16/10/2014 07:23 GMT+7

​Lời phê cũng phải học

KIM THOA (Thanh Hóa)
KIM THOA (Thanh Hóa)

TT - Lời phê của thầy cô học trò sẽ nhìn ra điểm yếu, điểm mạnh của mình để phát huy, tự sửa khuyết điểm, hoặc các em sẽ cảm thấy bị tổn thương.

Sau khi đọc lá thư của học trò, tôi tự dặn mình từ nay phải cẩn trọng hơn trước khi đặt bút phê. Bởi những lời phê của thầy cô hoặc là học trò sẽ nhìn ra điểm yếu, điểm mạnh của mình để biết phát huy cũng như tự sửa khuyết điểm, hoặc là các em sẽ cảm thấy bị tổn thương.

Là cô giáo dạy văn một trường THCS, tôi khá khắt khe trong việc chấm điểm, nhất là những lỗi như chính tả. Trong lớp tôi dạy khi đó có một em dù đã được nhắc nhở không ít lần nhưng lần nào làm bài kiểm tra cũng mắc rất nhiều lỗi này. Chính vì em lặp đi lặp lại nhiều lần khiến tôi phát bực.

Tôi đã phê: “Em có vấn đề gì không mà cứ mắc lỗi sai chính tả hoài vậy Hùng?”.

Hôm nhận bài kiểm tra, tôi không để ý đến thái độ của học trò ở dưới. Nhưng ngay đêm đó, về nhà vào hộp thư điện tử, tôi nhận được một email của Hùng, cậu học trò bị tôi phê “có vấn đề gì không”.

Em nói rằng em rất chán nản và thất vọng khi nhận được lời phê “có vấn đề” của tôi. Em không cần tôi sửa điểm mà chỉ mong lần sau tôi đừng bút phê “quá tay” như thế nữa vì em thấy rất bị tổn thương.

Tôi đọc thư em, ngẫm nghĩ và chợt nhận ra mình quá cẩu thả, nóng vội khi bắt lỗi và phê bình học trò. Suy ngẫm một lát, tôi trả lời thư em, chủ yếu là xin lỗi em. Không phải tôi tự thanh minh hay bao biện cho mình, chỉ là tôi thấy mình đã quá vội vàng, thiếu suy nghĩ khi bút phê trên bài kiểm tra.

Ngẫm lại, Hùng không phải là học trò đầu tiên bị tôi phê bình quá lời tương tự như thế. Lâu nay tôi cứ nghĩ rằng một lời chê trách là để khích lệ, để các em tự ái mà nỗ lực hơn, cố gắng hơn. Nhưng nào ngờ những lời lạnh lùng của tôi đã chạm vào lòng tự trọng của em khiến em bị sốc như vậy.

Có lẽ không ít đồng nghiệp cũng từng mắc sai sót như tôi. Chúng ta tự cho mình quyền được phê bình học trò mà chưa suy nghĩ thấu đáo, được mất trước những lời ấy. Thật may Hùng đã dũng cảm nói cho tôi biết, để tôi có thể nhận ra bản thân mình còn thiếu tế nhị trong cư xử với học trò.

Thực tế, dễ dãi cho điểm, không cân nhắc trong phê bình hay phê bình học trò quá đà rất dễ thành “con dao hai lưỡi”.

Tôi rút ra bài học, một lời phê có thể giúp học trò biết sai mà sửa chữa, nhưng lời phê cũng có thể khiến học trò nhụt chí, suy nghĩ lệch lạc. Chính học trò đã cho tôi thấy cái sai của mình và cũng đã cho tôi một bài học rằng, bản lĩnh sư phạm đôi khi thể hiện từ những điều nhỏ nhất.

Lời phê dành cho học trò cũng cho thấy một phần sự tinh tế của thầy cô giáo mà theo tôi nghĩ, những người đứng trên bục giảng cũng phải học.

Tuần qua chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các tác giả: Đinh Thành Trung, Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Thành Huyền (Hà Nội), Kim Thoa (Thanh Hóa), Bùi Minh Tuấn (Nghệ An), Đỗ Thành Đồng (Quảng Bình), Lê Du Kiếm, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Tú (Đà Nẵng), Nguyễn Văn Danh, Lý Thị Thủy, Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), Đỗ Thành Chương, Dương Thị Thanh Huyền (Khánh Hòa), Lê Văn Nam (Gia Lai), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Võ Thị Lệ Hằng, Thương Hoài (Bình Thuận), Đào Hồng Khởi (Đồng Nai), Nguyễn Thị Thùy Hương (Bình Dương), Đoàn Tiến Thụy Hiền, Nguyễn Hữu Hùng, Thúy Vân, Ngọc Yến, Nguyễn Cảnh, Huỳnh Lưu Đức Toàn, Nguyễn Đước, Dương Đức Hưng (TP.HCM), Lê Đức Đồng (Sóc Trăng) cùng các tác giả Nguyễn Thị Phương Anh, Phan Lưu, Châu Thùy Hương, Thanh Huy, Nguyễn Hữu Nhân, Dì Hai Xuân, Ngu Công, Thu Thủy, Hoàng Song Hùng, Phi Khanh, Jesse Peterson, Hải Nguyệt, Huyền Sa, Nguyễn Phương Loan, Lý Thế Mạnh, Nguyễn Thị Quyên, Phạm Công Hiệp, Ce Phan, Ly Lê, Hồ Thị Phương Anh...

Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua địa chỉ email [email protected] hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

TUỔI TRẺ

 

KIM THOA (Thanh Hóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên