31/12/2016 09:32 GMT+7

“Lời tạm biệt” cứng rắn của Tổng thống Obama

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Giới quan sát đánh giá động thái trừng phạt Nga của Tổng thống Barack Obama trước ngày “về hưu” ba tuần chỉ là một đòn chính trị không hơn không kém.

Tổng thống Mỹ Obama (trái) và Tổng thống Nga Putin - Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Obama (trái) và Tổng thống Nga Putin - Ảnh: AFP

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp vào từng thời điểm và nơi chốn khác nhau, một số sẽ không được công bố

Tổng thống Barack Obama

Tổng thống Mỹ Obama ngày 29-12 đã gây bất ngờ khi công bố lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga, trả đũa vụ tấn công mạng “gây rối” cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Truyền thông gọi đây là màn đối đầu ngoại giao lớn nhất giữa hai cường quốc kể từ sau kết thúc chiến tranh lạnh.

Nếu tính từ lần trục xuất 51 nhà ngoại giao Nga của tổng thống George W. Bush năm 2001, lần này ông Obama quả chỉ “thua kém” một chút.

Chờ ông Trump

Tuy nhiên trong một động thái còn bất ngờ hơn, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30-12 tuyên bố sẽ không trục xuất nhà ngoại giao Mỹ để trả đũa hành động tương tự của Washington, dù trước đó Bộ Ngoại giao Nga đã lên danh sách 35 người nằm trong diện “ra đi”.

Theo Hãng tin Sputnik, ông Putin cho biết sẽ không đưa ra hành động nào ngay tức thời, thay vào đó ông muốn xây dựng lại quan hệ với Mỹ sau khi ông Donald Trump lên nhậm chức.

“Chúng tôi sẽ không gây phiền hà cho các nhà ngoại giao Mỹ. Chúng tôi sẽ không đuổi ai đi. Chúng tôi sẽ không cấm gia đình và con cái họ đi nghỉ ngơi ở những nơi quen thuộc vào dịp năm mới” - nhà lãnh đạo Nga nói, cố tình nhấn mạnh những biện pháp tương phản với phía Mỹ đưa ra.

Trước đó, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích chính quyền ông Obama muốn hủy hoại mối quan hệ giữa hai nước vốn đã ở vào giai đoạn tồi tệ. Ông nhấn mạnh Matxcơva phản đối những đánh giá và cáo buộc “vô căn cứ” nhằm vào nước này.

Tuy nhiên qua cách phản ứng nhẹ nhàng và kiềm chế của Tổng thống Putin, có thể thấy Matxcơva chọn cách phớt lờ Tổng thống (sắp mãn nhiệm) Obama và đặt niềm tin vào nhà lãnh đạo mới của Mỹ.

Ngày 29-12, tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra một thông điệp ngắn gọn sau động thái của Nhà Trắng: “Đã đến lúc đất nước chúng ta tiến về phía trước với những thứ to lớn và tốt đẹp hơn”.

Có thể hiểu hàm ý của nhà tỉ phú là: “Thôi các ông bỏ qua vụ này cho rồi!”. Ông Trump thông báo sẽ đánh giá tình hình trong cuộc họp với các quan chức tình báo Mỹ vào tuần tới.

“Tuyệt vời Putin”

Chuyên gia về Nga của Đài CNN Jill Dougherty nhận xét nước cờ “phi thường” của ông Putin đã vô hiệu hóa được Nhà Trắng trong khi ông Obama còn ngồi đó.

Bằng cách không phản ứng trước thách thức “ăn miếng trả miếng” của Washington, ông Putin đã “xúc phạm thành công” ông Obama - theo bà Dougherty.

Động thái của ông Putin bên cạnh đó cũng tạo ra một thử thách lớn cho ông Trump: liệu ông sẽ làm gì với cánh tay của Tổng thống Putin chìa ra và thông điệp “Hãy hợp tác cùng nhau”?

“Đó là một nước đi xuất sắc và mang phong cách rất Putin. Tôi phải thừa nhận ông ấy là bậc thầy chuyên làm những điều bất ngờ và chuyện vừa rồi quả là bất ngờ” - bà Dougherty bày tỏ.

Tóm lại, lệnh trừng phạt và trục xuất ngoại giao của Tổng thống Obama chống lại Nga có tác dụng gì? Bình luận trên Đài CNBC của Mỹ, nhà phân tích Jake Novak cho rằng ông Obama đã ghi được một số điểm trong cuộc chơi chính trị.

Thứ nhất, nó củng cố hình ảnh ông Obama như một người hùng trong mắt đảng viên Dân chủ và những người mang tư tưởng tự do - phe này tin rằng Nga đóng một vai trò lớn trong chiến thắng của ông Trump ở cuộc bầu cử tổng thống.

Thứ hai, ông Obama lấy lòng được một số đảng viên Cộng hòa và phe bảo thủ vốn cũng chẳng ưa gì Nga và Tổng thống Putin. Chẳng hạn, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (Cộng hòa) ngay lập tức lên tiếng cho rằng lệnh trừng phạt Nga là “hợp lý”.

Thứ ba, “lời chia tay” của ông Obama đặt Tổng thống đắc cử Donald Trump vào thế khó: một là tiếp tục bảo vệ Nga như trước nay, hai là từ bỏ ý tưởng cải thiện quan hệ với Matxcơva.

Tuy nhiên, hiệu quả đòn trừng phạt của ông Obama chỉ đến đó là hết. Về mặt kinh tế và ngoại giao, các biện pháp đó sẽ không thay đổi được điều gì.

Trong kịch bản tệ hơn - theo nhà phân tích Novak, phản ứng của “đội Obama” càng làm công chúng tin vào khả năng gây ảnh hưởng “xuất chúng” của Tổng thống Putin trên khắp thế giới.

“Thậm chí nếu chúng ta chứng minh được Matxcơva chịu trách nhiệm đánh cắp email của Ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ, ai có thể chỉ ra một email nào kết liễu số phận bà Clinton? Cử tri có biết thêm thông tin nào mới hoặc thật sự gây nguy hiểm? Lời đáp cho tất cả những câu hỏi đó là “không” - ông Novak kết luận.

Danh sách đen

Những cá nhân và tổ chức của Nga bị trừng phạt trong đợt này bao gồm: 35 quan chức thuộc Đại sứ quán Nga ở thủ đô Washington DC và Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco bị trục xuất; 2 cơ sở do Chính phủ Nga sở hữu tại thành phố New York và bang Maryland bị đóng cửa; Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU), Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và 3 công ty cung cấp “hỗ trợ thiết bị” bị trừng phạt kinh tế.

Ngoài ra, danh sách đen còn bổ sung 4 quan chức GRU và 6 cá nhân liên quan tới chiến dịch tấn công mạng mà Mỹ cho rằng nhằm can thiệp cuộc bầu cử tổng thống.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên