Hôm 26-8, ông Zuckerberg thả một "quả bom" vào chính trường Mỹ với lá thư gửi Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Đảng Cộng hòa, bang Ohio). Tỉ phú này tố chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "gây áp lực" để Facebook kiểm duyệt nội dung liên quan tới đại dịch COVID-19, một chủ đề rất nhạy cảm với bầu cử Mỹ.
Lời nhận sai muộn màng
COVID-19 là một chủ đề gây tranh cãi trên mọi phương diện, từ nguồn gốc vi rút, cách thức lây lan, hiệu quả vắc xin cho tới chính sách chống dịch. Mạng xã hội, bao gồm Facebook, là nơi xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều với khả năng lan truyền cao. Chính phủ nhiều nước cho rằng việc thông tin sai sự thật lan truyền sẽ ảnh hưởng tới chính sách chống dịch.
Trong giai đoạn ấy, Đảng Dân chủ và xu hướng chính trị cấp tiến thường lấy "khoa học" làm ngọn cờ đầu, bất cứ nội dung nào không xuất phát từ các nghiên cứu khoa học hoặc bác sĩ (nổi tiếng) đều là thuyết âm mưu hoặc thông tin sai lệch.
Ngược lại, theo quan sát thông thường, các ý kiến nghi ngờ hiệu quả của vắc xin hoặc phán đoán về nguồn gốc vi rút thường gắn với phe bảo thủ.
Nhìn chung, sự kiện lá thư của ông Zuckerberg đang được xem như lời nhận sai muộn màng của "vị thẩm phán" mang tên Facebook khi đã nhanh chóng kết luận và ẩn một số nội dung trong khi không có cơ sở gì để liệt các nội dung ấy vào diện thuyết âm mưu hay thông tin sai lệch.
Trong khi đó, nhiều "thuyết âm mưu" ban đầu bị Facebook kiểm duyệt sau này hóa ra lại đúng hoặc ít nhất đã trở thành hướng điều tra thực sự của cơ quan chức năng Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu những gì ông Zuckerberg nói là chính xác, có nghĩa Facebook đã ra "phán quyết" theo yêu cầu của chính quyền ông Biden. Điều này liệu có vi phạm quyền tự do ngôn luận mà người Mỹ vốn rất tự hào?
Tạp chí Newsweek hôm 27-8 có bài viết khá gay gắt về chuyện này, đề cập tới khả năng chính quyền Mỹ ngăn chặn tự do ngôn luận: "Chính quyền ông Biden giả định rằng họ là "những chuyên gia" không thể sai lầm và biết được "sự thật" về COVID-19 tới mức họ tìm cách ngăn chặn bất cứ ai phản bác họ trên mạng.
Nhưng chuyên gia của chính phủ cũng như bao con người, thực tế không phải hoàn hảo và biết tuốt. Trong suốt thời đại dịch, những chuyên gia như bác sĩ Anthony Faucci đã sai hoặc bất nhất đối với mọi thứ, từ khẩu trang cho tới giãn cách xã hội, đến chuyện cách thức vắc xin COVID-19 giúp miễn dịch cộng đồng, rồi cả giả thuyết "rò rỉ phòng thí nghiệm" về nguồn gốc COVID-19".
Tỉ phú công nghệ chọn... ông Trump?
Ngoài chuyện COVID-19, ông Zuckerberg cũng nhận sai tương tự khi cố "bóp tương tác" bài của báo cánh hữu New York Post liên quan tới chiếc máy tính xách tay của ông Hunter Biden - con trai Tổng thống Biden. Đây rõ ràng là những thông tin không có lợi cho Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử.
Đảng Cộng hòa có xu hướng xem COVID-19 là một trong những tác nhân lớn dẫn tới việc ông Trump thua ông Biden tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Thời điểm ấy, ông Trump thường bị gắn liền với hình ảnh một chính trị gia "phản khoa học", không tin có đại dịch, và lan truyền thuyết âm mưu.
Lời bộc bạch của ông Zuckerberg do đó được phe Cộng hòa hưởng ứng nhiệt tình. Trên Facebook Ủy ban Tư pháp Hạ viện của Đảng Cộng hòa, lá thư được chia sẻ với mô tả là "chiến thắng to lớn cho tự do ngôn luận" và tóm tắt thành ba ý: "Ông Mark Zuckerberg vừa thừa nhận ba điều: 1. Chính quyền Biden - Harris "gây áp lực" lên Facebook để che mắt người Mỹ. 2. Facebook che mắt người Mỹ. 3. Facebook bóp tương tác câu chuyện máy tính của Hunter Biden".
Giới quan sát nhận định lá thư của ông Zuckerberg là một món quà cho Đảng Cộng hòa, dù vị tỉ phú này không tuyên bố ủng hộ ông Trump. Trong trao đổi với Bloomberg chỉ vài tuần trước khi lá thư trên xuất hiện, ông Zuckerberg ca ngợi ông Trump là "gã cứng cựa" khi phản ứng mạnh mẽ trong vụ bị ám sát.
Đáng chú ý, lời khen này được ông Zuckerberg đưa ra ngay cả khi ông Trump nói sẽ tống vị tỉ phú công nghệ này vào tù nếu tái đắc cử. Nhận định về điều này hôm 28-8, CNN cho rằng ông Zuckerberg đang "chìa cành ô liu" cho Đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Trong khi đó, tờ New York Post thậm chí cho rằng giới công nghệ giờ đây đang đặt cược vào Đảng Cộng hòa. Trước ông Zuckerberg, tỉ phú Elon Musk (sở hữu X, trước là Twitter) đã tuyên bố ủng hộ ông Trump.
Andreessen Horowitz, một công ty đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon, hồi tháng 12 năm ngoái cho biết họ sẽ quyết định ủng hộ ứng cử viên tổng thống nào dựa trên điều kiện sau: "Nếu một ứng viên ủng hộ tương lai lạc quan do công nghệ khai phá, chúng tôi sẽ ủng hộ họ. Nếu họ muốn bóp nghẹt các công nghệ quan trọng, chúng tôi sẽ phản đối họ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận