối.

Bác sĩ Luyện và gia đình. Hai cậu con trai sau này đã hi sinh cùng ông, sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng - Ảnh tư liệu

Đừng quên ba cha con nhà bác sĩ Luyện!

Lo lắng bọn thực dân hiếu chiến và bè lũ phản động có thể manh động trả thù, Hồ Chủ tịch thông qua anh Hoàng Minh Giám, lúc ấy đang giữ chức thứ trưởng nội vụ và là bạn thân của bác sĩ Luyện, đề nghị cho tổ chức đưa cả gia đình ông tản cư ra vùng an toàn ở ngoại thành.

Tôi cũng nói góp thêm vào. Ông trả lời trang nghiêm như một lời thề: “Hai con trai tôi, sinh viên y khoa, là tự vệ thành, đã quyết tử thủ. Tôi là bác sĩ, quyết không rời chiến sĩ”.

Sang tháng chạp 1946 chiến sự có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Một chập tối anh Hoàng Minh Chính tự tay lái xe hơi đến cơ quan Bộ Tư pháp, cấp tốc đưa gia đình tôi ra vùng ngoại thành.

Anh rỉ tai tôi: “Ông Luyện không chịu đi, ba cha con với khẩu súng máy cố thủ trong nhà. Ông cho vợ và ba con gái tản cư rồi”.

Khoảng 8g tối 19-12-1946, điện thành phố phụt tắt. Tiếng đại bác từ pháo đài Láng của ta gầm vang, bắt đầu cuộc toàn quốc kháng chiến.

Ngay đêm hôm sau, tôi được anh Vũ Bội Liêu, giao thông liên lạc của văn phòng Bộ Tư pháp, thoát ra từ khu vực tòa án đối diện với nhà bác sĩ Nguyễn Văn Luyện (nay là Sứ quán Cuba), báo cáo cho biết bác sĩ Luyện cùng hai con trai đã chống trả đến viên đạn cuối cùng, bị bọn Pháp xông vào hạ sát.

Đúng hai tháng sau, đêm 30 tết 1947, Hội đồng Chính phủ họp tại thôn Sài Sơn, sát nách chùa Thầy, cách nội thành Hà Nội chỉ hai chục cây số. Tôi được Hoàng Minh Chính báo đến hang Thánh Hóa trước cuộc họp một giờ.

Còn đang tần ngần trước cửa hang thì đã thấy một “lão nông” men đường hẻm sau núi bước ra. Cụ quàng khăn bông đầy cổ, chống gậy tre vì đường trơn sau mấy ngày liên miên mưa dầm. Hồ Chủ tịch! Tôi cúi đầu chào.

Cụ Hồ nắm tay tôi, vào đề luôn: “Trung ương Dân chủ hiện đóng ở đâu? Tôi nghe báo cáo các chú ngưng sinh hoạt, hòa mình vào các tổ chức Việt Minh là ý tứ thế nào? Chính lúc này mới cần đến các chú đấy!”.

Rồi Cụ hỏi thăm về gia đình bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, giọng bùi ngùi, hẳn là nhớ đến sự hi sinh oanh liệt của ba cha con ông...

Tôi vội báo cáo với Cụ việc Trung ương Dân chủ vừa cử người đại diện về quê thăm, chúc tết chị Luyện. Bà đang công tác trong Hội Bà mẹ chiến sĩ huyện, các con gái dạy giúp lớp bình dân học vụ ở xã... Cụ vui vui.

Nhiều năm sau chiến tranh, Hồ Chủ tịch vẫn còn quan tâm đến gia đình người bác sĩ đã tận hiếu với dân, tận trung với nước. Người ra những chỉ thị trực tiếp để các con gái bác sĩ Luyện được ăn học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm thuận lợi.

Từ sau đổi mới và mở cửa, Hà Nội ồ ạt xây dựng, mở rộng và đặt tên nhiều đường phố mới. Nhưng phải chăng người ta đã quên gương hi sinh lẫm liệt vì thủ đô ngàn năm của ba cha con bác sĩ Nguyễn Văn Luyện?

Tôi ước sao đến một ngày tại thủ đô sẽ có đường phố tên là “Phố Ba cha con liệt sĩ”, bởi cả hai người con trai ở tuổi hoa niên đã ngã xuống cùng ông rất đáng được tôn vinh.

Kỳ tới: Vị tiến sĩ ở Viễn Đông Bác Cổ

VŨ ĐÌNH HÒE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên