Tôi nhớ như in năm tôi học lớp tám. Trong một giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, bạn H. đã thưa với thầy chuyện bạn N. mượn tiền của mình mà không trả. Những lý do rất trẻ con, cuối cùng bạn N. cũng hứa sẽ trả lại tiền cho bạn H. trong vòng tuần sau. Giờ sinh hoạt lớp hôm đó, thầy đã để lại trong lòng tôi một bài học về tiền bạc và tình bạn mà mãi đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ và luôn xem nó như một bài học quý giá để tôi mang theo trong cuộc đời.
Bữa đó thầy nói với cả lớp về trường hợp của H. và N. như thế này: “Các em nên nhớ ở tuổi các em chưa thể làm ra tiền, vì vậy khi sử dụng nó phải cân nhắc kỹ. Mỗi em đi học được cha mẹ cho một khoản tiền tiêu vặt không giống nhau. Có em được cha mẹ cho nhiều, có em được cha mẹ cho ít. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết sử dụng thì đều đủ cho mỗi người. Lớp chúng ta không có trường hợp nào đặc biệt khó khăn nên thầy nghĩ không có ai đi học mà không được cha mẹ cho tiền cả. Với trường hợp của hai bạn vừa rồi, thầy muốn nhắc với các em một điều rằng tiền bạc có thể hôm nay mình không có nhưng có thể ngày mai có, còn tình bạn nếu hôm nay chúng ta đánh mất thì có thể chẳng bao giờ chúng ta có lại được.
Khi bạn mượn tiền, nếu các em cảm thấy bạn có thể trả, hoặc nếu như các em có thể tặng luôn bạn số tiền đó thì hãy cho mượn. Coi như khi cho bạn mượn thì giống như mình đã xài hết khoản tiền đó, bạn có trả hay không là tùy ở bạn. Đừng đòi tới đòi lui, chắc chắn tình bạn sẽ bị sứt mẻ. Có thể lúc đầu bạn giận mình khi mình không cho bạn mượn, nhưng mà “mất lòng trước được lòng sau”, còn hơn để hai người giận nhau, rồi đem chuyện của mình nói cho người khác biết như trường hợp của hai bạn vừa rồi thì thật là đáng buồn. Cái gì liên quan tới tiền bạc cũng đều tế nhị cả”. Quả thật, sau đó hai bạn H. và N. không còn chơi chung với nhau nữa, một thời gian thiệt dài họ mới lại nói chuyện với nhau.
Đến thời sinh viên, thêm một bài học nữa mà tôi góp nhặt được cho hành trang cuộc sống của mình. Đó chính là chữ tín. Hồi đó, lớp đại học của tôi có một quỹ tương trợ. Thành viên nào của lớp hết tiền mà gia đình chưa kịp gởi lên thì có thể mượn của quỹ tương trợ này một số tiền, và sẽ trả lại ngay sau khi có tiền. Tuy nhiên, quỹ luôn trong tình trạng rỗng vì các thành viên của lớp mượn mà không trả lại theo đúng quy định khi đã có tiền. Có quá nhiều lý do để biện minh cho sự chậm trễ ấy. Cố vấn học tập của tôi đã sinh hoạt lại với lớp. Một quy định mới được đặt ra.
Đó là mỗi thành viên của lớp chỉ được mượn tiền quỹ trong một khoảng thời gian quy định. Đến hạn trả mà chưa có tiền từ gia đình gởi lên thì cũng phải chạy mượn từ bạn bè hoàn trả quỹ để người khác có thể mượn. Mượn chỗ này trả chỗ kia cũng được, miễn yêu cầu giữ chữ tín. Chúng tôi bắt đầu áp dụng theo cách đó và dần dần đi vào thói quen. Bạn bè không còn ngần ngại khi có ai đó hỏi mượn tiền, vì khi có một ai đó hỏi mượn thì người có tiền có thể đưa ra hạn định, ví dụ như “Tôi có thể cho bạn mượn trong ba ngày, năm ngày hoặc một tuần”...
Chính những bài học ấy đã làm hành trang trong cuộc sống của tôi sau này. Nhưng quả thật rất khó để đưa ra lời khuyên cho bạn T. thế nào để A. trả lại tiền cho bạn. Cũng bởi cái gì liên quan tới tiền bạc thì vô cùng tế nhị...
o0o
Một chiều, bạn T. gọi điện cho tôi thông báo rằng A. đã trả tiền rồi. Bạn không quên hỏi tôi có nói chuyện bạn kể cho tôi nghe về A. cho A. nghe chưa, vì bạn sợ rằng A. sẽ giận bạn. Tôi nói bạn yên tâm, tôi chưa nói gì với A. cả. Tôi đã giữ im lặng trong trường hợp ấy vì cả ba chúng tôi đều là bạn của nhau. Nhưng có lẽ một ngày nào đó như một cách vô tình, (mà thật ra là cố ý) tôi cho bạn T. đọc được bài viết này. Và... cả A. nữa...
Áo Trắng số 13 ra ngày 15/07/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận