Ý nghĩa của lịch sử và hiện đại
Phóng to |
Không có gì phải ngạc nhiên khi cuộc đấu tranh của ông cũng biểu hiện một chủ nghĩa cấp tiến bắt rễ trong thời thế, trong hoàn cảnh xã hội. Ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của không khí tư tưởng thời đó, đặc biệt được hình thành trong khi công cuộc kỹ nghệ hóa đang bành trướng trong những xung đột giai cấp ngày càng tăng, trong cuộc đấu tranh cho các hệ tư tưởng gắn liền với khoa học, với tiến hóa và tầm quan trọng của chúng trong cuộc sống con người.
Cũng như nhiều nhà cải cách khác, ông tin tưởng một cách ngây thơ rằng con người có khả năng tiến tới hoàn thiện và tiến bộ thông qua khoa học, tiêu biểu cho những người tiên tiến của thời đại, đồng thời cũng thấy những yêu cầu cấp bách của việc cải thiện con người có đáp ứng được hay không một phần lớn là tùy ở chỗ những đề nghị của họ có được chấp nhận hay không. Ông viết: “Chừng nào mà nhà trường không tìm cách chữa trị những tệ nạn tinh thần của xã hội, tôi e rằng rốt cuộc nó chỉ làm cho vấn đề càng trầm trọng thêm mà thôi”.
Những điểm tương đồng giữa tác phẩm của Makiguchi và của những nhà cải cách khác đương thời, vốn chia sẻ với ông nhiều mối quan tâm, rất dễ nhận ra. Chẳng hạn, tôi đã ghi nhận được nhiều điểm giống nhau giữa ông và Harold Rug, một người Mỹ đương thời. Họ cũng cùng chia sẻ một niềm xác tín rằng họ chớm thấy một kỷ nguyên mới của giáo dục và xã hội đang hiện rõ ở chân trời. Kỷ nguyên này có lẽ sẽ mau tới hơn nếu được nhiều người thiện chí góp sức vào.
Mang âm hưởng những quan điểm tiến hóa luận, cả hai người đều dùng những ẩn dụ hữu cơ để giải thích tư tưởng của mình, theo đó, cấu trúc xã hội được xem như một hệ thống hữu cơ, và trong cái cơ thể xã hội này, mỗi bộ phận đều có chức năng liên hệ đến sức khỏe của toàn hệ thống, vì vậy, hiển nhiên là không hề có những xung khắc tất yếu và không thể tránh khỏi giữa bộ phận và toàn thể, giữa cá nhân và xã hội. Cả hai đều tin rằng nền giáo dục là chìa khóa của sự tiến bộ kinh tế xã hội.
Makiguchi viết: “Việc cải cách chính sách giáo dục là con đường phục hồi sinh khí cho toàn xã hội”. Cả hai đều tin rằng lý tính khoa học có sức mạnh và khả năng dẫn con người đến chân lý, tạo nên sự đồng tâm nhất trí trong việc thừa nhận chân lý, và từ đó dẫn đến tiến bộ. Cả hai đều tìm cách hợp lý hóa hệ thống giáo dục và cách lập chương trình tập trung. Và, vọng lại những tư tưởng Đông phương truyền thống, cả hai đều ao ước sự quân bình và sự hài hòa trong cuộc sống. “Sự phát triển toàn diện của nhân cách, sự hợp nhất giữa tinh thần và thể xác, sự hài hòa giữa các bộ phận với nhau, giữa bộ phận với toàn thể”.
Makiguchi tìm cách cải thiện những tư tưởng nhị nguyên, kiểu tư duy “hoặc là… hoặc là” vốn phản ánh chủ nghĩa giáo điều và ngăn cản sự hiểu biết lẫn nhau, và ông cũng tìm cách xây dựng một kiểu nhà trường được liên kết chặt chẽ với cộng đồng và cuộc sống. Makiguchi cũng đặt nền móng trên tư tưởng cổ điển. Cùng với Dewey, ông nghĩ rằng thế giới tự nhiên và xã hội đều có qui củ của nó, đều dựa trên những qui luật phổ quát hoàn toàn tách biệt với sự nhận thức của con người. “Việc ứng dụng những thủ pháp quan sát và phân loại cho thấy có một trật tự hoàn toàn có chủ đích bao quát toàn thể cái thế giới này”.
Ông đã hết sức thất vọng bởi sự thiếu chủ đích trong giáo dục, ông lập luận rằng xét đến cùng chủ đích này sẽ bật ra từ “cái mà chính con người phải coi như là chính mục đích cuộc đời. Mục đích của giáo dục phải trùng làm một với mục đích bao quát hơn của đời sống người được giáo dục”. Ông cho rằng mục đích này phải là hạnh phúc, mà theo cách định nghĩa của ông, là một sự hợp nhất giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, và nó chỉ đến qua “Sự tham dự trọn vẹn vào cuộc sống của xã hội… qua việc chia sẻ những thử thách và những thành quả của người khác và của toàn cộng đồng”.
Ông cũng rất bất bình khi thấy giáo dục bị các kì thi cử thống trị, một sự thống trị cứ được tăng cường lên mãi từ sau khi ông mất đi, được củng cố mãi bởi các giáo viên cứ nhấn mạnh đến việc ghi nhớ các sự kiện, điều mà Paulo Freire gọi một cách miệt thị là: “Giáo dục nhà băng”. Nền giáo dục như thế không những bất hợp lý và gây chán nản, mà thậm chí còn phản tác dụng nữa, theo ý Makiguchi, và có tác dụng phá hoại đối với cá nhân và xã hội, vì cả hai phải được hướng về tương lai, nên giáo dục phải gắn liền với cuộc sống thực tế mà con người đang sống và làm cho nó phong phú hơn lên.
Nhận thức được rằng người ta không thể học thuộc hết mọi thứ, vốn hằng hà sa số, ông lưu ý thêm rằng nền giáo dục đó phải nhấn mạnh đến quá trình sáng tạo hơn là đến sản phẩm trong việc giảng dạy, trong đó phận sự người thầy là làm gương và làm người hướng dẫn, “Phận sự của giáo dục là hướng dẫn từ lối sống vô ý thức tới lối sống có ý thức, từ lối sống chưa có giá trị tới chỗ có giá trị, từ lối sống phi lý tính tới chỗ duy lý”.
Rủi thay, có quá ít những người thầy như thế. Nhìn chung, Makiguchi cho rằng người thầy thời đó thiếu sự đào tạo thích hợp - một vấn đề ngày nay rất được quan tâm - nhưng, quan trọng hơn, họ thiếu cá tính - một vấn đề rất đáng được quan tâm nhưng lại chưa được quan tâm mấy. Để chấn chỉnh tình trạng này, ông đề nghị một số thay đổi trong việc đào tạo giáo viên, đặc biệt những sự thay đổi có liên quan đến việc phát triển tinh thần học hỏi.
Hơn thế nữa, ông gay gắt chỉ trích các nhà lý thuyết giáo dục, và đòi hỏi rằng những người thầy phải biết học hỏi qua kinh nghiệm thực tiễn của bản thân và của người khác. Lý thuyết, theo ông, bao giờ cũng xuất phát từ thực tiễn. Vấn đề nảy sinh là: Có quá ít cố gắng nhằm hệ thống hóa những tri thức rút từ thực tiễn để rồi mở rộng và phát triển ra thành những qui tắc và qui trình hữu dụng. Đây cũng là một vấn đề mà mãi đến gần đây mới bắt đầu được các nhà nghiên cứu giáo dục quan tâm đến. Trên đây mới chỉ là một số ít trong những đề xuất kiên trì của Makiguchi.
Rất buồn mà phải nói rằng, chúng ta; những nhà giáo dục hiện đại, có một ký ức quá kém cỏi. Chúng ta bị sa lầy vào những hình thức phô trương sáo mòn và lạc hậu mà vẫn không hề biết. Có rất nhiều điều đáng cho ta phải học tập từ những tác giả như Makiguchi, ông đã cho chúng ta cơ hội có được cách nhìn và cách hiểu mới mẻ đối với vấn đề mà chúng ta đang phải đương đầu, nếu chúng ta tận dụng cơ hội ấy. Nếu không có gì hơn nữa, ít ra họ cũng giúp chúng ta đặt đúng vấn đề.
Tsunesaburo Makiguchi ra đời trong cảnh bần hàn năm 1871, tại một thôn xóm nhỏ ở Tây Bắc nước Nhật. Năm lên ba, cha mẹ ông kế tiếp nhau qua đời (mẹ ông tự tử bằng cách bế ông nhảy xuống biển). Ông được người chú tên là Zendayu Makiguchi nuôi dưỡng, nên mang tên họ của người chú này. Khoảng năm 15 tuổi, ông xin vào làm việc tại phòng cảnh sát địa phương và học để theo các đề thi của chính phủ, để sau này có thể dự các kì thi vào cao đẳng hay đại học. Ông rất được lòng viên cảnh sát trưởng, nên khi ông này chuyển về Sapporo bèn mang Makiguchi theo. Đến năm 1891, Makiguchi nhập học năm thứ III tại một trường Sư phạm Trung cấp. Hai năm sau ông tốt nghiệp và được cử làm giám học tại một trường phổ thông cơ sở trực thuộc trường Sư phạm này. Khi còn là sinh viên của trường, ông được đào tạo theo một kỷ luật rất nghiêm khắc nhằm tạo ra những giáo viên rập khuôn và dễ bảo, rồi kế đó khi ra trường và bắt đầu đi dạy học, người ta mong rằng ông sẽ là một mô phạm để truyền thụ thứ kỷ luật sắt đó. Nhưng Makiguchi, do một hành động được coi là bất phục tùng kỷ luật, đã bị buộc phải từ nhiệm năm 1901. Những năm sau đó là thời kỳ rất khó khăn về tài chính đối với Makiguchi và gia đình đang đông lên của ông, nhưng cũng là thời kỳ ông có nhiều thành quả trí thức quan trọng như việc xuất bản cuốn sách đầu tiên nhan đề Jinsei Chirigaku (Địa lý nhân sinh). Sau khi giữ vài chức vụ khác nhau, kể cả ở Bộ Giáo dục, năm 1913 ông làm hiệu trưởng trường phổ thông Tosei, rồi trong 20 năm kế đó nữa, ông giữ chức Hiệu trưởng và giáo viên tại một số trường rải rác khắp khu vực Tokyo. Chính từ những ghi chép tản mạn được thực hiện trong thời kỳ này phản ánh tư duy của ông về công việc và kinh nghiệm giáo dục, mà cuốn Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo đã ra đời. Makiguchi bắt đầu sự nghiệp vào một thời mà người ta đang tranh luận gay gắt về một hướng đi cho nước Nhật Bản mới, về vai trò xã hội và trách nhiệm giáo dục trong đó. Những người bảo thủ và các nho sĩ ở một phe, họ cho rằng trung thành và tuân phục phải là những điều cơ bản cần dạy trước tiên. Giáo dục như chính Makiguchi đã được tiếp thu ở Đại học, là để tạo ra những nhà trường chỉ hữu ích nếu nó đào tạo được những công dân có óc suy nghĩ độc lập. Makiguchi phải một phen thất vọng lớn vì phe bảo thủ, lúc ấy đang ở vị trí chủ đạo của phong trào và quốc gia quá khích đang mạnh lên, đã thắng thế và thống trị nền giáo dục Nhật Bản cho đến hết thế chiến thứ II. Bởi vậy cuộc đời và sự nghiệp của Makiguchi luôn luôn phải đấu tranh chống lại phe bảo thủ, cả về giáo dục lẫn tôn giáo. “Muốn xây dựng cái mới trước hết phải bỏ cái cũ”. Trên đấu trường giáo dục tuy ông đứng ngoài cuộc, một phần vì ông không có những học vị cao, ông vẫn kiên trì và công khai tấn công vào các đặc quyền đặc lợi, ông kêu gọi bãi bỏ hệ thống đại học hiện hành, và cải tổ hệ thống giáo dục từ trên xuống dưới. Hơn nữa ông còn phê bình cơ chế giáo viên và giáo dục quan liêu của Bộ Giáo dục lãnh đạo, ông nhiều lần công khai tỏ sự bất đồng với các chính sách giáo dục do Bộ đề ra. Hiển nhiên là Makiguchi có rất ít đồng minh và ngược lại, rất nhiều kẻ thù có thế lực. Trong những năm cuối đời, có lẽ vì sự bất mãn ngày càng tăng đối với nền giáo dục ấy, ông quay sang tôn giáo như một đấu trường mới để ông theo đuổi chương trình cải cách của mình. Ở đây cũng vậy, đặc biệt sau khi ông cải giáo và gia nhập tông phái Phật giáo Nichiren Shoshu năm 1928, các thế lực thù địch vây hãm lấy ông. Vì chống lại Thần đạo, là tôn giáo được Nhà nước bảo trợ, một cách không khoan nhượng, năm 1944 ông bị bắt và sau 17 tháng giam cầm trong nhà tù Sugamo, ông chết ở ngục vì suy dinh dưỡng vào tuổi bảy mươi ba. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận