Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch khẳng định bất kể công trình ở đâu phải tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục pháp luật dù nó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương - Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Không chỉ trên tuyến đường này, ngay cả những con đường cheo leo mép vực chạy hun hút vào những bản làng tận Sủng Trái, Ma Lé, vẫn đột ngột hiện ra những khối bêtông như thế, nhưng lời giải cho bài toán này chắc không phải dễ.
Chính vì vậy việc nhà nghỉ - nhà hàng xây trên đèo Mã Pì Lèng khiến dư luận dậy sóng những ngày qua không còn là câu chuyện về riêng một công trình xây dựng không phép, ảnh hưởng tới vẻ đẹp thiên nhiên của một trong "tứ đại đỉnh đèo".
Điều lớn nhất trong câu chuyện này là khiến mọi người quan tâm nhiều hơn đến hàng trăm căn nhà bêtông xấu xí đua nhau mọc lên đang băm nát vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên đá.
Giữa thiên nhiên khắc nghiệt, không thể sống với những túp lều mái lợp fibro ximăng tạm bợ, nhưng để xây nhà phù hợp với cảnh quan chắc người dân không thể đủ tiền. Rồi tất cả sẽ ra sao nếu với cung cách quản lý để mặc cho dân và doanh nhân xây rồi khi bị phát hiện mới chấn chỉnh?
Bao nhiêu năm nay đã có một công trình nào của ngành xây dựng, kiến trúc cung cấp mẫu thiết kế nhà ở phù hợp dành cho cộng đồng quần tụ trên cao nguyên đá hay chưa? Những căn nhà gỗ, mái đá hay lợp ván gỗ pơmu đã phải mục nát theo thời gian, khó có điều kiện dựng lại.
Những ai đến Tây Bắc đều biết tòa lâu đài 7 tầng của Tráng A Tàng - còn gọi là "Tàng Kengnam" - trên cao nguyên Mộc Châu. Tàng là một trùm ma túy đã lãnh án tử hình. Chính quyền quyết định đập bỏ tòa nhà, dù nhiều ý kiến xem ra cũng hợp lý là giữ lại, biến tòa nhà 7 tầng ấy thành bệnh xá hay trường học cho con em địa phương.
Nhưng khi quyết tâm san phẳng tòa lâu đài của ông trùm ma túy ấy, công quyền đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ: không nên để công trình ấy tồn tại, cho dù để phục vụ dân sinh đi nữa, vì hình bóng của nó sẽ còn được nuôi dưỡng trong tâm tưởng của lớp trẻ nơi đây giấc mơ làm giàu phi pháp.
Cũng như vậy, xử lý rốt ráo mạnh mẽ với công trình trên Mã Pì Lèng sẽ là lời cảnh báo đích đáng hơn để cứu lấy toàn bộ cảnh quan Hà Giang, cứu lấy vẻ đẹp cao nguyên đá chứ không chỉ cứu riêng vẻ đẹp của một con đèo hay một hẻm núi.
Cứ mỗi lần đi trên con đường xuyên qua cao nguyên đá này, tôi lại nhớ câu chuyện hôm kỷ niệm 50 năm con đường Hạnh Phúc (tháng 3-2015). Những thanh niên xung phong hi sinh ngày đó được truy tặng liệt sĩ và nhận bằng Tổ quốc ghi công.
Tất cả liệt sĩ đều có thân nhân lên nhận bằng, nhưng có một hồ sơ không thể nào tìm ra người nhà: liệt sĩ Giàng Mí Nô, sinh năm 1944, gia nhập mở đường Hạnh Phúc vào tháng 10-1959, hi sinh ngày 16-5-1961, thuộc đại đội 1 Đồng Văn.
Giàng Mí Nô chết vì sốt rét ác tính tại bệnh xá H100 xã Na Khê, huyện Yên Minh (Hà Giang). Nơi chôn cất: nghĩa trang thanh niên xung phong huyện Yên Minh. Chàng trai Mông ấy đã tham gia mở đường năm 15 tuổi và chết năm 17 tuổi.
Trên cung đường "phượt" đẹp và hùng vĩ nhất Việt Nam ấy, giờ đây mọi người đua nhau chiêm ngắm. Di sản của tạo hóa để lại, của cha ông ngàn năm gìn giữ, của bao lớp người đã gầy dựng… không thể để các thế hệ sau không trân trọng bằng trách nhiệm và các quy định của luật pháp.
Đó cũng là lời nhắn nhủ của các di sản với chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận