TTCT - Dẫu là một trận mưa bão khác thường, nhưng cơn bão số 9 ấy, vào và ra khỏi thành phố đã để lại những lời nhắc cảnh báo quan trọng, rằng đại đô thị dẫu giàu có mà cư dân của nó vẫn bất an thì hẳn có nhiều điều phải biết lo hơn nữa... Một phụ nữ ôm con từ phòng trọ ra quán cà phê nghỉ ngơi sau một đêm cả nhà không chợp mắt được. Ảnh: TIẾN LONG “Bão vào thành phố” là một cụm từ không mấy quen thuộc với dân đô thị. Nhưng sau nhiều năm làm quen với các diễn biến thời tiết bất thường, cuối cùng, khi cơn bão số 9 của năm 2018 vào thẳng TP.HCM, người dân thành phố đã biết thế nào là hứng bão. May mắn là bão vào không mạnh lắm, chỉ mang đến cơn mưa cực lớn và kéo dài, những đợt gió rít quanh cao ốc, xé rách vài bảng quảng cáo, quật ngã vài cây xanh. Với những người dân nhập cư từ miền Trung, cơn bão này quả là “chẳng bõ bèn gì”. Nhưng trận bão này vẫn là một cơn vật lộn bàng hoàng với người thành phố. Càng bàng hoàng hơn vì những thiệt hại, phiền toái ấy lại chẳng có gì lạ như chính cơn bão, mà là đã quá quen thuộc ở thành phố này mấy mươi năm nay: ngập nước. Ba phần tư thành phố ngập trong nước. Đường lớn phố nhỏ hẻm ngõ thành sông. Nước mưa trên trời trút xuống, nước từ các miệng cống tràn lên, nước từ tứ phía đổ vào nhà. Đồ đạc thứ treo, thứ kê, thứ trôi bồng bềnh. Không phân biệt hẻm ngoắt ngoéo khu dân cư cũ hay đường bàn cờ khu đô thị mới, đường nội ô hay đại lộ ngoại thành, nhà cấp 4 hay biệt thự, nước tràn vào tất cả. Nhiều hầm để xe của công sở, nhà cá nhân, chung cư bỗng thành những cái hồ. Dân thành phố, người nhẫn nại cắn răng dắt xe máy bì bõm lội trên con đường hóa thành sông vô tận, người bất lực rút chìa khóa bỏ lại chiếc ôtô giữa đường rồi lội bộ về, người tát nước, người bày đồ nhậu chờ nước rút. Và hôm sau, các garage, các tiệm sửa xe lũ lượt khách đứng chờ… Mọi sinh hoạt đảo lộn, có cả những người đã thiệt mạng trong mưa bão. Người thành phố hết cơn bàng hoàng thì dường như sang trạng thái chấp nhận, nhẫn chịu đến đáng ngạc nhiên. Có thể vì nguyên nhân ngập nước lần này không phải vì một cơn mưa thông thường mà khác lạ hơn: bão số 9 với mức độ siêu bão Cat.1, thông số lượng mưa cực đoan lên đến gần 300mm và 400mm ở một số quận. Người ta rất có thể đã quên rằng những trận mưa dưới 200mm trước đó cũng từng gây ngập nặng; rằng mỗi tháng hai lần triều cường cũng ngập; rằng kẹt xe là chuyện đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ; rằng không có bão vẫn có cây đổ đè người, vẫn có người phải thiệt mạng vì lọt xuống một miệng cống không đậy nắp. Cũng có thể người ta đã quên rằng mới tuần trước lãnh đạo thành phố thông báo: “TP.HCM đang chuyển mình thành một siêu đô thị”, mới tháng trước thành phố tổ chức hội thảo khoa học về tiến độ và giải pháp xây dựng thành phố thông minh, đô thị tri thức. Và từng có những cảnh báo hơn hai mươi năm trước của các nhà khoa học về một đô thị không có nền móng vững chắc càng lúc càng lún xuống dưới sức nặng của các tòa nhà đồ sộ; khuyến cáo về việc bêtông hóa các vùng thấm, lấp các đường thoát nước tự nhiên sẽ gây ngập toàn thành phố; quên cả những dự án chống ngập nghìn tỉ, chục nghìn tỉ đã được triển khai nhiều lần, nhiều năm... Một siêu thị mở cửa để những khách hàng không ra về được vì đường ngập nước có thể ở lại, cung cấp chăn mền tã sữa bánh nước cho người lớn, trẻ em đủ để người ta ấm lòng. Nhưng không ai biết những người vô gia cư đã ở đâu đêm đó khi mái hiên không đủ che mưa, đoạn gầm cầu không cao hơn được mực nước ngập. Đã không có một mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ nào của thành phố mở cửa đón người vô gia cư trong cơn bão này, chưa có được lực lượng nào được triển khai đi tìm kiếm, giúp đỡ họ. Những nhóm thiện nguyện vẫn thường phát cơm, phát bánh, tặng quần áo, chăn mền… đêm mưa bão đó cũng phải bất lực. Hình ảnh hai người đàn ông, một ngồi trong ôtô nước ngập tới vôlăng, một cô đơn bên bậc thềm nhà ai đó, cùng co ro ướt sũng, vẻ bất lực chịu đựng hiện ra từng nếp nhăn trên gương mặt được đưa lên mạng xã hội như dấu chấm than cho tiêu chuẩn sống của một đại đô thị, dấu chấm hỏi cho tiêu chí “văn minh, nghĩa tình” của thành phố. Hạt mưa thì mỏng manh và ngọt. Nhưng trận mưa tới 400mm trong cơn bão này và những bão, những mưa chắc chắn về sau sẽ còn đến giữa khung cảnh biến đổi khí hậu không thể tránh được, đã chỉ ra những mỏng manh khác: ước vọng và khả năng xây dựng siêu đô thị của chính quyền thành phố; đòi hỏi chính đáng và quyết tâm thúc đẩy một thành phố văn minh - hiện đại - an toàn cho chính mình, cho mọi người của mỗi công dân. Sài Gòn - TP.HCM vốn đã có một nền địa chất mỏng manh, muốn xây siêu đô thị lên đấy và sống trong siêu đô thị ấy, con người không thể mỏng manh được... Hạt mưa hôm nay nhắc vậy. ■ Những cơn bão vừa qua cho thấy công tác dự báo và ứng phó với bão của chúng ta chưa thật sự hiệu quả, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Với cơn bão số 9 mới đây, người dân chỉ biết thông tin bão đi vào TP.HCM, rất thiếu thông tin về những khu vực nào có thể bị ảnh hưởng nặng khi cơn bão đi qua. Mà đó là những dự báo rất cần thiết để người dân chuẩn bị các phương án đối phó, từ trữ thực phẩm, bảo vệ nhà cửa, hạn chế đi lại, đến đưa xe từ tầng hầm chung cư đến những nơi cao hơn để tránh bị ngập, các cơ sở cũng cần thông tin cụ thể để có kế hoạch cho sản xuất, ngành điện chuẩn bị phương án dự phòng khi bị cúp điện. Việc TP.HCM chưa có kịch bản ứng phó khi xảy ra lượng mưa tới 300, 400mm ở nhiều nơi là một thiếu sót rất lớn. Chúng ta không thể chủ quan cho rằng đó là chuyện xa vời. Thực tế đã xảy ra, vì vậy ta phải có rất nhiều kịch bản khác nhau để chủ động ứng phó phù hợp, đặc biệt khi thời tiết ngày càng cực đoan và ảnh hưởng do biến đổi khí hậu ngày càng rõ hơn. Ở những khu vực thấp, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, những trận mưa bình thường đã ngập, nên cần có những phương án ưu tiên ứng cứu cho những khu vực này để hạn chế thấp nhất những thiệt hại, đảm bảo môi trường sống cho người dân, tránh lây lan dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước, rác thải. Những hình ảnh cho thấy hệ quả cơn bão mà người dân vừa gánh chịu là một thử thách đối với các cơ quan chức năng TP.HCM trong việc ứng phó với các cơn bão, với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là chuyện cấp phép xây dựng tầng hầm chung cư, làm bãi đậu xe ở những nơi đất thấp, thường xuyên bị ngập phải được kiểm tra, thẩm định thật kỹ và có khuyến cáo đối với các chủ đầu tư công trình. KTS Ngô Viết Nam Sơn Tags: Mưa toMưa lũBão số 9TPHCM ngập lụtBão vào TPHCM
Quốc hội chốt ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT là 200 triệu đồng/năm THÀNH CHUNG 26/11/2024 Luật mới được thông qua quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống sẽ không phải chịu thuế VAT.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Xây dựng quân đội trên tinh thần tinh, gọn, mạnh CẨM NƯƠNG 26/11/2024 Thượng tướng Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh Tổng cục Chính trị cam kết tiếp tục tham mưu cho Đảng lãnh đạo quân đội, hướng tới xây dựng lực lượng quân đội tinh, gọn, mạnh, chính quy, hiện đại.
Ông Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải xin lỗi Đảng và nhân dân TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan kết thúc tranh luận.
Ông Medvedev: Nga sẽ đáp trả hạt nhân nếu phương Tây chuyển giao vũ khí này cho Ukraine NGHI VŨ 26/11/2024 Theo ông Medvedev, một khi phương Tây chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Matxcơva có thể xem đó là một cuộc tấn công vào Nga.