Lần hồi do hạn hán, nước ngày càng hiếm và nhiều ý kiến ở miền trung không còn muốn nước chảy về phương nam nữa.
"Cuộc chiến nước" thời hạn hán
Ông Juan Francisco Abellaneda là chủ trang trại rộng 300ha ở Murcia thuộc vùng đông nam Tây Ban Nha, thành viên sáng lập hợp tác xã nông nghiệp gồm 700 lao động. Vào thời cha và ông nội của ông, Murcia là một trong những vùng nghèo nhất nước với nền nông nghiệp cơ bản là tự cung tự cấp. Đây là một trong những địa phương khô hạn nhất. Nước không bao giờ đủ để thâm canh nông nghiệp.
Sau đó, Tây Ban Nha đã thực hiện dự án quy mô lớn mang tên "Chuyển dòng Tagus-Segura" (Trasvase Tajo-Segura). Dự án được thực hiện trên chặng đường dài 300km kết hợp các kênh đào, đường hầm, cầu dẫn nước và hồ chứa nhằm chuyển nước sông Tagus lớn nhất Tây Ban Nha ở miền trung về lưu vực sông Segura giữa Andalucia và Murcia. Dự án bắt đầu vào những năm 1960 và đi vào sử dụng năm 1979, kết nối bốn lưu vực sông gồm Tagus, Jucar, Segura, Guadiana.
Trang trại của ông Abellaneda xuất khẩu 3.000 tấn bắp cải, xà lách, dưa hấu mỗi năm cho các siêu thị châu Âu nhờ nước sông Tagus. Vùng đông nam Tây Ban Nha xuất khẩu gần 50% trái cây và rau quả cũng nhờ nước sông Tagus.
Dự án "Chuyển dòng Tagus-Segura" từ lâu được coi như một mô hình thích ứng với tình trạng thiếu mưa thì nay thời thế đã khác! Dòng chảy sông Tagus ở miền trung đã giảm đến mức tại nhiều nơi vào mùa hè có thể đi bộ qua lòng sông khô cạn. GS Domingo Baeza ở Đại học tự trị Madrid giải thích: "Dòng sông có khả năng bị khai thác quá mức do tưới tiêu không thể kiểm soát".
Tình hình càng thêm bi đát vì các đợt nắng nóng khắc nghiệt gần đây. Theo Cơ quan khí tượng Aemet, từ khi triển khai dự án, nhiệt độ trung bình ở Tây Ban Nha đã tăng 1,3°C, dòng chảy của sông đã giảm 12% và dự kiến có thể giảm từ 14 - 40% vào năm 2050.
Trước nguy cơ hạn hán đe dọa sa mạc hóa 75% diện tích, hồi tháng 2-2023 Chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định hạn chế chuyển nước sông Tagus đến vùng đông nam. Mục đích đến năm 2027 sẽ giảm 30% lượng nước chuyển dòng từ 38 triệu m3 xuống 27 triệu m3 mỗi tháng trừ trường hợp mưa lớn nhằm tăng mực nước sông Tagus.
Nếu không có nguồn nước sông Tagus, dự báo tại vùng đông nam Tây Ban Nha sẽ có 12.200ha cây trồng bị bỏ hoang, gây thiệt hại 137 triệu euro mỗi năm và mất đi 15.000 việc làm.
Trong khi đó, "cuộc chiến nước" giữa các địa phương bùng nổ với các màn tranh luận trên báo chí, biểu tình, kiện cáo. Ông Borja Castro là viên chức đứng đầu thị trấn Alcocer ở miền trung gần các hồ chứa tại Entrepeñas và Buendía, nơi nước được bơm về vùng đông nam. Ông chỉ trích "địa phương chúng tôi đã bị hy sinh" vì lợi ích của nông dân vùng đông nam.
Ông bực tức nói: "Mọi thứ đều đã dừng lại khi bắt đầu thực hiện hoạt động chuyển dòng đáng nguyền rủa này. Nước ra đi và cùng với đó là các hoạt động thương mại, việc làm và một bộ phận cư dân. Thật phi lý khi chúng ta biến miền đông thành vườn rau của châu Âu nhưng với nguồn tài nguyên được lấy từ nơi khác!".
Chuyển nước sông gây hậu quả khó lường về khí hậu
Trong nghiên cứu với tựa đề "Liên kết các dòng sông: Kết quả và thách thức", ba nhà nghiên cứu Ấn Độ Pawan Jeet, Alok Kumar và Prem K. Sundaram ghi nhận nhiều dự án kết nối các dòng sông đã được xây dựng trên thế giới nhằm chuyển nước từ con sông dư thừa sang sông ngòi khu vực khô hạn.
Trung Quốc đã thực hiện dự án chuyển dòng Nam - Bắc kết nối lưu vực sông Dương Tử ở miền nam với lưu vực sông Hoàng Hà ở miền bắc. Dự án khởi công vào năm 2002 chuyển 45 tỉ m3 nước mỗi năm qua các đường hầm và kênh dẫn dài 3.000km.
Dự án cấp nước vùng cao nguyên do Nam Phi và nước láng giềng Lesotho khởi công vào năm 1950 đã hoàn thành năm 1986 nhằm chuyển nước từ thượng nguồn sông Orange ở Lesotho đến sông Vaal tại Nam Phi. Dự án chuyển 750 triệu m3 nước mỗi năm.
Tại Mỹ, dự án nước bang California đã hoàn thành giai đoạn một vào năm 1973. Đây là hệ thống lưu trữ và phân phối nước gồm các hồ chứa, cầu dẫn nước, nhà máy điện và nhà máy bơm chuyển nước từ phía bắc California dư thừa nước đến miền trung và miền nam khô hạn hơn.
Ấn Độ bắt đầu soạn thảo Dự án Kết nối các dòng sông quốc gia từ năm 2002, với chủ trương thực hiện 30 dự án kết nối các dòng sông thông qua các hồ chứa và kênh dẫn. Dự án gồm ba hợp phần do Cơ quan Phát triển nước quốc gia Ấn Độ (NWDA thuộc Bộ Tài nguyên nước) quản lý.
Theo trang web Jagran Josh (Ấn Độ), dự án nêu trên mang lại nhiều lợi ích như giải quyết hạn hán và thoát lũ, tăng diện tích trồng trọt và trồng rừng, tạo việc làm cho người dân không có đất, phát triển giao thông đường thủy, giảm chi phí vận tải và phát triển du lịch. Dù vậy, cho rằng khái niệm vùng thừa nước cung cấp nước cho vùng thiếu nước ở cách xa hàng ngàn km là một quan niệm sai lầm vì các bất lợi như sau:
* Để hoàn thành dự án, nhiều đập, kênh, hồ chứa lớn được xây dựng khiến đất xung quanh trở nên sình lầy, không phù hợp sản xuất nông nghiệp, từ đó sản lượng ngũ cốc giảm.
* Muốn dẫn nước phải sử dụng nhiều máy bơm diesel lớn, phải di dời nhiều triệu dân và nhấn chìm nhiều cánh rừng dưới dòng nước.
* Có thể xảy ra tranh chấp về nước giữa các vùng thuộc dự án.
* Các loài cá ngoại lai có thể xâm lấn theo dòng nước.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu cảnh báo kết nối các dòng sông chẳng khác gì can thiệp vào thiên nhiên và thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông ngòi sẽ dẫn đến nhiều tác động bất lợi kéo dài trong khi chúng ta chưa hiểu hết về hậu quả khí tượng thủy văn. Các nghiên cứu gần đây của Ấn Độ cho thấy kết nối các dòng sông có thể làm thay đổi tác động giữa đất và khí quyển dẫn đến thay đổi gió mùa mùa hè ở Ấn Độ.
Theo nghiên cứu, nếu dẫn nước từ lưu vực này để tưới cho lưu vực khác, quá trình thoát hơi nước kết hợp với gió tăng lên có thể làm giảm 12% lượng mưa cuối gió mùa tại một số vùng khô cằn và tăng lượng mưa lên tới 10% ở các vùng khác của Ấn Độ.
Theo báo The Citizen (Ấn Độ), trong 30 dự án chuyển dòng của Ấn Độ, báo cáo dự án chi tiết đã được chuẩn bị cho 15 dự án. Ngoài ra, tất cả các nghiên cứu tiền khả thi đều đã hoàn tất và được chia sẻ với các bang liên quan để tìm kiếm đồng thuận. Tuy nhiên, do còn nhiều tranh luận, đến nay các dự án vẫn chưa được thực hiện.
********************
Trong một thập niên vừa qua, sản lượng bắp của Mỹ hầu như không bị ảnh hưởng mặc dù thời tiết khô hạn. Đó là nhờ các giống bắp mang lại năng suất cao. Có thể hạn chế mức độ khô hạn khốc liệt bằng cách giữ độ ẩm của đất phối hợp với công nghệ di truyền về hạt giống.
>> Kỳ tới: Tìm kiếm giống cây chịu hạn tốt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận