Thả đèn trời trong lễ hội Loi Krathong ở Chiang Mai - Ảnh: SOHU
Đất nước Thái Lan nổi tiếng với những lễ hội đặc sắc và hầu hết những lễ hội này đều bắt nguồn từ truyền thống cũng như tín ngưỡng của người Thái xưa. Lễ hội hoa đăng Loi Krathong hay Loy Krathong cũng không là ngoại lệ.
Loi Krathong là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất hằng năm của xứ sở chùa vàng, được tổ chức vào đêm rằm (trăng tròn) tháng 12 theo lịch Thái, tức vào tháng 11 dương lịch. Lễ hội năm nay rơi vào ngày 19 tới 23-11.
Theo báo Diplomat, có nguồn gốc ở cổ trấn Sukhothai mà nay thuộc tỉnh Sukhothai ở miền bắc Thái Lan, lễ hội Loi Krathong sau đó phổ biến trên khắp Thái Lan và thậm chí tại một số vùng của Lào và Myanmar.
Lễ hội Loi Krathong lớn nhất là ở Sukhothai, Chiang Mai, Ayutthaya và Bangkok.
Đặc biệt nhất, Sukhothai - thị trấn với cái tên mang nghĩa "Bình minh của hạnh phúc" có từ thế kỉ 13 - sẽ tổ chức lễ hội này tại khu đền cổ Công viên lịch sử Sukhothai được UNESCO công nhận di sản thế giới.
Cái tên Loi Krathong trong tiếng Thái gồm loi có nghĩa là "trôi" và krathong có nghĩa là chiếc bè nổi trên nước có hình hoa sen - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Những cuộc diễu hành có trống chiêng, những màn bắn pháo hoa rực rỡ, các tiết mục biểu diễn âm nhạc truyền thống, những màn biểu diễn kể lại lịch sử Sukhothai… sẽ khiến 5 ngày hội Loi Krathong của Vương quốc Thái Lan trở nên đa sắc, lung linh và vui tươi.
Những người con của xứ chùa vàng sẽ thả krathong (đèn hoa đăng) trên các con sông, và thả khomloi (đèn giấy) lên trời đêm trong tiếng thầm thì của những người cầu nguyện.
Lễ hội năm nay nhận được sự chú ý rất lớn. Một ngày trước Loi Krathong, báo Bangkok Post cảnh báo: "Lễ hội cũng sẽ đặt ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan liên quan tới các biến đổi môi trường và xã hội".
Theo tờ báo của Thái Lan, vấn đề đối với lễ hội Loi Krathong là số lượng lớn thuyền hoa đăng được thả có nguy cơ khiến dòng chảy của các con sông bị tắc nghẽn và nếu không được xử lý kịp thời, chúng có thể gây ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh đó, việc thả đèn trời không kiểm soát từ dân địa phương và khách du lịch có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của các chuyến bay, đặc biệt ở khu vực miền bắc Thái Lan.
Nhà chức trách Chiang Mai năm nay đã quyết định đổi giờ bay hoặc hủy một số chuyến bay từ ngày 21 tới 23-11, thời điểm những người chơi hội thả nhiều đèn trời. Gần 150 chuyến bay, cả nội địa và quốc tế, sẽ bị ảnh hưởng.
Sau đây là một số hình ảnh về lễ hội Loi Krathang của nhiếp ảnh gia Sugato Mukherjee (Ấn Độ) đăng trên báo Diplomat (Nhật) ngày 19-11:
Công viên lịch sử Sukhothai (di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1991) sáng rực trong đêm hội Loi Krathong với chương trình biểu diễn sống động cùng hàng trăm chiếc đèn trời khomloi - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Với phần nền là những ngôi đền cổ, những màn biểu diễn âm thanh và ánh sáng sẽ đưa người xem trở về một thời kỳ xa xưa đầy huyền bí - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Những người bán thuyền hoa đăng ngồi phía trước cổng Công viên lịch sử Sukhothai với những chiếc krathong đủ màu sắc và kiểu dáng - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Người dân Thái Lan thả những chiếc đèn trôi theo dòng nước để bày tỏ lòng biết ơn đến thần nước Phra Mae Khongkha. Người ta tin rằng những chiếc đèn này sẽ mang sự thù hận, giận dữ và dơ bẩn đi xa - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Những cô gái đứng trên kiệu tham gia diễu hành trong tiếng trống chiêng trên đường phố - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Một em bé mặc trang phục truyền thống tươi cười trong lễ hội - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Những cuộc diễu hành trong trang phục truyền thống nhiều màu sắc là một phần không thể thiếu trong lễ hội Loi Krathong - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Sau lễ hội Songkran vào dịp Tết truyền thống, Loi Krathong là lễ hội lớn thứ 2 trong năm, và cũng là một trong những lễ hội đẹp nhất, màu sắc nhất và cổ nhất của Vương quốc Thái Lan - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Lễ hội cũng là dịp để dân địa phương Thái Lan tranh thủ cơ hội kiếm tiền bằng việc bày bán thức ăn phục vụ du khách - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Cầu nguyện và thả đèn trời là một thứ không thể bỏ qua trong lễ hội Loi Krathong - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Nhà chức trách Chiang Mai cho biết có 150 chuyến bay bị ảnh hưởng, trong đó có 60 chuyến bay sẽ bị hủy trong lễ hội năm nay. Ngày thứ 5, tức ngày cuối cùng của lễ hội là ngày đỉnh điểm mà người dân Thái tham gia hoạt động thả đèn trời - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Lễ hội càng thêm rực rỡ với màn pháo hoa đặc sắc bên trong Công viên lịch sử Sukhothai cũng như nhiều địa điểm khác trên khắp Thái Lan - Ảnh: SUGATO MUKHERJEE
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận