Những ngày cuối tháng 9, các y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 16 thuộc Trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai đặt tại quận 7, TP.HCM đã làm một công việc đặc biệt: sàng lọc và trao trả kỷ vật của người đã mất vì COVID-19 cho thân nhân.

Không kịp từ biệt, nhiều bệnh nhân COVID-19 đã mãi mãi rời đi khi không có người thân ở bên. Họ được đem đi hỏa táng, sau đó tro cốt mới gửi về cho gia đình.

Đến bệnh viện nhận lại những món đồ đã ở bên người đã khuất những ngày cuối cùng, người òa khóc, người lại lặng đi khi nhìn thấy hoặc chiếc điện thoại, hoặc chiếc radio bé xíu hay chai dầu gió xanh… đã từng mang hơi ấm người thân của họ khi còn nơi dương thế.

Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 1.
Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 2.

Trong căn phòng nhỏ chừng 15m2 của bệnh viện có 3 chiếc kệ sắt chật kín những chiếc túi xách, balô đủ màu sắc.

Khi nhận được cuộc gọi từ bệnh viện, anh Đào Quốc Huy đã tìm đến để nhận lại đồ đạc của 2 bệnh nhân là anh em ruột cùng mất vì COVID-19.

Cầm trên tay hai chiếc điện thoại di động cũ của hai người chú, anh xúc động kể: "Hai chú là anh em ruột, cùng nhập viện và lần lượt qua đời. Tôi được bệnh viện gọi đến trả đồ của một trong hai người nhưng khi đến nhận lại tình cờ tìm được đồ đạc của người chú còn lại. Bệnh viện không biết hai chú của tôi là anh em ruột".

Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 3.

Một trong hai chiếc điện thoại cũ kỹ ấy cũng là kỷ vật mà một người chú của anh Huy đã lưu giữ từ người vợ đã mất: "Chú luôn mang theo bên mình, khi tôi mang chiếc điện thoại về, hai đứa con của chú đã ôm lấy điện thoại và òa khóc. Có lẽ hai đứa trẻ mới lên 6, lên 8 không bao giờ nghĩ rằng có một ngày chúng trở thành những đứa trẻ mồ côi…", anh Huy mắt đỏ hoe kể lại.

Khi nhập viện hồi sức tích cực ở Bệnh viện dã chiến số 16, ba của chị Nguyễn Thị Kim Loan không bao giờ nghĩ đó là lần cuối cùng ông được nhìn thấy ngôi nhà và gia đình mình. Trước đó, vào khoảng ngày 21-8, cả gia đình 3 người nhà chị Loan đều phát hiện dương tính với COVID-19.

Họ được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 16 do nồng độ oxy trong máu lên xuống bất thường. Khi đi, cả nhà chỉ kịp mang theo chiếc giỏ xách màu hồng kẻ sọc đựng vài bộ quần áo và vật dụng cá nhân.

Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 4.

Bản thân chị Loan tuy mới 30 tuổi nhưng cũng bị mệt, nồng độ SPO2 xuống thấp và phải thở oxy nên không thể chăm sóc ba mẹ. "Đó là điều khiến mình buồn nhất, khi ba mẹ mất. Giá như mình chống chọi được thì đã có thể lo cho ba mẹ" - chị Loan ngậm ngùi kể lại.

Chỉ trong vòng 5 ngày, khi Loan bắt đầu tự thở, cai oxy được cũng là lúc cô nhận được tin ba mẹ lần lượt qua đời.

Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 5.

Ôm chiếc túi màu hồng kẻ sọc vừa được bệnh viện trả về, mắt chị Loan đỏ hoe nhớ lại: "Chiếc túi ba tôi mang theo lúc được đưa vào khoa hồi sức tích cực. Mẹ còn loay hoay hỏi tôi trước khi chuyển nặng: Không biết có ai gội đầu cho mẹ hay không con nhỉ? Thế rồi cả ba và mẹ lần lượt bỏ tôi mà đi khi tôi còn chưa kịp nói lời từ biệt".

Trên bàn thờ kê giữa nhà chị Loan là hai hũ tro cốt của ba mẹ chị và niềm tiếc nuối về một đám cưới dang dở mà họ dự định sẽ tổ chức cho con gái trong năm nay. Chị Loan hiện đã khỏe lại sau cơn lốc COVID-19, nhưng chị còn lại một mình trong căn nhà trống vắng, quạnh quẽ.

"Ba mẹ dự định sẽ sửa nhà trước khi làm đám cưới cho tôi. Có lẽ khi rời đi đột ngột như vậy, ba mẹ cũng mong tôi sẽ sống tốt và mạnh mẽ vượt qua. Tôi phải gắng gượng để bước tiếp" - chị Loan thổ lộ.

Không ít người bệnh COVID-19 khi biết mình khó qua khỏi lại nhắn gởi riêng với nhân viên y tế, nhờ giữ giùm đồ dùng vào những chiếc túi zip để gởi lại cho người thân. Trên nhiều túi đồ, vẫn còn nguyên những dòng viết tay nhắn gửi của những người con không thể theo cha, mẹ vào bệnh viện để chăm sóc những ngày cuối đời, khiến người khác nghẹn ngào khi trông thấy:

"Gửi B.N Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1966, nằm khoa hồi sức cấp cứu ICU. MẸ ƠI, CỐ LÊN!".

Một người con khác gửi thuốc, đồ ăn cho mẹ kèm lời nhắn: "Mẹ tỉnh hay cần gì thì gọi cho con"...

Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 6.
Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 7.

Được đưa vào căn phòng lưu giữ đồ đạc của người đã mất để tìm chiếc điện thoại của cha vợ, anh Huỳnh Quốc Đạt - 38 tuổi, ngụ Bình Thạnh - mở danh bạ rồi bấm tìm trên điện thoại cái tên "Ông Ngoại Mi".

Mi là tên cô con gái 8 tuổi ở nhà của anh. Trên một cái thùng xốp, hơn chục chiếc điện thoại đã được các nhân viên của bệnh viện xếp ra cắm sạc sẵn, để người thân đến gọi chờ điện thoại đổ chuông.

Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 8.

"Đây rồi". Sau một hồi chờ đợi thì anh cũng tìm ra chiếc điện thoại của người cha vợ. Chiếc điện thoại được dán một tờ giấy "VD1" - Vô danh 1 của chú Phạm Văn Tha - đã tìm được về với người thân của chú. Trên đó còn được cột theo 8 tờ tiền 500.000 đồng.

Cầm chiếc điện thoại, giấy tờ, CMND của cha vợ, anh Đạt không kìm được cảm xúc: "Mới mấy hôm đây thôi, tôi là người lái xe đưa ông cụ vào bệnh viện. Giờ quay lại, người đã không còn nữa, chỉ còn lại những món đồ cuối cùng này thôi. Bước vào cổng bệnh viện tự nhiên thấy nghẹn lòng".

Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 9.

Anh bảo những món đồ này của cha anh sẽ mang về nhà để lên bàn thờ như những kỷ vật cuối cùng. "Nhà có 6 người, hai vợ chồng tôi với cha mẹ và hai đứa con. Cả nhà cùng bị phát hiện dương tính nhưng chỉ có cha vợ trở nặng và phải nhập viện. Từ lúc vào đến đây ông cụ không được về nhà lần nào. Khi chúng tôi nhận được tin tức từ bệnh viện thì đó cũng là tin báo cha tôi mất" - anh chia sẻ.

Trong căn phòng kỷ vật, có nhiều món đồ được y bác sĩ đánh số bắt đầu bằng chữ VD - có nghĩa là Vô Danh. Từ những chiếc điện thoại, những xấp tiền, giấy tờ tùy thân, quần áo, đồng hồ, radio cho đến cả những hàm răng giả…

"Có nhiều chiếc điện thoại của bệnh nhân khi đến phòng cấp cứu được xếp ra, cũng không kịp ghi tên để dán vào. Chúng tôi mang đi sạc, phân loại "vô danh", rồi chờ người nhà, người quen gọi hoặc khi họ đến nhận đồ đạc sẽ nhá chuông để tìm. Mỗi lần điện thoại nào có người gọi tới là chúng tôi mừng lắm", chị Lê Thanh Thảo - Bệnh viện Mắt trung ương - phụ trách "phòng kỷ vật" chia sẻ.

Căn phòng này có hàng trăm kỷ vật như thế. Vào thời gian cao điểm, bệnh nhân được xe cấp cứu đưa đến ồ ạt, đồ đạc được đưa xuống "không biết của ai với ai". Nhiều bệnh nhân cũng đã hôn mê hoặc chuyển nặng không kịp cung cấp thông tin người nhà nên bệnh viện chỉ còn cách chờ người thân gọi đến.

"Chúng tôi mong muốn có thể trao tận tay những món đồ cuối cùng của bệnh nhân cho người thân của họ. Có nhiều trường hợp, người thân họ lúc đó cũng đang điều trị COVID-19 hoặc đang ở dưới quê nên chưa thể lên nhận được, chúng tôi cũng cố gắng lưu giữ, chờ ngày người thân họ tìm đến" - chị Thảo cho biết.

Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 10.

Theo chia sẻ của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - phụ trách Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16, nhiều trường hợp khi bệnh nhân được đưa đến cấp cứu, bệnh viện cố gắng lưu lại thông tin tài xế đã chở bệnh nhân đến, chụp ảnh số xe, số điện thoại, CMND để sau này gọi lại tìm địa điểm mà tài xế đã đến đón bệnh nhân và tìm cách liên lạc.

"Các anh chị nhân viên cũng đi gom đồ đạc bệnh nhân ở khắp các ngóc ngách bệnh viện rồi đem về lại căn phòng lưu trữ này, chờ người thân đến nhận. Những món đồ ấy có nhiều thứ không có giá trị cao nhưng chúng tôi biết đó là những thứ rất ý nghĩa đối với người thân họ. Nghĩa tử là nghĩa tận. Chúng tôi làm tất cả những việc này chỉ với mong muốn mang lại một chút ủi an cho thân nhân người đã mất" - ông Tuấn bộc bạch.

Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 11.
Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 12.
Lời nhắn gửi từ những di vật cuối cùng - Ảnh 13.

VŨ THỦY - LÊ VÂN - LÊ PHAN
DUYÊN PHAN - LÊ PHAN
HẢI PHI
BẢO SUZU

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0