“Lời nói gió bay” thời COVID

LÊ MY 21/08/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Chưa bao giờ “lời nói gió bay” - hiển hiện theo nghĩa đen - lại nguy hiểm như bây giờ. Và trong số vô vàn ngôn ngữ, có những thứ tiếng có thể đặc biệt biến ta thành một cỗ máy vừa phát thanh vừa phát tán mầm bệnh.

 
 Virus corona có thể tồn tại trong các giọt nước bọt, nước mũi của người bệnh. Ảnh: Getty Images

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều quen biết ít nhất một người “xuất khẩu thành... sương”. Khi (và chỉ khi) đã ở trong vị trí an toàn để trò chuyện, thi thoảng ta nhận ra điểm cuốn hút của người nói chính là ánh nắng nhảy nhót lấp lánh trên những giọt nước bọt li ti đang lơ lửng quanh họ.

Ngày nay, ta cần bổ sung virus SARS-CoV-2 vào cảnh tượng trên. Và không chỉ những tên tuổi “thiện xạ”, mà bất kỳ ai cũng có thể “bắn” nước bọt vào bầu không khí xung quanh khi nói chuyện, với tần suất và mức độ khác nhau tùy thuộc vào mỗi người và thậm chí ngôn ngữ mà họ sử dụng.

Một nghiên cứu của ĐH Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN) đăng trên tạp chí y khoa Medical Hypotheses hồi giữa năm ngoái đã gọi tên những ngôn ngữ... văng nhiều nước bọt, tiêu biểu là tiếng Anh. Nghiên cứu gợi ý rằng cộng đồng nào nói những thứ tiếng này có thể có thêm nguy cơ lan truyền COVID-19, bởi virus tồn tại trong các giọt bắn từ miệng của người nhiễm bệnh.

Tất cả bắt nguồn từ một thứ gọi là phụ âm bật hơi (aspirated consonant). Trong tiếng Anh, khi phát âm các chữ cái p, t và k, ta giải phóng một luồng khí từ cổ họng ra bên ngoài (các giáo viên tiếng Anh thường bảo học trò kiểm tra bằng cách đặt tay phía trước môi để cảm nhận luồng gió mạnh thoát ra). Khi phát âm chuẩn, dù người nói có nhẹ nhàng, thanh lịch đến đâu, luồng khí bật ra sẽ luôn mang theo những giọt nước bọt siêu nhỏ.

Bên cạnh tiếng Anh, những ngôn ngữ chứa phụ âm bật hơi còn bao gồm tiếng Đức, Na Uy, Trung, Hàn và Nhật... Trong tiếng Việt, các chữ p, t và k không được bật hơi, nhưng chữ th (âm “thờ” trong từ “thủ thỉ”) được xem là một âm bật hơi.

Quay lại nghiên cứu trên, các nhà khoa học ở RUDN đã xem xét 26 quốc gia có hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19 tính đến ngày 23-3-2020, thời điểm mà quy định đeo khẩu trang ở phương Tây còn bị xem là vi phạm quyền tự do mồm miệng. Số liệu thực tế cho thấy rằng quốc gia nào sử dụng ngôn ngữ chứa nhiều phụ âm bật hơi thì cũng có nhiều ca dương tính hơn. Nhóm nghiên cứu cũng cẩn thận và thành thật nhấn mạnh rằng: quan sát này còn nhiều hạn chế nên chỉ mang tính chất gợi mở.

Vai trò của các phụ âm bật hơi trong việc lây truyền bệnh đã từng được quan tâm trong đợt bùng phát dịch SARS-CoV-1 ở Trung Quốc cách đây 20 năm. Theo một bài báo trên tuần san y khoa danh giá The Lancet, trong khi số lượng người Nhật tham quan Trung Quốc nhiều hơn số lượng du khách Mỹ nhưng Nhật Bản không ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-1 nào, còn Mỹ có đến 70 ca (tính đến tháng 6-2003).

Thử đoán xem chuyện này thì có liên quan gì đến tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Mỹ (tiếng Anh)? Tác giả bài báo trên The Lancet cho rằng vì tiếng Anh chứa nhiều phụ âm bật hơi hơn, hay nói cách khác là dễ văng nước bọt hơn, nên việc lây truyền mầm bệnh từ người Trung Quốc sang du khách Mỹ đã dễ xảy ra hơn. Không thể không nói thêm bối cảnh thời đó: các nhân viên dịch vụ Trung Quốc nói chuyện với khách Mỹ bằng tiếng Anh và nói chuyện với khách Nhật bằng tiếng Nhật.

Có vẻ các nhà nghiên cứu thực sự quan tâm chuyện ngôn ngữ và khả năng phát tán virus. Cuối năm ngoái, một thí nghiệm của Hiệp hội Hợp xướng Nhật Bản (JCA) phát hiện ra một chuyện không tưởng khác của thời COVID: hát nhạc Đức có thể “nguy hiểm hơn” hát nhạc Nhật!

Đầu tiên, người ta cho 20 ca sĩ, gồm trẻ em lẫn người lớn, lần lượt hát solo một bản nhạc thiếu nhi của Nhật và Bản giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc người Đức Beethoven và so sánh lượng giọt bắn phát ra. Kết quả cho thấy tiếng Nhật - với các phụ âm tương đối nhẹ nhàng - đã may mắn hạn chế số trường hợp “bắn tỉa”, vô tình rất có lợi giữa thời buổi COVID hiện nay.

 
 Hát bằng tiếng Đức (bên phải) bắn nước bọt xa hơn khi hát bằng tiếng Nhật (bên trái), cụ thể là 111cm so với 61cm. Ảnh: JCA

Thế nhưng, phát hiện này không có nghĩa là các nghệ sĩ Nhật sẽ ngừng hát nhạc cổ điển phương Tây. “Khi hát bằng tiếng Đức, chúng tôi khuyến nghị các thành viên nên đứng cách nhau xa nhất có thể” - Masakazu Umeda, tổng thư ký JCA, nói với CBS News.

Những nghiên cứu kể trên tuy chưa hoàn thiện và toàn diện nhưng phần nào nhắc nhở chúng ta về tính phức tạp của dịch bệnh. Trước đại dịch, chúng ta được yêu cầu dùng khuỷu tay che mũi và miệng mỗi khi ho hoặc hắt hơi (và rửa tay thường xuyên). Nhưng ngày nay, chỉ việc nói chuyện thôi cũng có thể giải phóng virus vào không khí.

Thôi thì, bất kể ta đang nói thứ tiếng nào, đeo khẩu trang và đứng giãn cách 2m là cách tốt nhất để ta giữ lại những giọt bắn cho riêng mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận