10/09/2021 15:00 GMT+7

Lợi thế của Masan MEATLife sau tái cấu trúc

T.H
T.H

Ngày 10-9, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Masan MEATLife (MML) đã có tờ trình gửi đến Đại hội đồng cổ đông về kế hoạch tái cấu trúc của công ty.

Lợi thế của Masan MEATLife sau tái cấu trúc - Ảnh 1.

Thịt mát MEATDeli hiện đã có mặt tại hơn 2.300 siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+

Theo đó, MML sẽ được tái cấu trúc để tách biệt các mảng kinh doanh độc lập (Feed - Farm - Food), bao gồm khả năng tách mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Công ty sẽ chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh chỉ tập trung vào thịt có thương hiệu.

Masan MEATLife (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) khởi đầu trong chuỗi cung ứng thịt bằng việc hợp nhất 2 công ty thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam là ANCO và Proconco vào năm 2015.

Công ty đầu tư vào phần còn lại của chuỗi cung ứng (trang trại, nhà máy chế biến, chuỗi bán lẻ trong 2 năm 2017, 2018) và hoàn thành chuỗi 3F với việc ra mắt người tiêu dùng thịt sạch MEATDeli. Đây là thương hiệu thịt đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất theo công nghệ chế biến thịt mát châu Âu.

Sau gần 3 năm ra mắt thị trường, MEATDeli sở hữu hệ thống phân phối hơn 2.700 điểm bán tại Hà Nội, TP.HCM và các vùng phụ cận với tập khách hàng lên đến hàng triệu người.

Tiềm năng của mảng thịt

Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Thị trường thịt lợn có giá trị hơn 10 tỉ USD là mảng lớn nhất trong ngành F&B.

Tuy nhiên, đây là thị trường chưa được chuẩn hóa khi hơn 90% sản phẩm thịt lợn trên thị trường không có thương hiệu. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc. Điều này tạo điều kiện cho thương hiệu thịt sạch MEATDeli của MML có nhiều tiềm năng để tăng trưởng.

MML hiện sở hữu trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao tại Nghệ An với tổng diện tích trên 223ha, vốn đầu tư lên đến 1.400 tỉ đồng, có khả năng cung cấp cho 250.000 con mỗi năm. Tại đây, từ con giống đến nguồn thức ăn được các chuyên gia giàu kinh nghiệm theo sát quản lý chất lượng đến từng cá thể lợn.

Lợi thế của Masan MEATLife sau tái cấu trúc - Ảnh 2.

Trang trại chăn nuôi heo của Masan MEATLife

Cùng với đó, MML đầu tư hơn 2000 tỉ đồng xây dựng hai Tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn - nơi chế biến ra sản phẩm thịt mát MEATDeli và các sản phẩm thịt chế biến.

Hai tổ hợp có tổng công suất chế biến 2,8 triệu con/năm. Nguồn lợn khỏe cung ứng cho MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn phải trải qua 3 tuyến kiểm dịch nghiêm ngặt. Tính đến thời điểm hiện nay, MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn được xem hai tổ hợp chế biến thịt mát tiêu chuẩn Châu Âu đầu tiên tại Việt Nam.

Doanh thu thuần nửa đầu năm 2021 của MML đạt 10.232 tỉ đồng, tăng 42,1% so với 7.202 tỉ đồng nửa đầu năm 2020. Thịt đã trở thành một mảng kinh doanh độc lập có quy mô đáng kể của MML khi đóng góp 2.068 tỉ đồng doanh thu và 163 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), bao gồm 3F Việt, chiếm 20,5% tổng doanh thu của Công ty.

Masan MEATLife đặt mục tiêu đưa mảng kinh doanh thịt có lãi ròng vào cuối năm nay khi tổ hợp chế biến thịt đạt từ 25% - 30% công suất sử dụng ​​vào quý 4-2021, so với công suất sử dụng hiện tại là gần 11%.

Lợi thế của MML sau tái cấu trúc

Lợi thế của Masan MEATLife sau tái cấu trúc - Ảnh 3.

Dây chuyền sản xuất cám con cò - sản phẩm của công ty proconco

Theo kế hoạch tái cấu trúc, bộ phận kinh doanh Proconco (và tương tự như vậy là Anco) được tổ chức lại, hệ thống phân phối tại ANCO và Proconco sẽ được chuyển về các nhà máy. Việc điều chỉnh này nhằm đơn giản hóa hệ thống phân phối, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược phù hợp với mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Từ đó, bổ trợ cho MML nâng cao năng suất ở mảng thức ăn chăn nuôi và trang trại để chuyển đổi thành đầu vào cho thịt MEATDeli. Mục tiêu cuối cùng là mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam các sản phẩm thịt truy xuất được nguồn gốc, chất lượng và giá cả hợp lý.

Việc tái cơ cấu nội bộ này của MML không làm thay đổi các điều kiện thương mại đã ký kết với các đại lý/nhà phân phối và không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân viên, quyền lợi của các đối tác, cổ đông.

Sau tái cấu trúc, mỗi mảng kinh doanh sẽ chủ động, tập trung làm tốt vai trò của mình, MML tập trung phát triển mảng thịt. Đồng thời, thay đổi này không ảnh hưởng đến mô hình 3F tích hợp từ trang trại đến bàn ăn Masan MEATLife đang sở hữu.

Lợi thế của Masan MEATLife sau tái cấu trúc - Ảnh 4.

Thịt sạch MEATDeli được chế biến theo công nghệ thịt mát châu Âu

Thực tế, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng lựa chọn thực phẩm có thương hiệu, tươi ngon dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ tại các kênh mua sắm hiện đại. Đây là xu hướng đang được đẩy nhanh do tác động của đại dịch COVID-19.

Tích hợp vào chuỗi bán lẻ VinCommerce (một Công ty khác của Tập đoàn Masan) với gần 2.500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+, MEATDeli đang có lợi thế rất lớn về hệ thống phân phối, phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.

Có thể thấy việc tái cấu trúc MML nằm trong chiến lược đã được ông Danny Le - tổng giám đốc Tập đoàn Masan công bố tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021. Theo đó, Masan sẵn sàng hợp tác với đối tác chiến lược giàu tiềm lực và kinh nghiệm để phát huy tối đa thế mạnh, hiện thực hóa chiến lược Point of Life phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, tập đoàn này đã liên tục hợp tác cũng nhiều đối tác trong và ngoài nước như SK Group, nhóm các nhà đầu tư trong đó có tập đoàn Alibaba, chuỗi trà và café Phúc Long.

T.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên