Phóng to |
Ông Hồ Trọng Hiếu, 48 tuổi, thẫn thờ trước sự ra đi đột ngột của con gái út Hồ Thị Bích Tình - Ảnh: T.Thành |
Sáng 19-4, trong khi em Đinh Minh Tuấn (học lớp 7/2 Trường THCS Huỳnh Phước, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) vẫn còn hoảng loạn, không tiếp xúc với ai, chỉ khóc và đòi nghỉ học, thì học sinh may mắn sống sót còn lại là Nguyễn Thị Út Trân (học lớp 7/1) đã lấy lại tinh thần, đến viếng thăm từng người bạn vừa vĩnh viễn ra đi.
Các bạn cố cứu nhau...
Nước mắt lưng tròng, Trân nhớ lại: “Tan buổi học chiều 18-4, tụi em rủ nhau ra chợ La Chữ ăn chè, rồi đến nhà bạn Thi chơi. Cũng không nhớ là bạn nào rủ, nhưng cả nhóm đồng ý đến sông Lu, nơi có tảng đá lớn và phong cảnh đẹp, cách nhà bạn Thi chừng nửa cây số để chơi”.
Út Trân nói ban đầu chỉ có bốn bạn nam xuống sông, nhưng sau đó các bạn nữ cũng xuống “nhúng nước” vì trời nóng, sau đó Trân và Thi lên bờ, còn các bạn khác đùa giỡn dưới nước.
“Khi bạn Dương vói tay vớt đám bèo thì bị trượt chân rơi vào chỗ nước sâu, các bạn còn lại đã cố dùng tay níu nhau định cứu bạn ấy nhưng rồi lần lượt bị nước nhấn chìm. Em và Thi chạy mỗi người một hướng tìm cây để đưa cho các bạn bám, không hiểu sao khi em quay lại thì thấy bạn Tuấn run rẩy bò lên bờ, còn bạn Thi cũng biến mất. Hoảng quá, em chạy lên nhà người dân ở gần đó kêu cứu nhưng không kịp nữa...” - Trân thổn thức.
Sông Lu, nơi các học sinh bị nạn, là một khúc sông không chảy vì hai đầu đã khô nước, chỉ còn lại một vùng nước đọng rộng chừng 5m, dài khoảng 30m. Người dân địa phương cho hay chỗ nước đọng này sâu 3-5m, nước lạnh vì bên dưới toàn là đá tảng.
Sáng 19-4, sau khi đến viếng từng học sinh xấu số, ông Nguyễn Bá Ninh - giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Ninh Thuận - đã đến tận nơi xảy ra tai nạn thương tâm. “Sở sẽ yêu cầu các trường phối hợp tốt hơn với gia đình để bảo vệ học sinh, đồng thời cũng sẽ xem xét, xúc tiến đưa việc dạy bơi vào nhà trường trong thời gian sớm nhất” - ông Ninh nói.
“Sao bắt ba phải để tang, con ơi...”
Sáng 19-4, hàng trăm người dân quanh vùng và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, huyện Ninh Phước, xã Phước Hữu cũng như giáo viên, học sinh của Trường THCS Huỳnh Phước đã đến từng nhà của năm học sinh xấu số Trần Gia Kỳ, Hồ Thị Bích Tình, Lê Phú Dương, Ngô Thị Cẩm Thi và Phạm Thị Tường Vi để thăm viếng, động viên. Rạng sáng cùng ngày, gia đình đã đưa quan tài em Lê Văn Hải về quê ở tỉnh Bình Định để an táng theo nguyện vọng của ông bà.
Năm ngôi nhà của những học sinh xấu số ở thôn La Chữ đều là những ngôi nhà mái tôn vách đất, hoặc là nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa. Lặng nhìn thi thể con trai lớn Lê Phú Dương mới 13 tuổi, đôi vai anh Lê Phú (35 tuổi) rung lên bần bật. “Hằng ngày tôi đi lái thuê máy gặt lúa cho người ta, còn vợ thì phải đi làm mướn, nên cháu Dương cùng em trai phải sang ở nhà ngoại gần đó. Hồi nhỏ tới giờ cháu có bao giờ đi chơi sông suối gì, cũng không biết bơi, không hiểu sao hôm qua lại dại dột ra sông Lu mà tắm để rồi đi luôn như vầy” - anh Phú thẫn thờ.
Anh kể chiều tối 18-4, khi đang lái máy gặt lúa thuê cách nhà gần 25km thì nhận được điện thoại của người anh ruột gọi gấp về nhà vì Dương gặp nạn. “Cứ tưởng thằng nhỏ bị thương gì đó, nào ngờ khi về thì đã thấy nó nằm đây, lạnh ngắt. Sao con lại bắt ba phải để tang vầy, Dương ơi!” - anh Phú nói trong nước mắt.
Chiều tối 19 và sáng sớm 20-4, lần lượt năm quan tài của những học sinh xấu số được đưa về an táng gần nhau ở nghĩa trang La Chữ. “Chưa bao giờ thôn này, xã này có một đại tang như vậy trong gần 40 năm qua” - ông Đặng Văn Dũng, trưởng thôn La Chữ, xót xa.
Không nên trực tiếp cứu người sắp chết đuối Đó là lời khuyên của ông Trương Đức Ngọc - trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu, TP.HCM. Ông Ngọc nói: “Đã có rất nhiều trường hợp một người sắp chết đuối, nhiều người khác lao xuống cứu để rồi cùng nhau chết chung dù trong đó có người bơi rất tốt. Nguyên nhân vì người sắp chết đuối luôn tìm cách bám víu mọi thứ chụp được theo bản năng để mong giữ mạng. Vô tình họ siết chặt, gây cản trở người cứu mình nên chết chung. Lời khuyên khoa học của các chuyên gia cứu hộ ngoài nước là không nên cứu trực tiếp người sắp chết đuối mà phải cứu gián tiếp. Có nghĩa là khi thấy có người sắp chết đuối, chúng ta phải thật nhanh tìm bất cứ dụng cụ gì như phao, khúc cây... kể cả quần áo quăng ra cho người đó chụp lấy rồi từ từ kéo vô. Trong trường hợp khẩn cấp phải cứu bằng cách tiếp cận trực tiếp, chúng ta có hai phương pháp. Thứ nhất, phải tiếp cận từ sau lưng nạn nhân với khoảng cách từ 1-3m rồi dùng chân hoặc tay đẩy nạn nhân từ từ vào khu vực an toàn. Tuyệt đối không cho nạn nhân chạm vào người mình trong thế đối mặt. Với cách làm này, chúng ta cũng có thể kết hợp dùng lời nói trấn an nạn nhân. Cách thứ hai là đợi nạn nhân chìm hẳn rồi mới tiếp cận từ phía sau, ngửa mặt nạn nhân lên khỏi mặt nước rồi từ từ đưa vào bờ. Đây là cách mà nhân viên cứu hộ thường hay áp dụng”. TẤN PHÚC ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận