Phóng to |
“Nhiều du học sinh đang làm thạc sĩ ở Úc, New Zealand, Hoa Kỳ... đã trực tiếp điện thoại cho tôi để tìm hiểu về dự án này và bày tỏ nguyện vọng được tham gia dự án” - ông Vũ Đăng Minh (vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên thuộc Bộ Nội vụ, giám đốc Ban quản lý dự án) cho biết như trên tại cuộc giao lưu trực tuyến về dự án trên, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 26-5.
Chọn người có phẩm chất, tài năng
Đã có 145 hồ sơ đăng ký tham gia dự án Ông Vũ Đăng Minh cho biết tính tới ngày 25-5-2011, Ban quản lý dự án đã nhận được 145 hồ sơ, phần lớn ứng viên ở độ tuổi 26-29. Trong đó, nhóm ngành nông lâm nghiệp có 42 hồ sơ; xây dựng, tài nguyên, đất đai có 12 hồ sơ; kinh tế có 25 hồ sơ; kỹ thuật, công nghệ thông tin 12 hồ sơ. “Chúng tôi đã đọc rất kỹ các hồ sơ này, nhiều bạn sau khi ra trường đã đi làm, có bạn đi làm cho doanh nghiệp tại Hà Nội thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng vẫn đăng ký tham gia vì muốn cống hiến” - ông Minh nói. Theo dự án, từ nay đến năm 2017, 600 trí thức trẻ sau khi được tuyển chọn sẽ về đảm đương chức danh phó chủ tịch UBND xã tại 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh trên địa bàn cả nước. Mẫu hồ sơ có thể tải về từ trang web của Bộ Nội vụ (www.moha.gov.vn) hoặc trang thông tin điện tử của Trung ương Đoàn (www.doanthanhnien.vn). Hồ sơ nộp về sở nội vụ tại các tỉnh có huyện nghèo hoặc Ban quản lý dự án (8A Tôn Thất Thuyết, Hà Nội). |
Trả lời câu hỏi tiêu chuẩn tuyển chọn của dự án có phân biệt văn bằng tại chức và chính quy, ông Minh nói dự án không đề cập tới vấn đề tuyển dụng đại học chính quy hay tại chức vì trong luật cũng không phân biệt.
Trong quá trình tuyển dụng, đặc biệt là xét tuyển hồ sơ, quá trình học tập, thi tuyển và phỏng vấn của hội đồng tuyển dụng, nếu thể hiện phẩm chất, tài năng thì sẽ được xét tuyển. Như vậy, sinh viên tốt nghiệp đại học tại chức, đang là công chức ở địa phương cũng có thể tham gia dự án nếu đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số, người biết nói tiếng dân tộc, đặc biệt trí thức trẻ là người tại địa phương sẽ được ưu tiên.
Qua khảo sát của Ban quản lý dự án tại các tỉnh có huyện nghèo như Điện Biên, Lai Châu... cho thấy nhu cầu tăng cường trí thức trẻ về hỗ trợ địa phương tập trung vào các lĩnh vực như: luật, hành chính, nông lâm nghiệp, giao thông... Do đó Ban quản lý dự án chủ trương tuyển chọn trí thức trẻ trên những lĩnh vực này để đưa về làm đòn bẩy phát triển cơ sở.
Đảm bảo xét tuyển công bằng
Trước băn khoăn về việc phát huy năng lực của các trí thức trẻ khi về công tác ở xã nghèo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng trí thức trẻ được tuyển chọn phải trải qua vòng phỏng vấn kỹ lưỡng, tiếp đó phải trải qua hai tháng bồi dưỡng kiến thức và một tháng đi thực tế tại cơ sở, những điểm yếu nếu có sẽ bộc lộ trong quá trình đó. Chưa kể sau sáu tháng về cơ sở, ban quản lý dự án sẽ tiến hành sơ kết, nếu ứng viên không đạt yêu cầu sẽ tiếp tục sàng lọc.
Ông Dĩnh cũng giải thích thêm ngoài những văn bản, quy định hiện hành về thi tuyển công chức và các quy định riêng của dự án, quy trình tuyển dụng của dự án sẽ được thực hiện rất chặt chẽ, mỗi tỉnh sẽ lập hội đồng tuyển chọn (gồm lãnh đạo sở nội vụ, ban tổ chức tỉnh ủy, tỉnh đoàn...) để xét tuyển. Hồ sơ từ tỉnh sau khi duyệt sẽ gửi về Bộ Nội vụ để tiếp tục quá trình thẩm định, nếu có tiêu cực sẽ bị loại bỏ.
“Bộ Nội vụ sẽ đốc thúc chỉ đạo và giám sát sát sao quy trình để hạn chế tối đa tiêu cực, đảm bảo quá trình xét tuyển công bằng, khách quan” - ông Dĩnh nói.
“Làm tốt nhiệm vụ thì có thể đảm nhiệm chức vụ cao hơn” Trao đổi với báo chí bên lề cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết: Trí thức trẻ tham gia dự án “Tăng cường 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo”, sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nếu có nhu cầu tiếp tục ở lại xã thì xã đó có trách nhiệm quy hoạch để tiếp tục tham gia chức vụ lãnh đạo quản lý, có thể cao hơn so với chức vụ từng đảm nhiệm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận