03/02/2005 17:14 GMT+7

Lời tâm huyết tài nguyên quốc gia

Xuân Ất Dậu 2005
Xuân Ất Dậu 2005

TT - Ở phương Tây hay phương Đông, vào các thời kỳ khác nhau, đối với vấn đề trị nước và an dân đều có nhiều ý kiến đề xuất không chỉ của những bậc học giả mà cả của những người dân bình thường.

sX0aPrRs.jpgPhóng to
Học giả Trần Bạch Đằng trao cho Tổng bí thư Đỗ Mười ý kiến của mình về Đại hội VIII - Ảnh: H.S.F.

Cái chuẩn để đánh giá chất “tâm huyết” là sự ngay thẳng, giãi bày dù bằng lý lẽ nhưng vẫn cuồn cuộn tấm lòng vì lợi ích chung của cộng đồng, của quốc gia.

Nó thường không mang chở tâm trạng phiền muộn riêng. Lịch sử nước ta có “Thất trảm sớ” của Chu Văn An xin chém bảy tên gian thần – không hề vì một trong đám gian thần ấy gây thiệt hại cho ông. Những Điều trần của Nguyễn Trường Tộ cũng không liên quan gì đến quyền lợi riêng, dù ông là tín đồ đạo Thiên Chúa vào buổi đạo Thiên Chúa đang bị kỳ thị ở ta. Chúng ta biết tiểu thuyết Phong thần – rất phổ biến trong dân gian Việt Nam – thái sư Văn Trọng “gián thập điều” dâng 10 điều can vua, chẳng có điều nào nhằm bảo vệ cái ghế cực phẩm thái sư của ông. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên đã nói rõ ràng: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”. Ghét và thương như một định luật cân đối của tấm lòng lấy trung nước hiếu dân làm trọng.

Trong phạm trù xã hội, theo lối thông thường, “thẳng mực tàu đau lòng gỗ”, hoặc “trung ngôn nghịch nhĩ”. Đương nhiên, nó chọi lại với lề thói cũng thông thường “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Trong vài năm gần đây, ở rất nhiều lĩnh vực quốc kế dân sinh của nước ta, nhất là từ khi đổi mới, ngày nào trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng có những lời tâm huyết. Ví dụ, về giáo dục, không biết bao nhiêu lời tâm huyết, và ở đây, lời tâm huyết của những người không chỉ coi trọng giáo dục, lo lắng về sự đào tạo con người và tài năng, mà còn vì những hiểu biết giáo dục của những người trải cả đời trên bục giảng, trên những trang nghiên cứu, hoặc ngay cả ở những va chạm thường ngày trong gia đình.

Ví dụ, tâm huyết đối với nạn tham nhũng, đối với các chính sách công bằng, đối với sự phát triển dân chủ, đối với chăm sóc sức khỏe, đối với thể dục thể thao, hoặc qui hoạch những cơ ngơi kinh tế lớn nhỏ, xây dựng những công trình ở nông thôn, miền núi, ven biển, hay hải đảo, về thời tiết bất thường, về nạn đồi trụy và lưu manh hóa... Nếu gọi là xã hội hóa về trách nhiệm thì những lời tâm huyết chính là hình ảnh xã hội hóa hết sức phong phú. Cần rạch ròi: tâm huyết khác với bất mãn; nhiều lời tâm huyết từ nỗi trăn trở của những người thật sự đã hay đang có đời sống cá nhân và gia đình chẳng có gì phải phàn nàn.

Một đất nước, một xã hội mà thường ngày vang lên lời tâm huyết vì sự nghiệp chung, đó là niềm hạnh phúc của cộng đồng. Đương nhiên, lời tâm huyết không phải là sự tâng bốc, nịnh bợ. Lời tâm huyết có thể đồng thời là sự hiến kế, và cũng có lời tâm huyết chỉ thuần ghi nhận một sự việc, một con người. Không thể yêu cầu mọi lời tâm huyết đều như một giải trình có trích dẫn từ tài liệu kinh điển nào đó, có kế hoạch thực thi đầy đủ. Lời tâm huyết, dù ở dạng cảnh báo, vẫn có giá trị. Nói cho cùng, di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một hệ thống lời tâm huyết đồ sộ, những lời tâm huyết vì lo cho dân, lo cho nước, lo cho đạo lý nên giữ giá trị vừa có chiều sâu vừa có chiều rộng vừa lâu bền.

Xã hội dân chủ là một xã hội đối thoại, nó khác với xã hội chỉ “phán” một chiều, khen chê một chiều – và thích được khen hơn chê.

Tác giả Kim Dung xây dựng một hình tượng khá đắt: Nhậm Ngã Hành. Ông này là giáo chủ một giáo phái lớn, khi bị thất thế, nghe những lời tung hô kẻ tiếm quyền mình, ông khinh bỉ. Nhưng lúc giành lại được quyền giáo chủ, ngồi bệ vệ trên ghế cao, ông bỗng thích những câu mà hôm qua ông rất ghét: “Muôn năm trường trị,thống nhất giang hồ”. Rồi ông cũng chết.

Cổ vũ những lời tâm huyết đối với việc nước là cách đi đến thành đạt của những người cầm quyền. Cầm quyền ở cấp cao đương nhiên phải cân nhắc lợi hại trong đề ra chiến lược, sách lược, song không có một tập trung nào không liên quan đến những phát lộ ở khắp các lĩnh vực. Phát lộ thì li ti, tài giỏi là ở chỗ gộp các li ti ấy lại thành những điểm cần nghiên cứu và xử lý. Có nhiều lời tâm huyết, tức có nhiều cơ sở cho tập trung, cho đúc kết trí tuệ. Có một ý kiến: đôi người nhận xét tình hình hiện nay mà trước kia người đó chỉ huy đã sai sót... Đúng vậy. Song, tại sao không nghĩ rằng chính vì sai trước kia mà “độ nồng” tâm huyết càng cao, nhận xét càng đáng trân trọng?

Nước ta không thiếu những lời tâm huyết. Đặc biệt, từ 1945 đến nay, con người Việt Nam từ vị thế nô lệ đã vươn lên làm chủ vận nước, cao thấp, dài ngắn khác nhau song đều là những người có trách nhiệm và từng trải, lại được rèn luyện ở nhiều môi trường, lĩnh hội nhiều tri trức, cho nên đó là một kho tàng, một tài sản công cộng vô giá. Đó là tài nguyên quốc gia.

Chẳng vui gì khi nói lời tâm huyết mà phải đủ dũng khí – nói điều vì lẽ phải mà phải đắn đo, đó là một thứ tư duy nghèo nàn! Và, nghe lời vì lẽ phải ấy lại nóng đầu, lại nghĩ rằng mình bị xỏ xiên... đó là một thứ thói thường rất... tầm thươ ng! Nói lời tâm huyết không cần bản lĩnh, miễn thấy sao, nghĩ sao nói vậy một cách trung thực, còn nghe lời tâm huyết thì cần bản lĩnh. Và cái bản lĩnh đầu tiên: không độc đoán, không tự cho mình là cách mạng mà chẳng chia sẻ cho người khác lòng yêu chế độ, yêu nước, không đồng hóa chân lý với cương vị mà mình đang giữ.Mong tài nguyên quốc gia không bị phí phạm...

Xuân Ất Dậu 2005
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên