Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà cho biết các đạo diễn được xếp vào hạng trí thức tầng bậc cao - Ảnh: T.ĐIỂU
Bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… cũng là trí thức. Nhưng đạo diễn là trí thức tầng bậc cao. Người ta minh định rằng đạo diễn còn là một nhà văn hóa. Vì vậy ngoài kiến thức về sân khấu, đạo diễn phải có kiến thức rất sâu rộng về cuộc đời để lôi lên sân khấu mà kể chuyện bằng bản diễn.
NSND Giang Mạnh Hà lập luận
Ông Hà cũng nhấn mạnh việc đánh, “xếp hạng” này không phải của ông mà ông nhắc lại quan điểm đã có.
Đánh giá cao vai trò của đạo diễn, ông Hà cho biết đạo diễn trên thế giới lâu nay rất được trân trọng về tài năng sáng tạo, họ được gọi là nhà chỉ huy, nhà sư phạm, nhà tổ chức, tổng công trình sư, huấn luyện viên sân khấu, người có quyền năng tối thượng trên sân khấu hay ở phim trường.
Nhưng chính vì danh tiếng này mà hiện nay có nhiều người học đạo diễn để làm lãnh đạo chứ không phải là để phấn đấu làm nghề thật giỏi, dẫn đến đạo diễn giỏi nghề thiếu lại càng thiếu.
Về chuyện khủng hoảng thiếu đạo diễn sân khấu giỏi, NSND Trịnh Thúy Mùi - chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - trong phát biểu khai mạc khóa tập huấn cho biết Việt Nam có hơn 200 đơn vị nghệ thuật biểu diễn sân khấu và số lượng nghệ sĩ sân khấu chiếm tới 70% nghệ sĩ biểu diễn, chiếm 90% tổng số lượng NSND, NSƯT. Nhưng đạo diễn giỏi nghề vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta gần như đang đứt gãy về công tác đạo diễn và tác giả.
Ông Hà cũng có cùng quan điểm về chuyện khủng hoảng tác giả kịch bản sân khấu bên cạnh khủng hoảng về đạo diễn.
Ông Hà dẫn chứng rằng hơn 30 năm đổi mới nhưng Việt Nam chưa có một kịch bản sân khấu nào được thế giới dựng, bởi vì chúng ta không có một nền triết học vững chắc nên không có tác phẩm đỉnh cao, có tầm tư tưởng sâu sắc, được thế giới công nhận.
Tại khóa tập huấn ngắn ngày dành cho các đạo diễn trẻ lần này, ngoài các chuyên gia sân khấu trong nước giảng dạy như đạo diễn Giang Mạnh Hà, Lê Hùng, Nguyễn Hoài Huệ, Lê Quý Dương, Nguyễn Thị Minh Thái, còn có đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama - người đang ở Việt Nam giúp Nhà hát Tuổi Trẻ dựng vở Hedda Gabler và trước đó là vở Cậu Vanya.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận