03/01/2018 12:07 GMT+7

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép

MINH HẢI (Tổng hợp từ Reuters, Daily Mail)
MINH HẢI (Tổng hợp từ Reuters, Daily Mail)

TTO - Những bức ảnh của Hãng Reuters ghi lại tại sân bay Heathrow (Anh) cho thấy nhiều người lợi dụng việc đi từ nước này sang nước khác để vận chuyển động vật trái phép. Hành vi của họ bị ngăn chặn kịp thời tại sân bay.

Từ nhu cầu của những kẻ lắm tiền nhiều của mà nạn săn bắn, buôn bán động vật trái phép vẫn tiếp tục diễn ra, trở thành vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới.

Buôn bán động vật trái phép từ lâu đã được coi là vấn nạn. Tình trạng săn bắt, giết hại và buôn bán động vật trái phép không chỉ gây nên tác hại về môi trường mà còn dẫn đến mất cân bằng sinh thái, đe dọa sự tồn tại của các loài động vật quý hiếm. Thậm chí, ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường quá lớn, xuất phát từ niềm tin của con người rằng các loài vật này có giá trị cao trong y học mà vấn nạn này không có dấu hiệu suy giảm.

Những bức ảnh của Hãng Reuters ghi lại tại sân bay Heathrow (Anh) cho thấy nhiều người đã lợi dụng việc đi từ nước này sang nước khác để vận chuyển động vật trái phép. Hành vi của họ bị ngăn chặn kịp thời tại sân bay.

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 1.

Đầu của một con gấu nâu được các nhân viên an ninh thu giữ tại sân bay Heathrow, Anh

Trong năm 2016, các cơ quan chức năng châu Âu tiến hành bắt giữ khoảng 952 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép các sản phẩm thuốc chữa bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, tăng đáng kể so với trong năm 2011 là 174 vụ.

Đa phần các sản phẩm này có xuất xứ từ châu Phi và được vận chuyển tiêu thụ chính tại thị trường châu Á.

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 2.

Những con cá sấu hoang dã bị giết hại sau đó được nhồi bông và đem đi tiêu thụ

Tất cả những sản phẩm bị thu giữ đều có nguồn gốc từ các loài thuộc diện nguy cấp cần được bảo vệ theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 3.

Những con vật đáng thương sau khi buôn bán trót lọt sẽ được khai thác sử dụng vào dược phẩm, đồ mỹ nghệ hoặc sản xuất các mặt hàng thời trang

CITES có hiệu lực từ ngày 1-7-1975, theo đó các quốc gia thành viên phải tuân thủ việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển các loài động, thực vật hoang dã được liệt kê trong quy ước, áp dụng đối với tất cả các bộ phận cơ thể của loài, chẳng hạn như da, lông, răng nanh,…

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 4.

Trong số tang vật bị thu giữ tại sân bay Heathrow, phổ biến nhất ngà voi và da, lông động vật.

Theo luật của châu Âu, trước khi nhập bất cứ thứ gì vào CITES, cần phải nộp đơn xin Văn phòng phụ trách về tài nguyên, thực phẩm và nông thôn. 

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 5.

Một giống mèo hoang dã và một con chim săn mồi nhồi bông bị thu giữ.

Theo luật quốc tế, hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép các loài trong diện nguy cấp có thể phải ngồi tù và bị phạt tiền lên tới hàng trăm nghìn USD. 

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 6.

Một "sản phẩm bổ sung" mang nhãn hiệu "Craze" bị thu giữ.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng "Craze" có chứa N, alpha-diethylphenylethylamine hoặc N, a-DEPEA, một hợp chất tương tự như methamphetamine (một loại ma túy tổng hợp).

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 7.

Một loại thuốc bị thu giữ có tên "Red Ant".

Đây là một phương thuốc khá phổ biến của Trung Quốc có chứa chất chiết xuất từ cá ngựa, được cho là có thể điều trị mọi thứ từ rối loạn cương dương đến ung thư.

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 8.

Những con cá ngựa sấy khô trong lọ được giới chức Anh thu giữ.

Trong danh sách của CITES có tới 11 loài cá ngựa trong diện dễ bị tổn thương hoặc đang bị đe dọa và tất cả đều được bảo vệ.

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 9.

Thu giữ bộ phận của tê tê vận chuyển và buôn bán trái phép

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), trên thế giới chỉ có tám loài tê tê sinh sống chủ yếu tại các vùng nhiệt đới thuộc châu Á và châu Phi.

Tê tê là loài động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, bị hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại, được liệt kê trong danh sách cấm theo Công ước CITES.

Tuy nhiên mỗi năm có ít nhất 20 tấn tê tê và các bộ phận của chúng vận chuyển và buôn bán qua biên giới, thông qua hàng chục tuyến đường buôn lậu bất hợp pháp.

Số lượng tê tê bị suy giảm nghiêm trọng do hoạt động săn bắn lấy thịt của con người.

Tại Trung Quốc thịt tê tê được coi là cao lương và là một nguyên liệu quý trong Đông y.

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 10.

Một chiếc sừng của linh dương saiga, loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

WWF cho biết số lượng loài linh dương saiga đã giảm từ hơn một triệu con xuống khoảng 40.000 con trong một thập kỷ qua.

Sừng của linh dương saiga đực được đánh giá cao trong y học Trung Quốc và được bán với giá khoảng 30USD một gram tại thị trường chợ đen.

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 11.

Một chai rượu rắn có nhãn được ghi bằng tiếng Anh.

Nhiều loại thuốc chữa bệnh từ động vật có nguồn gốc từ châu Phi và phần lớn được bán tại thị trường châu Á.

Hoạt động thương mại bất hợp pháp và tàn nhẫn này có thể có tác động nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài nguy cấp.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, ước tính thị trường các sản phẩm thuốc chữa bệnh từ động vật hoang dã trên toàn cầu có giá trị khoảng 3,4 tỉ USD.

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 12.

Một lọ thuốc có nhãn hiệu "Hoodia", được cho có tác dụng làm giảm cảm giác thèm ăn.

Việc bán Hoodia bị cấm ở Anh do không có căn cứ khoa học về lợi ích của nó.

Hoodia là một sản phẩm được chiết xuất từ thực vật theo phương pháp của các bộ lạc ở Nam Phi, giúp thổ dân nơi đây sống sót trong điều kiện không có thức ăn khi đi săn nhiều ngày trên sa mạc.

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 13.

Hộp sọ của một loài linh trưởng được chế tác và trưng bày trong hộp kính để làm đồ trang trí.

Nhiều mẫu vật thu giữ được là của các loài linh trưởng có nguồn gốc từ phía tây hoặc miền trung châu Phi, trong đó có những loài đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Lợi dụng đi chơi để vận chuyển động vật trái phép - Ảnh 14.

Những đồ trang trí được chế tác từ ngà voi này không thể vượt qua sự kiểm tra khắt khe của các nhân viên an ninh sân bay Heathrow.

Theo số liệu từ WWF, mỗi năm có khoảng 20.000 con voi bị những kẻ săn trộm giết hại để lấy ngà. Số ngà voi này sau đó được vận chuyển và buôn bán bất hợp pháp trên thị trường quốc tế dưới dạng các đồ trang sức bằng ngà voi.

MINH HẢI (Tổng hợp từ Reuters, Daily Mail)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên