Tuy nhiên lúc đó có nhiều người và chính bản thân tôi không đồng tình cách hạ giải cũng vì lo rằng khi hạ giải Chùa Cầu sẽ bị biến dạng, "lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia".
Để giữ công trình tiếp tục đứng vững thì phải chống đỡ theo kiểu "hư đâu sửa đó". Nhưng thực tế qua nhiều năm cho thấy càng chống đỡ thì Chùa Cầu ngày càng xuống cấp, nếu không có giải pháp căn cơ thì việc sụp đổ là việc sớm muộn khi tác động bởi bão lũ.
Đến năm 2016 có cuộc hội thảo về trùng tu Chùa Cầu, lúc đó cũng có nhiều ý kiến hạ giải hay không hạ giải, và khi hạ giải thì giải pháp xử lý thế nào để tránh Chùa Cầu biến dạng.
Nhưng sau đó với công nghệ tiên tiến, kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế cùng sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản..., việc hạ giải được tự tin làm.
Từ khi dự án khởi động đến khi tháo dỡ ra mấy ngày qua, có thể khẳng định một điều rằng chính quyền Hội An và các nhà khoa học đã rất nỗ lực.
Một công trình 400 năm tuổi như một cụ già ốm yếu phải tháo rời từng chi tiết một, rồi chọn lọc cái nào tốt giữ lại, cái nào hư quá thì phải bỏ đi.
Để rồi dựng lên lại như hình dạng cũ, không xê dịch nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên trạng và chân xác - đó là điều không đơn giản. Nhưng đến nay sau khi đã trùng tu cho thấy việc đó đã làm được.
Hội An luôn có sự đồng hành, tư vấn đầy trách nhiệm từ các nhà chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia Nhật Bản - những người hiểu rõ về công trình hơn ai hết. Tôi tin là về kỹ thuật, chuyên môn thì có thể đặt niềm tin ở đội ngũ này.
Chùa Cầu cũng giống như các di tích khác ở Hội An, Huế, Hà Nội... đều được làm với tinh thần cẩn trọng tối đa. Vì đó không chỉ là một công trình mà là một phần của di sản được trao gửi.
Chính quyền Hội An, người dân Hội An và cả những người yêu Hội An ai ai cũng có trách nhiệm giữ truyền lại cho các thế hệ sau.
Vì sao dư luận mấy ngày nay xôn xao câu chuyện trùng tu Chùa Cầu? Không ai thắc mắc chuyện trùng tu hay không trùng tu, điều một số người không thuận là màu vôi và những chi tiết trang trí bên ngoài.
Tâm lý rất bình thường là cái gì đập vào mắt, nhìn thấy mỗi ngày mà nó bỗng khác đi, lạ đi khi có tác động thì người ta có ý kiến. Đó là điều rất bình thường.
Thẳng thắn mà nói dù nỗ lực nhưng vẫn có những cái chưa trọn vẹn. Màu sơn vôi mới quá, mái ngói cũng được thay mới, các chi tiết được làm lại khiến di tích trông có phần "trẻ" ra. Cái này có cái xử lý được, nhưng có cái cũng phải bắt buộc chấp nhận vì cần có thời gian để vật liệu đổi màu.
Chất lượng như thế nào thì thời gian sẽ trả lời, nhưng có những cái dân góp ý có thể thay đổi, chỉnh sửa được thì cũng chỉnh sửa cho phù hợp. Và thực tế chủ tịch UBND thành phố Hội An cũng đã nói rằng sẽ chỉnh sửa, đó là thể hiện sự cầu thị.
Là người Hội An, tôi cũng yêu quý di sản như bao bà con khác. Hiện 80% di tích phố cổ Hội An thuộc sở hữu của tư nhân. Họ sống hằng ngày trong đó, sáng thức dậy đã thấy đường phố, mái ngói, nhà cổ... nên không ai rõ sự biến đổi của di sản hơn bà con.
Những xôn xao về Chùa Cầu vừa qua cho chúng ta thấy người dân Hội An và cả du khách đều rất quan tâm tới di tích, di sản cha ông. Đó là điều đáng mừng, vì đó là tình yêu, chính tình yêu đó đã giữ cho đô thị cổ Hội An tồn tại qua mấy trăm năm.
Có yêu thì mới để ý, mới đủ tinh tế nhận ra sự đổi khác của di tích, trong đó có Chùa Cầu. Và khi lên tiếng cũng là thể hiện trách nhiệm.
Những ý kiến góp ý về Chùa Cầu mấy ngày qua cũng là lời nhắc nhở tích cực cho cơ quan quản lý di sản, chính quyền Hội An. Rằng mọi sự khi đụng đến di tích, di sản đều phải hết sức cẩn trọng.
Khi đẹp mà không ai khen, xấu cũng chẳng ai chê, mới hay cũ cũng không có ai lên tiếng, không ai quan tâm thì đó mới là điều đáng sợ và cũng chính là bi kịch.
Tất nhiên chuyện khen chê, bình phẩm thì có cái trúng, có cái chưa trúng. Có người nhìn ở góc độ chuyên môn, nhưng nhiều người nhìn vẻ bề ngoài rồi đưa ra đánh giá. Chúng ta nên cảm ơn tất cả tình yêu đó, bình tĩnh đón nhận và xử lý hợp lý để cùng hướng đến một cái chung là giữ di sản cho muôn đời sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận